Không rõ về sau Vương Nhữ Chu mất vào thời gian nào, tuy nhiên, trong sách Toàn Việt thi lục
được hoàn thành vào thời Hậu Lê với nội dung sưu tầm các sáng tác văn
thơ của những tác giả triều Lý, Trần, Hồ có một bài thơ mang tiêu đề Vãn Vương thiếu bảo Nhữ Chu (Viếng thiếu bảo Vương Nhữ Chu).
Khi
nói về ông tổ của tiền giấy Việt Nam và những đồng tiền giấy đầu tiên,
chúng ta cũng không thể không nhắc đến “ông tổ” làm tiền giấy giả. Sách
Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Kỷ Mão, [Kiến Tân] năm thứ 2 (1399)…,
tháng 8, tên cướp Nguyễn Nhữ Cái trốn vào núi Thiết Sơn làm giả tiền
giấy tiêu dùng. Gặp lúc Thuận Tông bị giết, Khát Chân bị chém, mới chiêu
dụ dân lành được hơn vạn người, thường đi lại ở các xứ Lập Thạch, Đáy
giang, Lịch Sơn, Đà giang, Tản Viên, cướp bóc bừa bãi, các châu huyện
không sao chống được”.
Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục
soạn vào thời Nguyễn cũng có đoạn như sau: “Kỷ Mão, Thiếu Đế năm Kiến
Tân thứ 2 (1399). Tháng 8, quân ở Đà Giang nổi dậy. Tháng 12, mùa đông.
An phủ sứ ở lộ Đông Đô là Nguyễn Bằng Cử dẹp yên được . Trước đây, Nguyễn
Nhữ Cái ở Đà Giang, trốn đến Thiết Sơn làm bảo sao (tiền giấy) giả, gặp
lúc Thuận Tông bị hại, Khát Chân bị chết, Nhữ Cái liền chiêu dụ dân
lành, được hơn một vạn người, đi lại quấy rối cướp bóc ở quãng sông Đáy,
sông Đà, núi Tản, núi Lịch; các châu, huyện không thể chống cự nổi. Quý
Ly sai Bằng Cử điều binh đi đánh, dẹp yên được”.
Vietbao (Theo: Báo Đất Việt)