LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Phát triển nghề khảm xà cừ truyền thống
(Ngày đăng: 21/11/2013   Lượt xem: 688)
Quá thị trấn Bình Định về phía bắc theo QL1A chừng một cây số, có cơ sở khảm (cẩn) xà cừ khá quy mô, có lẽ là lớn nhất tỉnh Bình Định. Đó là cơ sở của Công ty Khảm xà cừ Hồng Hà (Công ty), do 4 anh em ông Trần Văn Hùng lập nên và do ông làm giám đốc. Ông nói: Để kế tục nghề truyền thống của ông cha. Cũng là những sản phẩm chủ yếu: bình phong, tam sơn, liễn, hoành phi, câu đối, tủ thờ, bàn ghế ... nhưng có sáng tạo hơn để phù hợp thị hiếu thị trường. Trải qua trên mười năm thăng trầm, sản phẩm khảm xà cừ của Công ty đứng vững và bắt đầu chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Nghề truyền thống:

Ông Hùng cho biết: Cách đây khoảng ba trăm năm, dưới thời Tây Sơn nghề khảm xà cừ rất phát triển ở làng Cẩm Văn (xã Nhơn Hưng), một số vùng xã Nhơn An. Vì ở quanh thành Hoàng Đế, cùng với các làng rèn, dệt vải, tiện gỗ, đúc đồng... nghề khảm xà cừ cũng phát triển để phục vụ cho việc xây lăng tẩm, điện thờ cho các bậc đế vương, quan lại. Thời ông cố, ông nội, rồi cha ông Hùng đều làm nghề này.

 

Tất cả đều làm thủ công, từ khâu cưa xẻ gỗ, đến cắt, mài ốc xà cừ... Các hộ gia đình làm theo kiểu khép kín, tức là các khâu đều do người trong nhà làm. Do đó mỗi sản phẩm như bình phong, tam sơn, liễn thờ, hoành phi, câu đối phải mất từ 15 - 20 ngày/sản phẩm. Tuy vậy làm nghề này vẫn sống được thời bấy giờ.

 

Đến thời sau giải phóng năm 1975 các làng nghề cẩn xà cừ mai một, vì đồ thờ loại này ít được ưa chuộng. Một vài người yêu nghề truyền thống của ông cha để lại mới duy trì, nhưng cũng không sống được với nghề. Tuy vậy cha ông Hùng vẫn cố gắng giữ lại nghề, truyền lại cho con cháu, coi đó là thiêng liêng, là máu thịt gắn với nhiều đời của gia đình.

 

Được cha truyền lại từ thời còn niên thiếu, học được bí quyết khảm xà cừ, lại giỏi nghề; tuy vậy với 2 bàn tay trắng, với nghề làm ruộng, lại ở vùng nông thôn, xa nơi có điều kiện tiếp thị... làm sao phát triển nghề này, trong lúc cuộc sống ngày càng phát triển, người ta bắt đầu quan tâm đến đồ khảm xà cừ... Với trăn trở vậy, năm 1999 bốn anh em ruột ông Hùng mạnh dạn hợp tác nhau mở cơ sở khảm xà cừ.

 

Lúc đầu làm ra các sản phẩm rặc truyền thống: hoành phi, câu đối, liễn thờ, bình phong, tam sơn... Mỗi tháng chỉ được 7-8 sản phẩm, nhưng không biết bán ở đâu. Một năm sau, được huyện cho thuê mặt bằng trên 3.00m2, mặt đường QL1A (xã Nhơn Hưng), các anh mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở công ty: Công ty CP khảm xà cừ Hồng Hà.

Có nhà xưởng ổn định, có nơi tiếp thị sản phẩm Cty dần dần phát triển.

 

Đi lên từ đổi mới sản xuất:

Không thể giữ mãi cách sản xuất theo truyền thống hoàn toàn, để sản phẩm tinh xảo cạnh tranh với một số sản phẩm cùng loại các địa phương khác ngoài tỉnh, anh Hùng thuê thợ từ Hà Tây, Nam Định vào làm sản phẩm khảm xà cừ, lẫn chạm khắc gỗ. Theo anh, thợ các tỉnh này cũng có truyền thống chạm khắc, khảm xà cừ lâu đời, các nghệ nhân ở đây có tay nghề cao. Sau 7 năm tiếp thu được tinh hoa của họ và sản phẩm công ty ngày càng tinh xảo hơn.

 

Cũng là đồ thờ cao cấp, đồ mỹ nghệ khảm xà cừ, nhưng so với xưa mang tính nghệ thuật cao hơn, đường nét uyển chuyển bay bổng hơn. Ví dụ: cũng là tác phẩm Vinh quy bái tổ, dựa theo mẫu cũ, nhưng nay diễn tả sinh động hơn, có thêm núi non cỏ cây, đường sá... Hay tác phẩm là cây hoa, thì các cánh hoa đài hoa mềm mại, uyển chuyển, sống động hơn, nhờ bàn tay sáng tạo, qua những đường nét khảm mảnh mai của nghệ nhân.

 

Để có một tác phẩm khảm hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn: Tạo mẫu, cắt xà cừ, dán lên gỗ, đục gỗ theo mẫu, gắn xà cừ vào mẫu, mài cho bằng với mặt gỗ, cuối cùng là đánh bóng hoàn chỉnh sản phẩm. Gỗ để khảm thường phải là gỗ gõ. Loại gỗ này bền chắc, không biến dạng, không mối mọt, có màu đen bóng rất đẹp, lại tương phản với màu của xà cừ, làm nổi bật tác phẩm xà cừ trên gỗ. Còn xà cừ nguyên liệu mua từ nước ngoài đã qua chế biến, tức là được cắt thành lá mỏng. Tùy loại: xà cừ đỏ, xanh từ các loại ốc, trai, bào ngư, ốc đụn... mà giá cả khác nhau. Có loại 80 triệu đồng/kg, có loại 120 triệu đồng/kg. Trong đó ốc xà cừ là đắt nhất, và loại xà cừ đỏ là số 1. Đồ gỗ, nhất là đồ thờ, cẩn loại xà cừ này có 7 màu rất đẹp, ngay cả trong đêm tối, xà cừ cũng ánh lên, lung linh các sắc màu huyền diệu.

 

Ông Hùng nói, nếu trước kia 4 anh em mỗi người một công đoạn, chủ yếu lấy công làm lời, thì trong mấy năm gần đây, ông có đào tạo công nhân. Qua một, hai năm học nghề thực tế tại xưởng là làm được. Hiện xưởng của Cty có trên 50 người, đa số là thợ trẻ, trong đó chủ yếu là con em ở địa phương, trong gia đình. Em Trần Linh Kiệt 20 tuổi, cũng là con cháu trong gia đình anh Hùng, làm quen với nghề khảm từ nhỏ. Học xong lớp 9 em nghỉ ở nhà theo nghề truyền thống gia đình. Nghề của em là chuyên “tỉa”, “tách”, tức là khi tác phẩm xà cừ đã dán vào gỗ, em dùng dao nhọn bằng thép, khắc vào xà cừ, tạo các chi tiết cần thiết, để hoàn chỉnh tác phẩm đó, mà khi cắt tạo hình không thể mô tả hết được. Ví dụ đầu lân, rồng, phụng... thì em phải “tỉa” thêm vào những đường nét râu, mắt, lông mi; hay bông hoa cây cối phải “tỉa” vào các cánh hoa, nhụy búp... Nhìn đôi tay đưa dao khắt thật uyển chuyển, thành thục tạo ra đầu con long, ly, quy, phụng,... thật sống động; hoặc những bông hoa chúm chím, óng ánh như cười, như đang khoe sắc hương trước người chiêm ngưỡng, ta không khỏi thán phục đôi tay tài hoa của nghệ nhân trẻ này. Chỉ có những đam mê, cộng thêm yếu tố di truyền, năng khiếu nào đó mới có được những bàn tay khéo léo đến vậy. Em Kiệt cho biết mỗi ngày em có thể “tỉa” được 3 bộ bình tam. Em có tâm niệm sẽ kế tục nghề truyền thống của gia đình.

