Lễ sinh con hương là nghi lễ quan trọng trong cấp sắc, người thụ lễ được trùm trong 1 tấm màn đen, sau đó được thầy dẫn ra ngoài để khai sáng. Các thầy sử dụng sợi vải trắng được coi là dây rốn, tượng trưng cho sợi dây vô hình kết nối giữa các vị thần linh để truyền những điều hay lẽ phải cho người được cấp sắc. Sau các thủ tục thực hành nghi lễ, các thầy thực hiện cắt dây rốn người được cấp sắc, việc này tượng trưng cho sự vất vả và khó nhọc như người mẹ sinh ra con. Dây rốn được cắt đứt, từ đây người được cấp sắc sẽ chính thức được sinh ra thêm một lần nữa ở cõi thần linh.

Sau đó người được thụ lễ được các thầy chải đầu, cắt tóc như thể dặn dò, dạy bảo đứa con sinh ra sẽ được tỏ tường, thông suốt mọi việc.

Các thầy tào, thầy bụt tiếp tục thực hiện các nghi lễ lớn nhỏ như: Lễ quá hồng, lễ cấp đồ nghề cho đệ tử, lễ đọc sắc phong, giải hạn, khao quân, tiễn thánh..., các lễ diễn ra liên tục từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau.

Các thầy dẫn người thụ lễ đi vòng quanh báo cáo với thần linh về việc thực hiện xong nghi lễ.

Thầy bụt giúp người được cấp sắc mặc trang phục để trở thành thầy thực hành các nghi lễ tín ngưỡng.

Cuối cùng là nghi thức đốt các tờ sớ,Những thông tin liên quan đến việc thực hiện lễ cấp sắc gửi đến các vị thần linh, tổ tiên thông báo việc cấp sắc đã hoàn thành.

Lễ cấp sắc Pựt là một sinh hoạt tín ngưỡng không chỉ đối với riêng gia đình tổ chức, mà còn là dịp để cộng đồng cùng dự và chung vui chúc mừng người thụ lễ đủ điều kiện hành nghề.

Ở góc độ nghệ thuật, Lễ cấp sắc Pựt là một cuộc đại diễn xướng kết hợp các hình thức như hát, sân khấu nhập đồng, sự kết hợp nhuần nhuyễn của các khí cụ như: bộ sóc, trống, thanh la, chũm chọe... trong quá trình diễn ra các nghi lễ tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo của Lễ cấp sắc.

Trải qua nhiều thế hệ, lễ cấp sắc Pựt được người Nùng An duy trì thực hành, là hoạt động văn hóa tín ngưỡng, thể hiện bản sắc dân tộc Nùng qua trang phục, ẩm thực và ngôn ngữ biểu đạt. Lễ cấp sắc được trao truyền mang ý nghĩa giáo dục đạo đức, nhân cách, nhắc nhở mỗi người biết gìn giữ nếp sống có tôn ti, trật tự trong cộng đồng, biết ơn tổ tiên cũng như các vị thần đã che chở, bảo vệ cho cuộc sống bình an của họ; đồng thời, còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.