VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(17)- Độc đáo chợ phiên
(Ngày đăng: 10/11/2024   Lượt xem: 46)

Không ai rõ tự bao giờ, các chợ phiên mở vào các ngày lệch nhau, sao cho không trùng giữa những làng lân cận, như thể có sự chia sẻ lợi ích, niềm vui cho nhau

Cứ nghĩ chỉ ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc mới có chợ phiên. May có anh tài xế quê ở Thái Bình đồng hành mà chúng tôi được trải nghiệm những chợ phiên trong chuyến đi khám phá tỉnh đồng bằng Bắc Bộ này.

Lưu giữ hồn quê

Vẫn thấy rõ Thái Bình đã có nhiều đổi thay theo nhịp sống hiện đại. Thế nhưng, những chợ phiên ở nhiều làng xã được duy trì, cứ như là một phần không thể thiếu trong những nếp sinh hoạt của người dân nơi đây.

Điểm đến ở huyện Vũ Thư, theo định trước của chúng tôi, chỉ có chùa Keo (Thần Quang Tự) - ngôi chùa cổ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Thế nhưng, lịch trình bất ngờ phải điều chỉnh khi anh tài xế Lê Minh Khôi dừng ở chợ Mét (xã Việt Thuận) và giới thiệu: "Thái Bình còn rất nhiều chợ làng đậm chất quê. Hôm nay, chợ Mét đông thế này chắc đúng vào ngày chợ phiên. Đến Thái Bình, các chị cũng nên biết về chợ phiên - một nét đặc biệt trong đời sống người địa phương".
Chợ Mét ở xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư

Chợ Mét ở xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư

Đúng đó là ngày chợ phiên. Các bà, các cô đi chợ cho biết một tháng chợ Mét có 3 lần họp phiên vào các ngày mùng 6, 16, 26 âm lịch. Những ngày khác trong tháng, chợ không đông, người đi chợ chủ yếu mua thực phẩm cho các bữa ăn trong gia đình. Đến ngày chợ phiên, những người bán quần áo, mũ nón, giày dép, đồ gia dụng, đồ nhà bếp, thuốc nam… tập trung đến chợ. Người đi chợ canh ngày mua sắm những thứ này nên chợ đông hơn. Tiểu thương ở chợ cũng nhân ngày chợ phiên có đông người mang thêm những mặt hàng ngon, hiếm đến bán, như mấy hàng rau bán thêm rau mầm đá - một loại rau chỉ trồng được ở vùng núi cao, thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3 dương lịch hằng năm, giá 40.000 - 45.000 đồng/kg. Một số người dân trong xã Việt Thuận tranh thủ chợ phiên, mang mấy mớ rau ngải cứu, lá mơ, kinh giới, cải, rau muống ở nhà trồng; mấy chục trứng gà, trứng vịt của nhà nuôi; mấy bó cây rau giống tỉa ở vườn ra bán, có chút tiền để mua sắm.
Người dân ở xã Việt Thuận bó cây rau giống ra bán ở chợ phiên

Người dân ở xã Việt Thuận bó cây rau giống ra bán ở chợ phiên

Sáng mùng 7 âm lịch, theo đường đê tả sông Hồng đến chùa Keo, chúng tôi lại may mắn đi ngang chợ Bồng, đúng vào ngày chợ phiên. Một tháng chợ Bồng có 6 lần chợ phiên vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27. Bà Mạc và bà Tiện ở xã Vũ Tiến chuyên bán cau trầu, cho biết chợ Bồng gần chùa Keo nên ngày nào những hàng bán trầu cau, xếp lễ vật cho người đi chùa cũng có khách. Hai bà thích những ngày chợ phiên, vì lúc đó người mua kẻ bán đông vui hơn.
Dù bán trầu cau mỗi ngày, các mẹ vẫn thích những ngày chợ phiên

Dù bán trầu cau mỗi ngày, các mẹ vẫn thích những ngày chợ phiên

Hình ảnh quen thuộc của chợ phiên ở đây là ngày tụ hội của những người bán nón lá, bán các vật dụng từ nghề rèn, đúc như dao, liềm, lưỡi cuốc, xẻng, bán đồ nhôm, đồ nhựa gia dụng… Đặc biệt, khu bán cây hoa kiểng, cây ăn trái cho người mua trồng là một phần không thiếu ở phiên chợ Bồng.
Hoa kiểng, cây giống cây ăn trái là một phần không thể thiếu ở phiên chợ Bồng

Hoa kiểng, cây giống cây ăn trái là một phần không thể thiếu ở phiên chợ Bồng

Tài xế Khôi đưa chúng tôi về nhà bố mẹ anh ở huyện Vũ Thư. Bà Bùi Thị Vỹ - mẹ anh Khôi, kể hồi 17-18 tuổi, bà thường đi phiên chợ Bồng mua lá dâu về nuôi tằm. Thuở đó, đến chợ chỉ đi bộ thôi, mua ít đồ thì cắp thúng, ngày nào có mua lá dâu thì gánh ró cói đựng hàng về. Xưa đi chợ quê mua hàng là cho thẳng vô thúng, vô ró, chứ không có túi bóng như bây giờ, còn bánh hay đồ ăn cần gói thì người bán dùng lá chuối.

Không chỉ đi những phiên chợ Bồng, bà Vỹ còn đi các phiên chợ Tông ở làng Tống Văn, chợ Cọi ở làng Vũ Hội, chợ Mét ở làng Mét... Mỗi khi nhà làm cỗ, cần mua nhiều thứ thì bà đi chợ Thông ở làng Thông. Bà nhớ, hồi trước biết chợ phiên luôn đông người, nhiều lần bà đội thúng thóc hay mấy bơ gạo, mang trứng gà, trứng vịt đến chợ Thông bán, lấy tiền mua sắm vật dụng gia đình. Giờ đã 80 tuổi, bà đi chợ phiên để gặp gỡ người quen là chính.

Nói đến chợ Thông ở xã Hòa Bình, người địa phương cho biết đây là một chợ lâu đời, xa xưa thuộc hàng chợ tỉnh, giờ là chợ lớn của huyện Vũ Thư. Xưa chợ Thông một tháng có 6 phiên chợ vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch, sau có thêm phiên vào chủ nhật. Vì là chợ lớn, nên phiên chợ Thông cũng đông người bán tụ về, hàng hóa phong phú hơn so với chợ phiên ở các nơi khác.

Ở huyện Kiến Xương, chợ Sóc (xã Vũ Quý) khá rộng, mở cửa mỗi ngày từ sáng đến xế chiều, buôn bán đủ các mặt hàng, nhưng vẫn họp phiên vào các ngày 1, 5, 11, 15, 21, 25 hằng tháng. Thì ra, mọi người thích đi chợ phiên để mua các hàng nông sản do chính nông dân các xóm, thôn tự trồng, nuôi mang ra bán.

Còn xã Bình Thanh là vùng chuyên canh lúa của huyện Kiến Xương, có lẽ vì thế mà những phiên chợ họp vào ngày 2, 6, 12, 16, 22, 26 hằng tháng ở chợ Gốc không thiếu những người bán thúng, nia, sàng, dao, liềm, cuốc, xẻng... cho nông dân.

Đến hẹn lại đi

Cũng như các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ, Thái Bình đã có các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, nhiều cửa hàng tiện lợi nhưng hầu như với người dân thì đi chợ truyền thống vẫn thích hơn. Đặc biệt, sự tồn tại rất nhiều chợ phiên đậm chất làng quê không thể nói là sự chậm tiến so với thời đại, mà đó là nét văn hóa trong đời sống người dân.

Hỏi rằng các chợ đã bán mỗi ngày mà sao lại còn thêm chợ phiên? Câu trả lời từ chính các tiểu thương có gian bán hàng mỗi ngày ở chợ Bồng là: ở thôn quê, chỉ hàng liên quan đến bữa ăn như thịt, cá, trứng, đậu phụ, rau củ quả, mắm muối… mới có nhu cầu hằng ngày. Còn những hàng nông cụ, vật dụng gia đình, vải vóc, quần áo, cây cảnh… thì thỉnh thoảng người dân mới mua sắm, nên mở gian hàng bán mỗi ngày không có khách mua.
Nhiều người lấy hàng từ các làng nghề đi bán ở chợ phiên

Nhiều người lấy hàng từ các làng nghề đi bán ở chợ phiên

Các bậc cao niên còn đoan chắc là chợ phiên có cách đây đã cả trăm năm. Thuở xưa, nhu cầu không nhiều, đời sống không dư dả, một tháng 6-8 lần họp chợ cũng đủ để trao đổi hàng hóa. Vẫn là nhà nông thì mang nông sản, gia súc, gia cầm nuôi được ra bán, mua về những vật dụng gia đình, nông cụ, vải vóc... được những người làng nghề thủ công mang tới bán và ngược lại. Theo thời đại, cuộc sống sung túc dần lên, các chợ làng xuất hiện lớp tiểu thương chuyên việc kinh doanh, chợ họp liên tục trong tháng. Tuy nhiên, những chợ phiên quen thuộc cứ như những ngày hẹn không thể bỏ được, duy trì mãi đến ngày nay.

Thú vị là cách ấn định ngày chợ phiên bắt đầu từ số đơn vị nào thì các phiên tiếp theo trong tháng là các ngày có thêm số 1 và 2 vào các số đơn vị đó. Ví dụ: Chợ Bồng có 6 lần chợ phiên vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27; chợ Mét có 3 lần họp phiên vào các ngày mùng 6, 16, 26 âm lịch. Không ai rõ quy định như thế có tự bao giờ, chỉ biết chợ phiên có ngày lệch nhau, sao cho không trùng giữa những làng lân cận trong cùng huyện, như thể có sự chia sẻ lợi ích, niềm vui cho nhau.

Với việc ấn định ngày họp chợ như vậy, nhiều người có thu nhập ổn định nhờ "chạy hàng" qua các chợ phiên. Nhiều người lấy hàng từ các làng nghề đi bán nên làng chổi đót ở huyện Vũ Thư, làng chiếu cói Hới ở huyện Hưng Hà, làng nón lá Quỳnh Phụ, làng mây tre đan ở huyện Kiến Xương… có thêm một đội ngũ bán hàng thường xuyên, mà không cần tuyển.
Nhiều người có thu nhập ổn định nhờ “chạy hang” qua các chợ phiên

Nhiều người có thu nhập ổn định nhờ “chạy hang” qua các chợ phiên

Không gian ký ức

Ông Nguyễn Văn Minh, ngụ huyện Kiến Xương, có sự quan sát, so sánh khá hay về một số mặt hàng thường được bán vào những chợ phiên: các đồ gia dụng bằng nhựa, nhôm, inox giá không đắt nên vật dụng bằng mây tre ít được dùng. Tuy nhiên, những vật dụng cần cho công việc làm nông như thúng, nia, ró, chiếc đó, giỏ bắt cá… thì chỉ có thể làm bằng tre.

Chưa kể, giờ nhiều người thích đồ trang trí nội thất bằng tre nên cũng đến chợ phiên tìm hàng. Nệm ngủ đã quen trong nhiều gia đình, kể cả ở nông thôn, nhưng với lớp người cao tuổi thì vẫn thích nằm chiếu cói. Chỉ cần còn người mua thì ở chợ phiên sẽ vẫn còn người bán các thứ ấy.

Người trẻ, trung niên có thời gian thích đi chợ phiên để sắm sửa quần áo, giày dép, mũ nón, bởi hầu như chợ phiên nào ở Thái Bình cũng có những người chuyên bán các mặt hàng làm đẹp cho cuộc sống người nông thôn. Còn người cao tuổi như bà Vỹ, ông Minh đôi khi đến chợ phiên không phải để mua gì, mà để được thấy sự đổi thay trong cách mua bán, sự mới mẻ các mặt hàng, để dù tuổi cao cũng cập nhật đời sống mới trong không gian chợ phiên đầy ký ức. 

Chợ phiên ở đồng bằng Bắc Bộ đã tạo điều kiện cho người bán tiếp cận khách hàng, từ đó có thu nhập mong muốn. Đây cũng là dịp để nhiều hộ có ít đất trồng rau quả, nuôi gà vịt tranh thủ thu hoạch, đôi khi chỉ là chục trứng, mớ rau, con gà, vài xấp lá trầu, buồng cau mang ra chợ bán kiếm thêm đồng vô đồng ra.
Người dân tranh thủ chợ phiên mang mấy mớ rau nhà trồng ra bán

Người dân tranh thủ chợ phiên mang mấy mớ rau nhà trồng ra bán

                                   Theo:  nld.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

66
Đang xem:
74.242.188
Tổng truy cập: