LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Về làng diều
(Ngày đăng: 05/08/2013   Lượt xem: 603)
Về làng diều
Trẻ nhỏ cũng mê chơi diều.

Đến xã Song Vân, Tân Yên, Bắc Giang một trưa hè oi ả, từ xa tôi đã thấy những cánh diều no gió với nhiều sắc màu, kích cỡ, cùng những âm thanh vui nhộncủa sáo diều. Cảnh tượng đó đã gợi nhớ trong tôi về một tuổi thơ đầy kỷ niệm giữa làng quê yên ả…

Trông trời, ngó mây

Tháng 7, khi đồng đất Song Vân lúa đang mướt xanh cũng là lúc gió đông nam thổi về, đây là thời điểm thích hợp nhất để thả sáo diều. Đương buổi trưa hè gay gắt, vậy mà ông Nguyễn Văn Thịnh (55 tuổi), thôn Hồng Phúc và anh con trai thứ hai Nguyễn Văn Chính chân tay lấm lem bùn đất vẫn phơi nắng giữa đồng để thu dây diều, ông bảo: “Buổi trưa thường non gió nên diều bị võng dây, tôi phải thu bớt dây về, nếu không diều sẽ cắm đầu xuống đất hoặc mắc phải ngọn cây cao, nhiều lúc phải đi gần 2 cây số mới tìm thấy diều tận bên cánh đồng xã Lam Cốt”.

Đó cũng là lý do mà người chơi diều sáo ở Song Vân cứ độ 15 giờ đến 16 giờ chiều trở ra, mới thả hàng trăm chiếc diều đua sắc, khoe âm trên bầu trời. Riêng với ông Thịnh, chơi diều từ khi 10 tuổi, đến nay thú vui ấy của ông Thịnh không hề vơi, hiện cả 3 người con trai của ông đều mê diều sáo như bố. Hễ rảnh rỗi là 3 bố con cùng đi thả diều, hoặc không thì cũng mang đồ nghề ra đục đẽo, khoan, cắt để làm con diều mới.

Với nhiều người dân ở Song Vân nói chung và ông Thịnh nói riêng, sáo diều là một thú chơi thanh cao nhưng cũng cầu kỳ, phức tạp, thậm chí mất khá nhiều thời gian, công sức. Dù đang làm ruộng nhưng nếu thấy có gió về thì bận đến mấy họ cũng gác lại công việc chừng 20 phút để thả diều. Trước khi mang diều ra đồng, người chơi phải nghe ngóng thời tiết, phán đoán hướng gió.

Theo kinh nghiệm “mưa không qua Ngọ, gió không qua Mùi” từ đó mà nhiều người ở Song Vân đã vận dụng để đón các đợt “gió đẹp” và tránh chơi diều khi thời tiết xấu. Nếu thấy trời quang mây tạnh và trong xanh thì chắc chắn là “gió không đẹp” mà phải đợi khi những đám mây “đùn” từ phía Nam lên phía Bắc thì y như rằng gió đông nam sắp về, lúc bấy giờ mấy ông trong xóm lại í ới gọi nhau vác diều ra đồng. Nói về sự cực nhọc của thú chơi diều, ông Thịnh cho biết: Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi lần thả diều hết chừng 20 phút rồi đóng cọc cột dây diều vào đó cho nó tự bay lơ lửng, đến tối sẽ thu diều về, còn khi gió yếu phải ngồi chờ cả tiếng đồng hồ mới đưa được diều lên cao. Vất vả nhất là mỗi khi trời dông bão, chỉ cần thấy dấu hiệu cơn dông thì nhà nào nhà ấy mau gọi nhau thu diều về cho kịp, để qua cơn dông thì con diều sẽ… tan xác. “Cũng có nhiều lần tôi thu được diều xuống đất rồi mà không thể mang nổi về nhà, đành phải để ngoài đồng hôm sau ra lấy, bởi có con diều kích thước lớn như một con thuyền, nếu mang về, gió lớn ập đến sẽ quật ngã cả người lẫn diều…”, ông Thịnh bảo.

Quên hết muộn phiền

Với nhiều người dân Song Vân, chơi diều không chỉ để thư giãn những lúc nông nhàn, mà đó còn là thú vui không thể thiếu. Đã là trai Song Vân chẳng mấy người không chơi diều sáo, cả 13 thôn trong xã đều có rất đông người chơi. Bởi thế, từ ông lão tóc bạc cho đến em nhỏ trong vùng đều biết và yêu thích diều sáo. Trẻ nhỏ thì chơi diều nhỏ, người lớn chơi diều to, cứ như vậy phong trào chơi diều sáo ở Song Vân được duy trì từ đời này qua đời khác và ngày càng sôi nổi. Ông Ngô Văn Bội, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) diều sáo của xã cho biết, sáo diều làm bằng ống cây mai được lấy từ các tỉnh Tây Bắc về, mặt sáo thường làm bằng gỗ mít, với đặc tính nhẹ và bền được khoét khe ở giữa. Tùy theo kích thước của diều mà gắn sáo cho phù hợp. Ông Bội đã sáng chế ra một loại sáo diều độc đáo mà chưa ai có, đó là loại sáo 2 lỗ những có thể phát ra âm thanh ở 4 chỗ.

Những người am hiểu diều sáo thường đánh giá chất lượng qua màu sắc của cánh điều, âm thanh của tiếng sáo và mức độ “đứng” lâu trên không trung. Vào những khi “gió đẹp”, người chơi diều để diều tự “đứng” tới vài ngày đêm trên bầu trời mà chưa đổ. “Muốn biết sáo hay thì phải thả lên trời mới đánh giá được, đó là loại sáo có âm vang dồn dập như thôi thúc người nghe, còn những sáo mà “nửa đêm một tiếng, gà gáy một hơi” thì chỉ có bỏ đi và đã chơi sáo diều vui nhất là tự tay mình làm sáo, chứ đi mua thì không còn gì thú vị nữa”, ông Bội bảo. Hiện CLB diều có gần 20 thành viên tham gia gồm cả thanh niên và người già. Nhiều lần CLB được mời tham gia trình diễn và thi diều sáo ở các tỉnh, thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Nha Trang…

                                                                                         Theo: Lao Động

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.498.820
Tổng truy cập: