Thành Nam- còn mãi hào khí Đông A
Nam Định nằm ở trung tâm vùng phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi phát tích của vương triều Trần - triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đây là vùng đất đậm đặc di tích, di sản.
Theo chính sử, Nam Định ngày nay là quê hương, nơi phát tích của vương triều Trần-triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, 3 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, đạo quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất ở thế kỷ thứ 13, làm nên hào khí Đông A lừng lẫy một thời. Chính sử cũng chép rằng, 760 năm trước (năm 1262), sau khi đại thắng quân Nguyên Mông, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã về cố hương, thăng hương Tức Mạc (Phường Lộc Vượng-TP Nam Định ngày nay) thành phủ Thiên Trường; xây dựng tại đây nhiều công trình quan trọng như cung điện Trùng Quang (nơi ở của Thái Thượng Hoàng), Trùng Hoa (nơi ở của vua khi từ Thăng Long về yết kiến vua Cha), tu sửa chùa Phổ Minh, dựng Tháp Phổ Minh; cấp điền trang, thái ấp cho các quân vương, đưa Thiên Trường trở thành một hành cung quan trọng nhất trong hệ thống các hành cung nhà Trần, có vai trò như kinh đô thứ hai, sau Thăng Long.
Không chỉ để lại dấu ấn qua hệ thống các di tích, qua các hiện vật khảo cổ, dấu ấn mọi mặt thời Trần, tinh thần, hào khí Đông A lẫy lừng một thời đến nay vẫn đang tồn tại, lưu giữ đậm đặc trong tâm thức người dân Nam Định. Người Nam Định không mấy người không khắc ghi trong tâm thức câu nhắc nhớ “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ mẹ”.
“Giỗ Cha” là giỗ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông là biểu trưng của khí phách dân tộc Việt Nam, kiên cường, bất khuất, quyết chiến, quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược; là hạt nhân quy tụ sức mạnh và là người đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt, đồng lòng “Sát Thát”, lập kỳ tích ba lần đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông, làm nên Hào khí Đông A lừng lẫy.
Không chỉ là nhà tư tưởng kiệt xuất, nhà quân sự thiên tài, nhà chiến lược quân sự tài ba về chiến tranh nhân dân, người đặt nền tảng hình thành binh pháp Việt Nam, ông còn được cả đương thời và hậu thế nhìn nhận là tấm gương sáng về lòng “trung quân, ái quốc”, thương dân, hết lòng chăm lo, trọng dụng người tài; coi việc “đồng tâm hòa mục” vua tôi, anh em, quân sĩ là đại nghĩa. Ông để lại cho hậu thế nhiều kiệt tác như “Binh thư yếu lược”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, “Hịch tướng sĩ”...
Các trước tác của ông đều toát lên tư tưởng “chí trung đại nghĩa”, “lấy dân làm gốc” làm kế sách giữ nước. Ông được nhân dân tôn thờ, suy tôn là bậc Thánh nhân, thường được gọi là Đức Thánh Trần với lời nhắc nhớ: “Tháng tám giỗ cha tháng ba giỗ mẹ”. Ông mất vào ngày 20-8 Âm lịch. Từ nhiều đời nay, vào dịp này, ở các điểm thờ phụng để tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Trần, lớn nhất là lễ hội tổ chức tại Đền Trần-TP Nam Định (lễ hội mùa Thu).
Đặc biệt, dấu ấn thời Trần còn được người thành Nam lưu giữ, tái hiện qua Lễ hội Khai ấn Đền Trần, tổ chức vào dịp đầu Xuân hằng năm, là một trong những lễ hội lớn của cả nước, thu hút rất đông du khách trong và ngoài địa phương, mang ý nghĩa tưởng nhớ các vị vua triều Trần. Ngoài nghi lễ khai ấn, phát ấn, trong khuôn khổ lễ hội lớn này, du khách, nhất là thế hệ trẻ có dịp hiểu thêm về xuất thân chài lưới, gắn với sông nước của vương triều Trần, được nhân dân địa phương tái hiện qua nghi lễ rước Nước và tế Cá…Từ năm 2014, Lễ hội đền Trần (Nam Định) đã được Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
|
Lễ hội Phủ Dầy tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
|
Lễ khai ấn ở đền Trần bắt đầu vào khoảng thế kỷ XIII đời nhà Trần vào năm 1239. Đây là nghi lễ tổ tiên của dòng họ nhà Trần. Cũng tại Phủ Thiên Trường, các vua Trần tổ chức tiệc chiêu đãi và phong hầu cho các vị quan có công với đất nước. Từ khi giặc Mông xâm lược thì lễ hội bị gián đoạn, đến năm 1269 mới được vua Trần Thánh Tông mở lại. Từ đó, lễ khai ấn Đền Trần diễn ra vào rằm tháng Giêng, thường vào ban đêm từ 23h ngày 14 tháng Giêng đến rạng sáng Rằm tháng Giêng.
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý di tích đền Trần, chùa Tháp biết lễ hội đền Trần năm 2024 đón khoảng một triệu du khách, gần 30 vạn ấn đã được phát. Năm nay, đêm khai ấn đền Trần diễn ra dưới trời mưa lớn nhưng khách thập phương vẫn thức xuyên đêm, đội mưa chờ phát ấn.
Từ lâu, tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã được xây dựng, đặt trang trọng tại trung tâm TP Nam Định. Năm 2012, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định còn xây dựng công trình tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây, tương tự như công trình tượng đài ở TP Nam Định, dành tặng quân dân huyện đảo Trường Sa, với mong muốn tiếp thêm tinh thần, ý chí để quân dân huyện đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Và “tháng ba giỗ mẹ”
Cùng với đó, Nam Định là một trong những trung tâm lớn của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Từ một tín ngưỡng sơ khai, đến thế kỷ XV-XVI với sự ảnh hưởng của Đạo giáo và xuất hiện huyền thoại về Thánh Mẫu Liễu Hạnh (được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ” và là một trong bốn vị Thánh bất tử của người Việt), sự tích hợp văn hóa và mô thức thần điện mang tính cung đình, đã quy nạp toàn bộ hệ thống thờ Nữ/Mẫu thần của người Việt thành một thể thống nhất để hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ/Tứ phủ. Trong đó, ở nhiều điện thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh là thần chủ.
|
Các thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm các nghi thức cúng lễ, lễ hội, đặc biệt là nghi lễ chầu văn hầu đồng.
|
Các thực hành trong tín ngưỡng đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội; chứa đựng giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc. Các vị thần trong điện thờ Mẫu là những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại, có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tri ân những người có công với dân với nước là truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc ta; giáo dục nhân cách, cổ vũ, ca ngợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Đã thành lệ vào mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng, du khách nô nức về Nam Định trẩy hội chợ Viềng. Theo quan niệm từ xưa, phiên chợ này có ý nghĩa “mua may bán rủi”. Tương truyền có hai vị tướng hành quân khi đến đất Nam Giang thì ngựa bị hỏng móng phải dừng lại. Nhân tiện có làng Vân Chàng nổi tiếng với nghề rèn truyền thống, họ nhờ bà con rèn lại móng ngựa và vũ khí mang theo. Dân chúng ở khắp các xã, thôn lân cận đem trâu, bò về mổ ở làng Vân Chàng ăn mừng. Từ sự kiện đó, bà con huyện Nam Trực lấy đêm mồng 7 và sáng mồng 8 tháng Giêng làm ngày hội họp đầu xuân để tưởng nhớ hai vị tướng.
Chợ Viềng cũng là dịp để bà con trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt và trưng bày, mua bán sản phẩm của các làng nghề truyền thống. Chữ Viềng trong chợ Viềng có nghĩa “về”, là “vầy”, sum vầy, hội tụ chung vui. Khách tới chợ Viềng không cần mặc cả. Người dân quan niệm việc người bán không nói thách, người mua không mặc cả sẽ mang tới may mắn, thuận lợi cho cả đôi bên.
Dịp đầu năm, Nam Định cũng nổi tiếng với lễ hội Phủ Dầy tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một vị thần chủ trong tứ bất tử của người Việt Nam và của tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống. Lễ hội có nhiều hoạt động độc đáo, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật hát văn và hầu đồng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội Phủ Dầy là một thành phần quan trọng tạo nên bản đại diễn xướng sử thi Liễu Hạnh.
Lễ hội này có ba nghi thức chính bao gồm lễ rước đuốc, nghi lễ rước Mẫu thỉnh kinh và hoa trượng hội (còn gọi là hội kéo chữ). Lễ hội Phủ Dầy và nghi lễ Chầu văn của người Việt được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông Trần Vũ Toán, thủ nhang phủ Nguyệt Du Cung (thuộc quần thể di tích Phủ Dầy-Nam Định)lý giải rằng: “Ai trong chúng ta cũng có Mẹ. Mẹ chính là người sinh ra, nuôi dưỡng chúng ta cả về thể chất và tâm hồn. Chính vì vậy thờ Mẫu (Mẹ) là thờ một biểu tượng rất đỗi thân thương, gần gũi nhưng vô cùng thiêng liêng”.
Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có sức lan tỏa mạnh mẽ, cả trong và ngoài nước. Ở trong nước có nhiều điểm thờ tự quy mô lớn như: Phủ Tây Hồ (TP Hà Nội), đền Sòng (tỉnh Thanh Hóa), đền Bắc Lệ (tỉnh Lạng Sơn)… Đặc biệt, tại tỉnh Nam Định hiện có khoảng 400 địa điểm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, trong đó, lớn nhất, quy mô nhất là quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản).
Để bảo vệ và phát huy tốt giá trị của di sản này, từ năm 2020 tỉnh Nam Định đã thành lập Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” tỉnh. Điều lệ của Hội xác định: Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định là tổ chức xã hội-nghề nghiệp tập hợp, đoàn kết cộng đồng tôn trọng tín ngưỡng thờ Mẫu, tâm huyết, trách nhiệm chung tay bảo vệ và phát huy giá trị của di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
|
Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng thuần Việt, bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần của cư dân nông nghiệp.
|
Có thể nói, ẩn sau nhịp sống bình lặng, Nam Định luôn bền bỉ sức sống mãnh liệt của nền văn hóa dân tộc đặc trưng châu thổ sông Hồng. Lễ hội Đền Trần với hình ảnh 14 vị vua cùng Đức Thánh Trần Hưng Đạo luôn là nguồn cội để mọi người dân Việt hướng về tinh thần đoàn kết dân tộc. Tại Khu di tích lịch sử văn hóa Trần hiện hữu 45 di tích gắn liền với lịch sử Vương triều hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Hành cung Thiên Trường được coi như kinh đô thứ hai của đất nước, cho tới nay luôn có sức thu hút với du khách trong nước và quốc tế.
Hơn 760 năm đã đi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử. Thành Nam hôm nay đang từng bước đi lên, phát triển không ngừng. Những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời được người dân nơi đây lưu giữ để truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau. Nơi đây, vẫn còn những con phố tường mái rêu phong, những tên làng, tên phố đã đi vào sử sách rưng rưng cùng với thời gian như: Bến Ngự, Hàng Tiện, Hàng Đồng, Bến Thóc, Hàng Sắt, Máy Dệt, Máy Tơ, Cột Cờ, Chùa Vọng Cung.
Nam Định có hơn 1.300 di tích, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt (gồm Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và chùa Phổ Minh và Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện).
Nam Định có một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, hàng chục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như hát ca trù, nghi lễ chầu văn lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Đền Trần, Lễ hội chùa Keo Hành Thiện, nghề sơn mài Cát Đằng, phở Nam Định...
Tỉnh Nam Định có ba tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Tin lành. Hơn 800 ngôi chùa, lâu đời nhất là chùa Tháp Phổ Minh, nằm trong quần thể Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt đền Trần - Chùa Tháp. Đây là ngôi chùa vừa thờ Phật vừa thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua thứ ba của triều Trần.
Nam Định có hơn 660 ngôi thánh đường. Giáo phận Bùi Chu nằm trọn trong địa bàn 6 huyện phía Nam sông Đào, tập trung phần lớn số lượng giáo xứ, giáo dân ở tỉnh.
Các làng nghề tại thành Nam cũng phong phú. Nơi đây quy tụ gần 100 làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ, cây cảnh Vị Khê…