VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(29)-Ký ức Hà Nội trong lòng phố cổ
(Ngày đăng: 09/03/2024   Lượt xem: 105)

Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm - nơi mà những người muôn năm cũ ở Hà Nội luôn nhắc với cái tên Hội quán Quảng Đông nay đã trở thành một điểm hẹn văn hóa tựa như vùng ký ức của Phố cổ Hà thành.

Nơi đây đang chuyên chở trong nó những ký ức đậm sắc hương Hà Nội , những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho tới hôm nay.

Chẳng riêng gì những kẻ hay hoài niệm như tôi, mà bất cứ ai cất giấu Hà thành trong trái tim đều thừa nhận: “…Số nhà 22 phố Hàng Buồm như một khúc xoáy, cuốn vào trong đó tất cả những thăng trầm của lịch sử Thăng Long Hà Nội. Ở đó có tất cả chuyện đời, chuyện phố, có chuyện của hôm nay, của mưa Âu gió Á, của dân Kẻ Chợ, của những Hoa Kiều và của người Hà Nội hôm nay”. Đúng là chẳng phải vì lời giới thiệu hoa mỹ, mà những gì hiện diện trong các không gian trưng bày nơi này đã như lời mời gọi người Hà Nội tìm về ký ức Hà thành một thời.
Không gian bên trong Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ảnh: Minh An

Không gian bên trong Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ảnh: Minh An

Tôi theo chân người bạn chuyên nghiên cứu văn hóa lịch sử đến ngôi nhà nghệ thuật ấy trong tiết cuối Xuân mưa bay, gió nồm. Ở giữa con phố thương mại sầm uất bán buôn, rôm rả khách du lịch, nơi này vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ kính, kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa Tây - Việt - Hoa. Bốn dãy nhà có kết cấu hợp thành chữ “Khẩu”, kết hợp với sân thiên tỉnh (giếng trời) ở giữa các khoảng không gian để lưu thông không khí và ánh sáng. Không gian thì được bố trí thành nhiều tầng, lớp với các gian khác nhau. Lại thêm những bức phù điêu khắc nổi, tỉ mỉ cầu kỳ ở từng chi tiết, chứng tỏ thăng trầm thời gian đã băng qua đây, nhưng không làm phai phôi những dấu ấn gắn với đất và người nơi này.

Ông bạn tôi diễn giải: “Khởi đầu của chốn này là Hội quán Quảng Đông, được hình thành bởi cộng đồng người Quảng Đông (Trung Quốc) trong quá trình định cư, giao thương buôn bán tại các con phố Hàng Ngang, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Lãn Ông (phường Hà Khẩu ngày xưa)... Đây từng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người gốc Hoa và cũng là điểm giao dịch, thỏa thuận buôn bán…”.

“Lục lọi” trong chiều sâu kiến thức về Hà Nội phố, tôi tìm thấy 3 tên chữ của nơi này: Quảng Đông hội quán, Việt Đông hội quán, Việt Thương hội quán. Văn bia “Việt Đông hội quán bi ký” cho biết, hội quán được các gia đình người Hoa góp tiền xây dựng vào năm Gia Long thứ 2 (1803), nhưng việc xây dựng đã được cộng đồng bàn bạc và nhất trí từ năm 1779. Người dân đã gom góp không dưới 7.000 quan tiền xanh để dựng nên hình hài của chốn sinh hoạt văn hóa tâm linh này.

Hồi đầu thế kỷ XIX, Hội quán có diện tích là 408m2; năm Minh Mệnh thứ nhất (1820) và Thiệu Trị thứ 4 (1844), Hội quán được trùng tu và diện mạo hiện nay cơ bản mang dấu ấn của lần trùng tu niên hiệu Thành Thái. Trong Hồ sơ di tích mà Ban Quản lý Di tích Phố cổ và hồ Hoàn Kiếm thực hiện năm 2006, tổng diện tích khuôn viên hội quán là 1.670m2. Hội quán còn giữ được cơ bản kiến trúc đặc trưng với mặt bằng hình chữ “Quốc” gồm: nhà tiền đường, phương đình, trung đường, sân thiên tỉnh, hậu cung cùng lối dạo hai bên hành lang tả - hữu và các bức phù điêu gốm Hoa Mai đắp nổi... Ngoài không gian xây dựng phục vụ cho những sinh hoạt cộng đồng, hội quán còn có hai gian thờ Quan Công và Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Sau năm 1979 đến tháng 11/2020, trong khoảng 40 năm, Hội quán trở thành Trường Mẫu giáo Tuổi thơ, lúc cao điểm nhất có tới 18 lớp học với 500 trẻ mầm non. Để phù hợp với không gian trường học, các cô giáo đã sử dụng tranh ảnh, đồ dùng trang trí tại các lớp học, sử dụng rèm che lại ban thờ, họ tận dụng không gian của hội quán nhưng không làm biến đổi về mặt kiến trúc của hội quán. Ký ức của những người lớn tuổi trên phố Hàng Buồm và phố Hàng Giầy bây giờ về ngôi nhà số 22 Hàng Buồm là dấu ấn của trường mẫu giáo bởi họ đã từng một thời trong vai phụ huynh học sinh đưa đón con ở nơi này...

Trải qua những thăng trầm thời gian, kiến trúc cổ được tôn tạo từ cuối năm 2018 và hoàn thiện vào cuối năm 2021 để trở thành một trung tâm triển lãm nghệ thuật với tên chính thức: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Đến đây, trước không gian rộng lớn với cách bài trí ấn tượng mới cảm nhận rõ nét cái vẻ phiêu du cùng tháng năm của chốn ký ức này khi nó vừa mang nét cổ điển, vừa phảng phất hơi thở hiện đại. Bởi không gian cổ kính ấy hiện giờ đã là một điểm văn hóa du lịch mới của Thủ đô, là địa chỉ của các triển lãm nghệ thuật ấn tượng, các hoạt động cộng đồng, thu hút người đến tham quan, nghe những câu chuyện phố, chuyện đời, chuyện của dân Kẻ Chợ xưa, những người Hoa kiều dạo nào và những người Hà Nội ngày nay...

Giới làm nghệ thuật thực lòng ưu ái không gian hoài cổ trên phố Hàng Buồm này, nên đã mang “Phiêu diêu”, “Ký họa Phố Cổ 2021”, “Hà Nội là…”, “Không gian ký ức 22 Hàng Buồm”… đến đây, để thỏa sức vẫy vùng trong các ý tưởng trưng bày mang hơi thở Hà Nội phố.

Đặc biệt, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội - một sự kiện lớn ở Thủ đô, đã chọn nơi này làm điểm dừng chân của chuỗi trưng bày nghệ thuật đương đại độc đáo khai thác chất liệu từ di sản và lịch sử. Lạ lắm, khi thưởng thức nghệ thuật đương đại theo cách riêng có. Lạ lắm, khi các trưng bày được sáng tạo từ các chất liệu dân gian như lụa, hương, chiếu cói, giấy… khiến người ta được sống lại không gian của Hà Nội một thời. Ông bạn tôi đầy tự hào: “Nơi đây quả là chốn lý tưởng cho những người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, thỏa mãn đam mê, nơi những nguồn cảm hứng từ tâm trí có cơ hội được “sống thật” trên giá trưng bày.

Các nghệ sĩ đã gom góp, đã chắp nối những mảnh vụn của lịch sử để nó lấp lánh một vẻ đẹp tưởng như tình cờ mà đầy ngụ ý, dung dị mà sâu lắng”. Đúng thôi, bởi bản thân câu chuyện về Hà Nội đã đẹp vì rêu phong thời gian và hào hoa con người, lại thêm những tấm lòng người đương thời luôn đặt Hà Nội nơi trái tim mình, nên đồng điệu luôn tìm thấy nhau để rung động và tỏa sáng.

Vậy là Hội quán Quảng Đông đã trải qua một hành trình nhiều thăng trầm với những sự thay thế của các cộng đồng cũng như chức năng khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà đây được xem là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp. Mỗi con người, cộng đồng đi qua nơi đây đã làm dày thêm ký ức cho ngôi nhà 22 Hàng Buồm, cũng là ký ức một thời của phố cổ Hà Nội. Dù không phải là tất cả, song nó cũng là một góc biểu trưng và rất điển hình cho đổi thay thích ứng với thời đại của di sản Hà thành. Bạn tôi có lý, khi cho rằng: “Đến đây sẽ thấy mình như bước chân qua từng cánh cổng thời gian để thấy được sự kỳ diệu chảy trôi của năm tháng nơi Hà thành đô hội”.

                                           Theo:  kinhtedothi.vn
 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

54
Đang xem:
74.214.775
Tổng truy cập: