LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Giữ lửa nghề làng Rồng
(Ngày đăng: 04/05/2012   Lượt xem: 2569)
Dù kinh qua những giai đoạn thăng trầm, chiến tranh, hay suy thoái, nghề đúc đồng vẫn được duy trì bởi quyết tâm của người làng Rồng - tên nôm của làng Lộng Thượng, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên.

Nhắc đến nghề đúc đồng, người ta thường nhắc đến làng Ngũ Xã (Hà Nội), Ý Yên (Nam Định) và Đại Bái (Bắc Ninh), ít ai biết rằng Hưng Yên là nơi có nhiều làng chuyên nghề đúc đồng từ xưa. Một số phường thợ giỏi ở đây đã lên kinh thành Thăng Long cùng một số phường nghề khác lập nên làng nghề Ngũ Xã danh tiếng. Trước đây xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên có 4 làng làm nghề đúc đồng gồm: Văn Ổ, Xuân Phao, Lộng Thượng, Bùng Đông, trong đó thợ làng Lộng Thượng có tay nghề cao nhất và vẫn tồn tại đến ngày nay. Sản phẩm của làng nổi tiếng nhất là lư hương, đỉnh, hạc, nến, chuông, tượng... được tạo nên bởi kỹ thuật đúc tinh xảo đúc rút qua nhiều thế kỷ. Theo sử sách, tổ nghề đúc đồng là Khổng Minh Không - Quốc sư triều Lý thế kỷ XII đã dạy nghề đúc đồng cho dân làng. Mấy trăm năm trôi qua, giờ đây pho tượng tổ sư được chính những người con làng nghề đúc lên với tất cả lòng thành kính, biết ơn công lao khai truyền nghiệp quý. Nhờ có nghề đúc đồng, dân làng Rồng và các vùng xung quanh nhiều đời no ấm.


Ông Dương Văn Bảo - thợ đúc đồng kỳ cựu làng Rồng hiện nay                                               

Dù kinh qua những giai đoạn thăng trầm, chiến tranh, hay suy thoái, nghề đúc vẫn được duy trì bởi quyết tâm của người làng Rồng. Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng nghệ nhân Dương Văn Ban vẫn không quên ký ức về giai đoạn khó khăn của nghề đúc đồng: “Tôi theo các cụ từ năm 13 tuổi, đến 16 tuổi đã ra nghề. Nhưng cái nghề này cũng thăng trầm lắm, thời chống Nhật phải ngưng sản xuất, rồi Cách mạng tháng Tám lại dừng một thời gian. Đến năm 1954, mang hàng lên Hà Nội các ông phòng thuế còn bắt. Nhưng lúc ấy tôi xác định khó khăn cũng vẫn phải làm để giữ nghề, bắt thì tôi đóng thuế chứ không tội vạ gì cả”. Quyết tâm ấy khiến ông Ban bám trụ với nghề những khi cả làng đã bỏ hết. Những năm 1970 - 1980, trong làng chỉ duy nhất lò đúc của ông Ban chung với 3 người anh em còn đỏ lửa. Chính từ lò đúc ấy, đầu những năm 1980, các ông đã truyền dạy nghề và khôi phục nghề. Dần dần, số lượng lò đúc tăng lên, giờ cả làng có đến hơn 100 lò. Nghề quý làng Rồng đã không bị thất truyền.

Đến giờ, ở tuổi xế chiều, nghệ nhân Dương Văn Ban đã hoàn thành sứ mệnh cả đời làm thợ đúc đồng, giữ được nghề cho làng. Trong nhà ông còn giữ bộ đỉnh vuông, tai thùng niên đại gần 100 năm do cụ thân sinh làm như một báu vật gia truyền. Nhưng tài sản lớn hơn mà ông để lại chính là cả 5 người con trai và các cháu đang ngày đêm say sưa với nghề đúc đồng của làng Rồng. Ông Dương Văn Bảo - con trai cả của nghệ nhân Dương Văn Ban - là thợ đúc đồng được xếp vào hàng kỳ cựu của làng Rồng hiện nay. Gần 60 tuổi, cuộc đời ông là mảnh ghép của những giai đoạn chiến đấu ở nhiều chiến trường, và thời gian còn lại gắn bó với nghề đúc đồng. Trong ông, vết thương chiến tranh không át đi sự tài hoa của đôi bàn tay, tâm huyết của con tim, khối óc. Ông Bảo tâm sự: “Đã làm cái gì thì cũng phải kiên trì, đam mê, vất vả thì nghề nào cũng có. Tôi thích nhất câu này: Nên thợ nên thuyền vì có học/ No cơm ấm áo bởi hay làm. Tôi luôn tâm niệm như vậy, vả lại tôi cũng có chất lính trong người nên gian khổ như vậy cũng là bình thường”.


Rót đồng vào khuôn                                                         Ảnh: Lê Bích                                          

Gia đình ông Bảo tiên phong trong những chuyển hướng của làng nghề: từ việc tập trung sản xuất mặt hàng, cải tiến theo lối mới, hay áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thủ công truyền thống. Hiện nay, xưởng nhà ông Bảo đang tập trung làm đỉnh đồng - loại sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, tay nghề vững vàng, bởi nó kết tinh cả giá trị hội họa và điêu khắc. Đây có thể coi là hàng khó làm nhất trong các mặt hàng đúc làng Rồng. Ở mỗi công đoạn, người thợ đúc rút ra kinh nghiệm, bí quyết riêng, ngay từ khâu đầu tiên là làm đất, làm khuôn. Đất làm khuôn không chỉ là loại đất trộn trấu, mà còn cả loại đất có màu đen để trát các khe, đường viền. Loại đất đặc biệt này gồm: bùn, sét, trấu đốt lên giã nhỏ, trộn với giấy bản, giấy dó... mới tạo thành mồi thật mịn để chống nứt và làm cho mặt sản phẩm nhẵn bóng hơn. Công đoạn làm khuôn tưởng chừng đơn giản, nhưng để làm được, người thợ có khi phải học đến vài năm, còn thợ vụng, có khi làm lâu năm vẫn hỏng. Đặc biệt như thao tác “lấy thịt”. Thịt là độ dày mỏng của lớp đồng khi được rót vào giữa 2 lớp thao trong, bìa ngoài. Người thợ phải chỉnh sửa khuôn sao cho bên trong đồng đều, để khi rót đồng không bị chỗ dày, chỗ mỏng. Việc gọt khuôn bên trong chỉ có thể áng chừng và lấy bằng cảm tính, kinh nghiệm, nên theo ông Bảo đây giống như việc: “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”.

So với các ngành nghề thủ công khác, đúc đồng là một trong những nghề nặng nhọc và vất vả. Thợ đúc đồng không chỉ đòi hỏi phải có sức khỏe mà còn cần phải khéo léo, tinh tế. Các động tác tuy đơn giản nhưng tất cả đều có bí quyết và kinh nghiệm. Gắn bó nghề đúc đồng đã đến năm thứ 60 cuộc đời, dù vất vả, ông Dương Văn Bảo không hối hận vì đã theo nghề. “Nói chung, làm bất cứ nghề gì cũng phải yêu nghề, vì nghề nào chẳng có lúc thăng lúc trầm. Đấy là động lực để tôi chiến đấu lâu dài với nghề này”.

Diệu Năng
theo daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.465.053
Tổng truy cập: