Người thợ đang hoàn tất công đoạn se hương.
(THO) – Ngõ Hàng Hương, phố Bà Triệu 3 (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống từ hàng trăm năm nay.
Nghề làm hương không nhàn hạ và thu nhập cũng chẳng lấy gì làm cao. Do vậy, trong ngõ Hàng Hương (phố Bà Triệu 3, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) bây giờ chỉ còn hơn chục hộ gia đình duy trì nghề. Lao động chủ yếu là phụ nữ và những người lớn tuổi. Trong số các loại hương được làm ở đây, hương trầm là một sản phẩm khá nổi tiếng.
Để có được những sản phẩm ưng ý đòi hỏi cả một sự kỳ công của người thợ…
…bởi làm hương phải trải qua rất nhiều công đoạn, nhất là với hương trầm lại càng phải tỉ mỉ hơn.
Để cho ra một mẻ hương tốt phải chú ý đến khâu chọn nguyên liệu. Hương liệu trước đây phải là rễ cây trầm, nhưng bây giờ, rễ trầm ngày càng khan hiếm nên người ta thường thay thế bằng rễ cây lâu, rồi trộn lẫn với các vị thuốc Bắc như nụ hồi, đinh hương, cam thảo... tạo mùi thơm rất dễ chịu. Hương trầm được ưa chuộng không chỉ bởi mùi thơm, mà còn bởi hương cháy đều khi đốt lên, tàn hương uốn vòng lại trên bát hương, báo hiệu những điềm tốt lành. Chu hương (nan hương) thường được làm từ thân cây lùng (một loại cây thuộc họ nhà tre, nứa).
Chu hương được đem phơi kỹ qua nắng, qua sương nhiều ngày để vừa dẻo, khô giòn, vừa dễ cháy.
Các vị thuốc được trộn với mùn cưa, sau đó đem nhào vừa với nước tạo thành một hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương.
… tiếp đó, hương sẽ được đem phơi nắng.
Sau khi hoàn tất, hương được mang đi đóng gói…
…và được bày bán nhiều trên các đường phố, nhất là ở đường Bà Triệu (TP Thanh Hóa)
Theo Báo Thanh Hóa