LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Gốm Kim Lan: Đau đáu phục hồi làng gốm cổ
(Ngày đăng: 14/10/2013   Lượt xem: 709)
Làng gốm Kim Lan chính là cái nôi nghề gốm của đất Thăng Long xưa. Vậy nhưng, nay người ta chỉ biết đến những sản vật gốm nơi đây dưới cái tên Bát Tràng, thậm chí không có tên tuổi. Chẳng lẽ, cứ buông xuôi, vô cảm để làng gốm cổ nhất Việt Nam dần mai một?
Làm sống lại một làng gốm cổ đã có hơn 1000 năm tuổi không chỉ là nguyện vọng, trách nhiệm của người dân Kim Lan mà cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp của TP Hà Nội.
 
Người truyền lửa cho Kim Lan
 
Dẫn chúng tôi tham quan làng nghề gốm cổ Kim Lan, ông Nguyễn Đức Trí - Phó Chủ tịch xã cho biết: Làng gốm sứ này đã cung cấp nhiều giá trị sử học để hiểu rõ hơn về gốm sứ của một vùng ngoại vi Thăng Long, nhất là gốm thời Trần. Những thứ quý giá nhất đang được cất giữ tại “bảo tàng” mini đặt ở trung tâm xã. Có được bảo tàng là nhờ công lao đầu tiên, to lớn của nhà khảo cổ học người Nhật đầy tâm huyết TS Nishimura Masanari. Một trong những di tích mà ông khai quật chính là khu lò gốm Kim Lan. Cũng nhờ duyên do đó mà ông đã tích cực vận động các quỹ và cá nhân người Nhật tài trợ cho nhà trưng bày này.
 
Ông Nguyễn Đức Trí giới thiệu các hiện vật trưng bày tại bảo tàng gốm Kim Lan.
Ông Nguyễn Đức Trí giới thiệu các hiện vật trưng bày tại bảo tàng gốm Kim Lan.

Kể tới đây, giọng ông Trí bỗng nhiên nghẹn lại, hồi tưởng: “Tôi gặp TS Nishimura Masanari vào tháng 4/2000. Khi ấy, ông đến cùng bà Noriko (sau này là vợ ông) khi nghe tin về di chỉ Hàm Rồng trên địa bàn xã. Năm 2001, Nishimura đã cùng sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội khai quật di tích Kim Lan. Trong các hố thám sát đã tìm được nhiều mảnh gốm sứ tinh xảo gồm: Gốm sứ Long Tuyền, Việt Châu cùng nhĩ bôi (chén có tai) từ thế kỷ XI, đĩa men lam đường kính 45cm, lòng đĩa vẽ phượng. Đây là những phát hiện quý giá để sau đó, với nhiều nghiên cứu khác, Nishimura đã khiến cả làng gốm Kim Lan sôi động trở lại”.
 
Còn ông Nguyễn Văn Khoan (90 tuổi) lại không thể quên con đường bê tông dài 700m do vợ chồng TS Nishimura đã vận động Đại sứ quán Nhật Bản giúp xây dựng. “Tôi nhớ mãi hình ảnh TS Nihsimura đứng trước bà con dân làng, say mê nói về cái bảo tàng khảo cổ cộng đồng lúc mới xây xong. Và không lâu sau, rất nhiều người làng đã tự mang cổ vật hiến tặng. Với chúng tôi, cái “anh Nhật” ấy, từ lâu đã là người làng. Và con người đã từng truyền lửa cho đất và người Kim Lan giờ đây đã an nghỉ nơi đất làng cũng là điều ý nghĩa” - Ông Khoan ngậm ngùi kể lại.
 
Một vụ tai nạn giao thông ngày 9/6 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của TS Nishimura Masanari, khiến người dân Kim Lan và cả giới khảo cổ học Việt Nam như mất đi một kho tàng quý giá. Như chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: TS Nishimura không chỉ đóng góp riêng cho Kim Lan, anh còn tìm ra khuôn đúc trống đồng để chứng minh rõ nguồn gốc trống đồng của Việt Nam. Và cả khuôn đúc mũi tên đồng thời An Dương Vương để làm luận cứ chứng minh tên đồng được chế tạo tại Việt Nam. Ngoài ra, di tích Thành nhà Hồ, di chỉ 18 Hoàng Diệu... cũng ghi nhiều dấu ấn của TS Nishimura. Ngày đưa tiễn TS Nishimura về cõi vĩnh hằng (13/6) tại Kim Lan, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã truy tặng ông kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học xã hội”. “Nhưng TS Nishimura còn xứng đáng được dựng tượng để ghi nhận những gì ông đã đóng góp cho Việt Nam”- ông Cường bày tỏ.
 
Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan do các cụ cao tuổi trong nhóm “Tìm về nguồn cội” trong làng và TS  Nishimura Masanari thực hiện đã được trao giải “Việc làm - Vì Tình yêu Hà Nội” tại lễ trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội lần thứ 6 - năm 2013” diễn ra chiều 29/8 tại Hà Nội. Bảo tàng là kết quả của tình yêu, sự tâm huyết của nhiều thế hệ người dân Kim Lan, cùng các nhà khoa học, nhằm gìn giữ các hiện vật vô giá, cùng chung tay xây dựng một bảo tàng khảo cổ học cộng đồng, đánh thức lịch sử một làng gốm cổ có niên đại hàng trăm năm trên đất Thăng Long.
Về phần bảo tàng gốm Kim Lan, PGS TS Nguyễn Giang Hải - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đánh giá: “Bảo tàng chính là nơi kể chuyện cho hậu thế, vì di tích nơi làm gốm sứ Kim Lan nay đã bị nước sông Hồng cuốn trôi gần hết. May thay, nhiều đồ vật có tính niên đại rõ ràng vẫn còn được lưu giữ ở đây để làm hệ quy chiếu chỉnh lý kho gốm sứ đồ sộ khai quật trong Hoàng thành Thăng Long; để cùng bảo tồn và gìn giữ cho nhiều đời sau một di sản nghề làm gốm sứ đặc sắc của đất Việt”.
 
Vẫn thấy chạnh lòng
 
“Dù đã rất nỗ lực nhưng làng gốm Kim Lan hiện nay chỉ còn gần 300 lò sản xuất, người dân Kim Lan phải đi làm thuê cho gốm Bát Tràng vì không có vốn đầu tư mở lò gốm. Tôi thấy rất buồn, nhưng biết làm sao, khi mà lực bất tòng tâm”- đó là những chia sẻ chân thành của ông Nguyễn Đức Trí. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm gốm xã Kim Lan, hàng ngày được ông, cha kể cho nghe về những câu chuyện buồn, vui, những thăng trầm của nghề làm gốm, tình yêu quê hương luôn khiến ông Trí đau đáu với việc phục hồi làng gốm cổ Kim Lan.
 
Chính bởi vậy, từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, việc phát triển làng nghề của xã Kim Lan luôn được ưu tiên hàng đầu. Để có lộ trình phát triển đúng hướng, lâu dài, phù hợp, ông Trí cùng với lãnh đạo xã Kim Lan đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của xã và đã được phê duyệt. Ông Trí cho biết: Sở dĩ thương hiệu gốm Kim Lan bị núp dưới bóng Bát Tràng bấy lâu nay là vì không có chợ. Vì thế, trong quy hoạch, chúng tôi đã tính cần 6 ha chợ và Trung tâm thương mại thủ công nghiệp Hà Nội. Tất cả đều đã được TP cấp phép xây dựng và nằm trong quy hoạch mạng lưới chợ Hà Nội. Chúng tôi ước tính những hàng hóa ở đây khoảng 40 - 60% là gốm sản xuất tại Kim Lan và các loại hàng hóa của các làng nghề khác trên địa bàn Thủ đô tụ hội về đây để phục vụ du lịch.
 
Ngoài ra, trong quy hoạch, Kim Lan còn có khu sản xuất tập trung, quy hoạch về không gian cây xanh, quy hoạch về giao thông phục vụ phát triển làng nghề, quy hoạch khu Trung tâm thực nghiệm nông nghiệp trẻ em hơn 2 ha… Với quy hoạch này, nếu xây dựng hoàn thiện, Kim Lan sẽ trở thành 1 địa điểm du lịch trọn gói hấp dẫn. Cùng với đó, còn có Trung tâm dưỡng lão của TP Hà Nội với khoảng 15ha. Từ khi quy hoạch được huyện Gia Lâm và TP Hà Nội phê duyệt, các doanh nghiệp cùng với xã đầu tư bước đầu. Hiện nay, xã đang ưu tiên dự án Trung tâm thương mại và chợ. Tuy nhiên, nguồn vốn quá eo hẹp nên các công việc tiến hành rất chậm.
 
Ngoài việc xây dựng Quy hoạch, xã cũng rất quan tâm tới việc phát triển thương hiệu sản phẩm gốm sứ Kim Lan. Năm 2009, thương hiệu gốm Kim Lan đã cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Logo, biểu tượng in trên sản phẩm cũng đã có. Từ 2010, Kim Lan luôn tích cực tham gia các triển lãm làng nghề, nông nghiệp, hội chợ… ở huyện, TP và một số tỉnh, thành khác nhưng hiệu quả chưa cao. Người dân Kim Lan đang mong mỏi có một Trung tâm thương mại, đó là hạ tầng, là tiền đề để giới thiệu, quảng bá thương hiệu một cách nhanh, bền vững nhất.
 
Vậy, thương hiệu gốm Kim Lan nức tiếng một thời liệu có khôi phục được như xưa, khi mà những điều kiện như vốn, hạ tầng giao thông đều đang còn thiếu. Người dân Kim Lan cảm thấy chạnh lòng vì sự quan tâm của chính quyền các cấp từ huyện đến TP Hà Nội và cả nhà đầu tư gần như chưa có gì.
                                                                                                         Theo: Ktdt.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.499.001
Tổng truy cập: