LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng Mỹ nghệ Sơn Đồng, nơi tô điểm cho tinh hoa văn hóa tâm linh người Việt
(Ngày đăng: 28/04/2012   Lượt xem: 2665)

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, người thợ làng nghề Sơn Đồng vẫn liên tục kế thừa, phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống mà tổ tiên truyền lại.

Nghệ nhân thổi hồn vào tượng

Chúng tôi đến làng Mỹ nghệ Sơn Đồng vào một ngày hè cuối tháng tư, màu nắng vàng phủ kín những ngõ dài. Mới đến đầu làng, không khí nhộn nhịp với những tiếng khắc gỗ rôn rã của làng nghề hàng nghìn năm tuổi là điều đầu tiên tôi cảm nhận được. Chúng tôi đã có buổi gặp gỡ,giao lưu với Hiệp hội làng nghề Sơn Đồng và được các nghệ nhân đưa đi thăm xưởng sản xuất, các cửa hàng trưng bày sản phẩm, ngắm nhìn vẻ hoàn mĩ rất “trần tục” của những pho tượng quý.

Đi theo âm thanh lách cách như những bản nhac rất vui tai, phát ra từ những tiếng đục, đẽo gỗ… chúng tôi đến xưởng chế tác của nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, hiện là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Sơn Đồng. Anh không những được xem là người có “bàn tay vàng” mà còn là một tài năng hiếm có của làng điêu khắc, tạc tượng ở nước ta. Bức tượng Kim cương, pho tượng Quan âm và nhiều công trình điêu khắc truyền thống khác của anh, đều là những tác phẩm đặc thù trong lĩnh vực văn hóa tâm linh. Anh là lớp nghệ nhân trẻ đi đầu trong việc kế thừa nét tinh hoa về tay nghề và lại rất năng động trong cơ chế thị trường, góp phần tạo ra sức sống mới cho làng nghề hơn 1000 năm tuổi này.

Bên trong xưởng của nhà anh Thạnh, những người thợ đang say sưa với các sản phẩm  mới chế tác xong, đang chờ được sơn thếp vàng. Trong một góc xưởng, nét sinh động của hai pho tượng Kim Đồng - Lý Tự Trọng đang trong quá trình hoàn thiện, đã cuốn hút chúng tôi. Tượng Kim Đồng được nghệ nhân tạo tác khéo léo với vai đeo túi, nhảy chân sáo, mang nét hồn nhiên của của một anh đội viên liên lạc dám băng rừng, vượt suối. Tượng Lý Tự Trọng lại mang nét hiên ngang, dũng cảm của một chàng thanh niên 17 tuổi giàu nhiệt huyết với cách mạng... Trò chuyện với những người thợ trong xưởng, tôi được biết hai bức tượng này do Hội nghệ nhân Sơn Đồng cùng phối hợp với Ủy Ban Nhân Dân xã Sơn Đồng làm để tặng trường Tiểu học Cơ sở Sơn Đồng, với mong muốn góp phần giáo dục thế hệ trẻ của làng làm theo những tấm gương tốt trong lịch sử  

                                      

Hai Pho tượng Kim Đồng – Lý Tự Trọng trong xưởng nhà nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh

Rời xưởng thủ công mỹ nghệ của Nghệ nhân Thạnh, chúng tôi đến xưởng sản xuất năm gian của Nghệ nhân Nguyễn Viết Thắng. Anh được gọi là người đã chạm tới cái hồn của gỗ, tài năng của anh còn được khẳng định trong việc truyền thần về tạc tượng. Anh đã chế tác ra nhiều pho tượng quý giá, như tượng Quan âm bồ tát nghìn tay nghìn mắt, hay là việc anh dựa vào một bức ảnh chụp hòa thượng Thích Đức Nhuận, nguyên chủ tịch Hội phật giáo Việt Nam, anh đã tạo dựng lên một tác phẩm truyền thần có kích thước bằng một người thật…Ngoài việc chế tác tượng,  người Nghệ nhân tài hoa này đã đi khắp đất nước, trùng tu nhiều di tích lịch sử nổi tiếng: Di tích lịch sử trong kinh thành Huế, Hiển Hàn lâm, Đường lâm các…. “Nghề tạc tượng sơn son thếp vàng này cũng nhiều gian khổ lắm. Có lần mình trùng tu bức hoành của Hiển Lâm Các bị đạn bắn vỡ một góc hoa văn, không có mẫu gốc, mình phải mày mò, tìm tòi để phục chế lại. Rồi có khi, phải treo mình dưới cái nắng cháy của miền Trung để sơn thếp các cột nhà...”, anh Thắng tâm sự

                                           

                                                                           Tượng phật Di đà ngồi trên đài sen

Cứ thế, niềm say mê với nghề, và những tinh hoa hàng ngàn năm của làng nghề đã truyền qua đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân mà thổi hồn cho tượng.

Tinh hoa làng nghề

Câu chuyện với những người thợ làng nghề đã giúp tôi hiểu sâu hơn về cái “hồn, cái tinh tế trong mỗi pho tượng, và dường như cũng dần nhận ra được “nét riêng” của tượng Sơn Đồng.

Phân tích chúng tôi hiểu nét đẹp của từng pho tượng, nghệ nhân Trần Quang Hùng chia sẻ: “Ở nơi khác, thợ đúc tượng luôn làm tượng ngẩng đầu hướng lên, nhưng riêng Sơn Đồng chúng tôi, đầu tượng thường nhìn xuống”. Lí giải về điều này, Nghệ nhân Hùng nói thêm: “dân ta thường đi lễ phật cầu an, cầu tài lộc, bước vào lễ, dân mình đều phải quỳ gối dưới chân phật. Chính vì thế, tạc tượng nhìn xuống là cách mà người thợ Sơn Đồng thể hiện sự sẻ chia, đồng cảm của đức Phật, đức Thánh với khát vọng của chúng sinh”.

Tượng phật Sơn Đồng mỗi pho mang một sắc thái khác nhau. Tượng Quan Âm Bồ Tát khuôn mặt từ bi hỉ xả, tay cầm bình ngọc lộ phổ độ chúng sinh khác với tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay mang đậm tính dân gian, sắc thái nghiêm trang; các đôi cánh tay lớn như đang múa, các cánh tay nhỏ được sắp xếp theo vầng hào quang tỏa sáng xung quanh. Tượng Tuyết Sơn đặt trên Tam Bảo mang hình hài gầy gò, thể hiện sự tu luyện theo lối khổ hạnh khác với tượng Di Lặc thân với tròn trịa thể hiện sự sung túc, đầy đủ...

Sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng chủ yếu thuộc về tâm linh nên các thế hệ thợ Sơn Đồng luôn cố gắng giữ gìn bản sắc riêng trong từng đường chạm, nét khắc. Tiếp nối truyền thống làng nghề, những lớp thợ trẻ của làng không không chỉ kế thừa tinh hoa cha ông truyền lại mà còn rất năng động trong thời đại kinh tế mới.

Đến Sơn Đồng, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi thấy những em bé tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã thành thạo việc cầm đục, cầm dùi mà khắc, chạm một cách khéo léo. Tinh hoa của làng nghề không phải chỉ ở sản phẩm mà còn ở chính những nghệ nhân, những người thợ làng nghề từ bao đời nay đã và đang gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tâm linh của dân tộc mình.

 Cho đến nay, các sản phẩm của Sơn Đồng không chỉ vang danh khắp mọi miền đất nước mà còn vang xa tới nhiều quốc gia trên thế giới. Nghề thủ công mỹ nghệ ở Sơn Đồng đã góp phần không nhỏ vào tỷ trọng kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, để xây dựng làng nghề Sơn Đồng ngày một phát triển bền vững và giàu mạnh, thiết nghĩ làng nghề nên có một khu trung tâm thương mại, để trưng bày giới thiệu sản phẩm, buôn bán, góp phần quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển văn hoá, du lịch như một số làng nghề truyền thống đã làm.

                           

Qua bàn tay khéo léo của người thợ Sơn Đồng, thế giới tâm linh như hóa thân vào hình hài sinh động, giàu cảm xúc

                           

                                   Tám pho Bát bộ kim cương trong xưởng nhà nghệ nhân Nguyễn Viết Huân

                                                                                                                                                                                                                               Mai Lý

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

34
Đang xem:
72.471.379
Tổng truy cập: