VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Giữ gìn tinh túy cho làng nghề tò he Xuân La
(Ngày đăng: 08/03/2012   Lượt xem: 1003)
Làng nghề Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là làng nghề làm tò he duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại cho đến ngày nay . Bằng bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, chỉ trong vài phút, những người nghệ nhân làng Xuân La đã biến bột gạo thành những chú tò he vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu, được trẻ em ưa thích. Tuy nhiên, trước những đổi thay của xã hội hiện đại , món đồ chơi dân gian truyền thống này đang dần bị mai một.
Tò he - món đồ chơi dân gian truyền thống Việt Nam
Làng Xuân La được coi là làng gốc của nghề làm tò he. Và sản phẩm tò he do những nghệ nhân làng Xuân La làm ra nổi tiếng đến nỗi đã có thời cả làng đều trông vào việc làm và bán tò he để mưu sinh.
Những năm tháng trước đây, tò he luôn là món đồ chơi yêu thích của những đứa trẻ, dù ở thành thị hay nông thôn. Chỉ với những cục bột màu các loại, dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, trong phút chốc những con giống đáng yêu, ngộ nghĩnh như lợn, gà, chim... hay những nhân vật gắn liền với tuổi thơ các em nhỏ như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... đã xuất hiện. Những món đồ chơi ấy tuy nhỏ bé nhưng đã trở thành kí ức đẹp trong tâm hồn của biết bao thế hệ trẻ thơ.
Nói về tên gọi “tò he”, những nghệ nhân lâu năm ở làng Xuân La cho rằng cái tên tò he chỉ mới xuất hiện khoảng vài chục năm trở lại đây. Còn vào thời các cụ, nghề tò he còn được gọi là nghề “nặn con giống” bởi lẽ những hình nặn khi đó chỉ là những con vật như gà, lợn... nhưng nhiều nhất vẫn là hình nặn những con chim . Về tên gọi “tò he”, có thể là do trước đây một số người hay nặn bột hình chiếc kèn tò te để thu hút sự chú ý của khách. Lâu dần, tiếng tò te từ chiếc kèn trở nên quen thuộc, gắn liền với những người “nặn con giống”, và được gọi chệch thành “tò he”.
Theo những nghệ nhân làm tò he cho biết, nguyên liệu chính để làm tò he là gạo tẻ trộn với một phần gạo nếp. Nhưng theo tỉ lệ ra sao để bột gạo phải dẻo, dễ nặn nhưng không được dính tay lại là một bí quyết riêng của mỗi nghệ nhân, đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm lâu năm. Gạo sau khi được trộn sẽ đem ra xay nhuyễn cho thật mịn, trộn với chút nước rồi phơi khô. Thứ bột ấy sẽ được trộn với nước màu, đem đồ chín thành bột nặn.
Còn về nước màu, những nghệ nhân lâu năm của làng Xuân La vẫn luôn muốn dùng các màu tự nhiên, chủ yếu được chế từ các loại lá cây hay rau củ ăn được. Ví dụ như màu đỏ có thể được lấy từ quả gấc, màu vàng chiết từ củ nghệ, còn lá tràm, lá riềng sẽ tạo ra màu xanh...
Hiện nay, một số người làm tò he do mất nhiều thời gian cho công đoạn chế biến màu đã dùng màu công nghiệp để thay thế. Nhưng những nghệ nhân lâu năm của làng thì không làm như vậy. Họ quan niệm chơi tò he hầu hết là các em nhỏ, với những nguyên liệu tự nhiên, tuy rằng làm ra có vất vả, nhưng nếu lỡ dại, các em có trót ăn hay nuốt phải thì cũng không nguy hại gì.
Tìm hướng đi mới cho một làng nghề đang dần bị mai một
Khoảng chục năm trở lại đây, do đồ chơi Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, nên những đồ chơi truyền thống bị lấn át đi nhiều, tò he cũng nằm trong số đó . Phần lớn trẻ em giờ đây bị thu hút bởi vô số những món đồ chơi khác nhau nên không còn hứng thú với hình ảnh những chú tò he nữa. Và bởi vậy, việc duy trì nghề làm tò he trở nên hết sức khó khăn.
Anh Đặng Tiên Hậu, nghệ nhân trẻ làng Xuân La chia sẻ: “Giờ đây, muốn làm tiếp nghề thì không thể mãi nặn những hình cũ được mà phải thay đổi cho phù hợp với sở thích của những “khách hàng nhí”. Bây giờ, bọn trẻ chủ yếu xem những bộ phim hoạt hình nước ngoài nên với những nhân vật mà bọn trẻ thích, tôi cũng phải học nặn theo như hình Đô-rê-mon, Pi-ka-chu... Có vậy mới mong bán được hàng...”.
Ngoài việc bị đồ chơi Trung Quốc lấn át thì một nguyên nhân nữa cũng khiến cho nghề tò he hiện nay khó mà phát triển được là không có địa điểm bán hàng. Nghề nặn tò he không giống các nghề khác, muốn bán được hàng thì phải ngồi ở những nơi có đông trẻ em như trường học, công viên, các khu vui chơi giải trí... Nhưng họ lại thường xuyên bị đuổi, bị tịch thu đồ nghề, khiến công việc mưu sinh càng trở nên khó khăn hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Phiên, nghệ nhân lâu năm của làng thì hiện nay tại làng chỉ còn khoảng gần 300 người là vẫn cố gắng tiếp tục duy trì làm nghề do cha ông để lại . Phần lớn những hộ còn lại đã chuyển sang làm các lĩnh vực khác để kiếm sống.
Đứng trước nguy cơ một làng nghề truyền thống đang dần bị mất đi, những nghệ nhân làng Xuân La tâm huyết với nghề đã quyết định thử nghiệm, cố gắng tìm nhiều hướng đi mới để làng nghề được tiếp tục duy trì và phát triển.
Anh Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Tò he Xuân La cho biết: “CLB Tò he Xuân La được thành lập vào ngày 26/5/2009 với số hội viên ban đầu là 54 người. CLB được mở ra với tiêu chí là đoàn kết, tập hợp những nghệ nhân trong làng nghề lại với nhau, cùng chung tay giữ gìn và phát triển làng nghề do cha ông xưa để lại. Đến nay, CLB đã đạt được một số thành công bước đầu như được Trung ương Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chấp nhận cho thành lập Chi hội Di sản Văn hóa Làng nghề truyền thống, lấy nòng cốt là CLB, nhằm duy trì và phát triển làng nghề và số hội viên đã tăng lên là 107 người”.
Ngoài ra, vào năm 2010, CLB đã tổ chức Hội thi nặn tò he lần thứ nhất tại làng với sự tham gia của lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đại điện Sở Công Thương, Huyện ủy... và các cơ quan báo chí trong nước.
Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, làng Xuân La đã mang đến ba sản phẩm tò he kỉ lục bao gồm một con rồng thời Lý nặng 300kg, một con rùa nặng 250 kg và một mâm ngũ quả nặng 25kg do chính tay những nghệ nhân trong làng làm để quảng bá thương hiệu làng nghề truyền thống của mình với người dân Thủ đô và du khách gần xa.
Tiếp đó, vào tháng 4/2011, CLB đã phối hợp với đội Sife Ussh - nhóm các bạn sinh viên của trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn hoạt động với mục đích giúp đỡ cộng đồng bằng những dự án kinh tế, xã hội - triển khai Dự án Tò he Việt nhằm bảo tồn nét văn hóa truyền thống tò he Xuân La, giúp các nghệ nhân nâng cao thu nhập từ tò he . Cho tới nay, đội đã giúp đỡ các nghệ nhân bằng cách giới thiệu sản phẩm và dịch vụ tới nhiều đối tượng khách hàng như các công ty, trường tiểu học, mầm non, khách du lịch... Với sự giúp đỡ của Sife Ussh, các nghệ nhân có thêm nhiều cơ hội biểu diễn tại các sự kiện dành cho thiếu nhi và có những đơn đặt hàng sản phẩm từ khách du lịch Singapore, Hungary...
Bằng sự nỗ lực và cố gắng, làng nghề Xuân La đã có những khởi sắc bước đầu, tuy nhiên vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của các nghệ nhân là được sự giúp đỡ của chính quyền, cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, tìm ra biện pháp giúp duy trì, phát triển sản phẩm tò he, để trò chơi dân gian truyền thống này không bị mai một và mất đi.
Thanh Thủy
theo quehuongonline.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.407.497
Tổng truy cập: