Không chấp nhận việc làng nghề gốm chết dần, nghệ nhân
Nguyễn Thanh (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã
nghiên cứu đổi mới mẫu mã, tìm thị trường và dạy nghề cho lớp trẻ...
Theo khảo cứu của các nhà khoa học, làng
gốm Hương Canh có cách đây khoảng 300 năm, phát triển thịnh vượng nhất
vào khoảng cuối thế kỷ 19 . Sản phẩm
gốm chủ yếu là vại, vò, ấm… Do chậm cải tiến mẫu mã, nhu cầu thị trường
thay đổi, sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm nhựa, đồ gốm sứ
Trung Quốc, vào những năm 1990, làng chỉ còn vài hộ yêu nghề bám trụ...
Không thể bàng quan
Đang
chuốt lại chiếc bình hoa cách điệu khá bắt mắt, ông Thanh - người có 50
năm gắn bó với làng nghề - buồn rầu nói: “Nhìn làng gốm Bát Tràng, Phù
Lãng… đang phát triển mạnh mẽ mà thèm. Gốm Hương Canh có chất lượng tốt
mà không bán được. Nghệ nhân làm nghề cũng dần mai một. Lớp trẻ thì
không còn hào hứng với nghề… nặn đất này nữa. Nếu không được đầu tư khôi
phục, làng nghề rất khó có thể thịnh vượng trở lại”.
Theo
ông Thanh, mặc dù chính quyền thị trấn Hương Canh đã có kế hoạch quy
hoạch cụm làng nghề, đồng thời kêu gọi các nghệ nhân, gia đình đã từng
làm gốm quay lại với nghề, nhưng đến nay kế hoạch vẫn còn “nằm trên
giấy”.
Có thời điểm, Hương Canh chỉ còn vài
hộ làm gốm. Mặc dù thu nhập thấp, nhưng ông Thanh quyết không bỏ nghề.
Nhiều người bảo ông là “chậm thay đổi”, nhưng ông không thể đứng nhìn
làng nghề “chết” hoặc chuyển sai hướng . Ông tìm về các làng gốm Bát
Tràng, Chu Đậu… để xem họ làm thế nào mà nghề vẫn phát triển:
“Các
đồ vật, mẫu mã xưa không còn phù hợp với đời sống hiện đại nữa. Để nghề
gốm tồn tại và phát triển không còn cách nào khác là phải đổi mới các
sản phẩm, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để tạo ra các sản phẩm
mang tính nghệ thuật chất lượng cao” – ông Thanh nói.
Học xong là có việc làm
Để
cứu nghề gốm, ông Thanh vận động 2 người con thi vào Trường Đại học Mỹ
thuật. Trước kia, ông phải thuê một họa sĩ chuyên thiết kế mẫu, dáng.
Nhưng từ năm 2006, sau khi con lớn ra trường, việc này đều do con trai
ông làm, nhờ đó mà các sản phẩm cũng đa dạng hơn.
"Gia đình tôi mới tạo việc làm cho 30 lao động. Nếu có mặt bằng lớn hơn, tôi có thể tạo việc làm cho 60 – 70 lao động." - Ông Nguyễn Thanh
Năm
2008, chính quyền thị trấn Hương Canh đã phối hợp với ông Thanh và 5 hộ
khác để dạy nghề cho người dân. Trong năm này, đã có 50 - 60 học viên
được học nghề . Tuy nhiên, khi học xong, họ rất khó mở xưởng do khó khăn
về mặt bằng. “Gia đình tôi chỉ có 300m2 nhà xưởng, nên mới tạo việc làm
cho 30 lao động. Nếu có mặt bằng, tôi có thể tạo việc làm cho 60 – 70
lao động” - ông Thanh bày tỏ.
Theo ông Thanh,
hiện đầu ra của gốm Hương Canh rất ổn định. Năm 2010, ông mang 200 sản
phẩm đi dự hội chợ ở Bình Dương, chỉ trong ngày đầu đã bán hết. Thời
điểm này, trung bình mỗi tháng ông xuất khoảng 2.000 sản phẩm. Ông Thanh
bảo, cơ sở của ông có thể làm số lượng sản phẩm nhiều hơn, song do chưa
có sự liên kết giữa các hộ làm gốm nên rất khó nhận các hợp đồng lớn.
Ông
Dương Văn Đá - cán bộ phụ trách khuyến nông thị trấn Hương Canh cho
hay: “Làng gốm Hương Canh đã phục hồi sản xuất, với hơn 20 hộ và hàng
trăm lao động làm nghề. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải quy hoạch làng
nghề, chứ để dân làm nhỏ lẻ thế này rất dễ mai một”.
Việt Tùng
theo danviet.vn