 

Còn em Trần Kim Trung 20 tuổi- Cũng là người nhà - chuyên về khâu cắt xà cừ. Tức là sau khi tấm xà cừ được vẽ từ mấu trên giấy, thì được đưa vào cắt. Dao cắt là một sợi thép, nhỏ như sợi dây đàn, được tạo răng trên đó, và được đưa theo đường nét đã vẽ, rất tỉ mỉ công phu. Tuy vậy không hề đơn giản, mới vào nghề tập sự thì cắt theo hình lớn, còn khi đã thành thục thì cắt theo hình có đường nét mảnh mai, tạo sản phẩm mảnh như hình sợi tóc, que tăm. Có trình độ cắt như vậy mới tạo được tác phẩm đẹp, sinh động. Phải mất một năm miệt mài học tập mới “cắt” được thành thục.

 

Trong xưởng khảm, công nhân đa số trẻ tuổi, 18, đôi mươi. Có em đã tốt nghiệp THPT không học tiếp mà trở thành công nhân, nghệ nhân của xưởng khảm. Em NguyễnThị Hưng đã làm ở đây được một năm, chuyên đục cẩn trên gỗ. Em cho rằng đây cũng là một nghề, nếu giỏi cũng sẽ sống được bằng nghề.

 

Đồ khảm xà cừ lên ngôi:

Ông Hùng nói: Khi cuộc sống phát triển, các dòng tộc, gia đình người Việt cũng coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Ai cũng muốn trong nhà có gian thờ theo truyền thống, tức có bình phong, tam sơn, hoành phi, câu đối. Ai cũng muốn có tủ thờ uy nghiêm, có sản phẩm mỹ nghệ trưng bày trong gia đình... và sản phẩm có cẩn xà cừ mới đáp ứng được. Từ đó đồ mỹ nghệ, khảm xà cừ lên ngôi. Có đôi liễn có giá lên đến 120 triệu đồng, thông thường là 45 - 50 triệu đồng; có tủ thờ khách hàng mua của Công ty lên đến 45 triệu đồng.

 

Ngoài khảm trên đồ thờ, Công ty còn khảm xà cừ trên bất kỳ sản phẩm nào theo đơn đặt hàng: trên độc bình gỗ, trên tủ, bàn, ghế, trường kỷ... Hiện Công ty có xưởng sản xuất đồ gỗ: bàn, ghế, tủ... đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ngoài ra còn gia công khảm xà cừ trên sản phẩm có sẵn khi khách hàng yêu cầu.

 

Nếu cách đây 10 năm mỗi ngày Công ty sản xuất chỉ 7-8 sản phẩm, thì nay từ 15 - 18 sản phẩm hoàn chỉnh, gồm hoành phi, câu đối, tủ thờ, tranh mai- lan- cúc- trúc, cầm kỳ thi họa, các tác phẩm cảnh thiên nhiên, khảm trên nhiều sản phẩm gỗ khác nhau... Thị trường, ngoài trong tỉnh, Công ty còn vươn ra các tỉnh bạn.

 

Theo ông Hùng: Phát triển thị trường tiêu thụ bằng cách sẽ đặt các đại lý văn phòng giao dịch tại một số tỉnh lân cận, trong thời gian tới. Theo ông, có tiêu thụ mạnh thì mới phát triển nghề khảm xà cừ lên một bước cao hơn.  

                                                                                               Theo: khoahoc&congnghe
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.498.422
Tổng truy cập: