Nếu phố Hàng Mã lung linh, rực rỡ ánh đèn với sắc màu của hàng nghìn loại đồ chơi trung thu hiện đại và truyền thống, thì nhiều không gian đón trung thu khác của Hà Nội lại hoàn toàn truyền thống với các loại đèn, con giống, tò he… 100% thuần Việt.
Tại ngôi biệt thự Pháp cổ trên phố Phan Bội Châu, những dãy phố đèn lồng và toàn bộ không gian biệt thự của quán ăn Ngon ngập tràn sắc đỏ của các loại đèn trung thu cùng đồ chơi truyền thống.
Để có không gian nay này, các nghệ nhân, làng nghề đã được đặt hàng từ 3 tháng trước.
Nhiều mẫu đèn cổ thất truyền được phục dựng và trả lại đúng nguyên mẫu như đèn cua sống, đèn cua chín, đèn cá chép trông trăng, đèn tôm, đèn trống...
Rất nhiều món đồ chơi trung thu truyền thống như đầu sư tử, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, tàu thuỷ sắt tây đều có mặt trong không gian thu xưa tại đây.
Đặc biệt nhất vẫn phải kể đến quầy tò he, con giống bột của nghệ nhân Đặng Văn Hậu, một nhà nghiên cứu, một chuyên gia đầy tâm huyết với bộ môn này.
Đầu lân, ông tiến sĩ, chị Hằng, bộ tam sư, bộ tứ linh, bộ nghê hí châu, mâm ngũ quả, hay bộ rước đèn trung thu, qua bàn tay tài hoa và sáng tạo của những nghệ nhân đã mang lại những món đồ chơi truyền thống giản dị mà cũng đầy tinh xảo. Giữa muôn vàn món đồ chơi trung thu hiện đại, nét đẹp bền vững của tò he mang lại những cảm xúc rất lạ.
Trong khi đó, tại không gian 70 Nguyễn Du, cánh đồng lúa vàng, mềm như một dải lụa dải lụa vàng tháng tám gây ấn tượng mạnh không chỉ bởi hương lúa, mà còn bởi cả những cảm xúc mênh mang khi bắt gặp chính mình trong những ký ức mùa thu cũ.
Hình ảnh cây cánh đồng, cây đa, trăng vàng còn giúp thực khách có thêm những cảm nhận đầy đủ về nền văn minh lúa nước với những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt vào mùa trăng tròn.
Đi giữa cánh đồng lúa vàng rồi thả hồn với dòng sông sao xanh trên dải ngân hà, thực khách còn có thể có những bức ảnh trông trăng đẹp tuyệt với chiếc đèn trăng khổ lớn với đường kính lên đến 1,1 mét…
Đặc biệt thích thú với cánh đồng lúa chín, họa sĩ Lê Thiết Cương đã dành tặng không gian này món quà đặc biệt, đó là chiếc đèn "lưỡng ngư vọng nguyệt" được treo ngay ở cổng. Tích "cá chép ngắm trăng", mô tả cảnh con cá chép nhô lên mặt nước, say sưa ngắm mặt trăng phản chiếu dưới làn nước đã trở thành biểu tượng trong mùa trăng.
Họa sĩ Lê Thiết Cương đã dành tặng không gian của Ngon Garden 70 Nguyễn Du món quà đặc biệt, đó là chiếc đèn "lưỡng ngư vọng nguyệt"
1.000 bộ đèn đom đóm, 2.000 đèn ông sao cùng rất nhiều đèn led đã được sử dụng tại không gian 70 Nguyễn Du. Cả trăm người đã thức đến 3-4 giờ sáng trong suốt cả tuần liền để tạo nên một địa điểm độc nhất vô nhị giữa trung tâm thủ đô.
"Sẽ thật tuyệt vời nếu mọi gia đình đều có thể bên nhau sum họp và cùng dạo chơi trong tiết thu Hà Nội, cùng chúng tôi thưởng thức bữa cơm đoàn viên, cùng lưu lại những bức hình, những đoạn ký ức thật đẹp về một trung thu truyền thống giữa thành phố hiện đại" – bà Phạm Bích Hạnh, chủ nhân của Ngon Garden, chia sẻ.