Đúng là khi Nguyên đán đi qua, Nguyên Tiêu vừa đến, phong thái người Hà Nội với hình bóng nếp nhà xưa lại ùa về, cho người đương thời lắng lại để cảm nhận rõ những cốt cách xưa còn ẩn mình trong vội vã, náo nhiệt nay.
Hồi còn học tiểu học, tôi hay “lén” xem những cuốn xếp ở ngăn cao trên giá sách trong “thư phòng” của gia đình. Ngôi nhà trong ngõ Tạm Thương chẳng mấy rộng rãi, nhưng ông bà nội tôi nhất định dành một góc khiêm tốn và yên tĩnh nhất làm không gian cho sách và bàn làm việc.
Ông hay ở đó mỗi buổi chiều, đọc những cuốn có ghi tên Hà Nội trên bìa, kiểu như: “Chuyện cũ Hà Nội”, “Hà Nội trong mắt tôi”, “Hà Nội 36 phố phường”, “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu”, “Hà Nội văn hóa phong tục”, “Chuyện Hà Nội - Khảo cứu về Hà thành xưa và nay”, “Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội”… Ông bảo: “Những cuốn sách này sẽ chỉ cho con cách sống đúng mực dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Ngày ấy, đọc những đoạn nói về nếp nhà, tôi chỉ nghĩ đơn giản là những thói quen. Sau này tôi hiểu, trong nếp nhà ấy là gia phong, là cốt cách hào hoa, tự trọng, khiêm nhường của người Hà Nội.
Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Những năm tháng lớn lên ở đất Hà thành đô hội càng cho tôi hiểu rõ, không chỉ nhà có văn học, có vị thế xã hội, những gia đình trí thức mới biết gìn giữ nền nếp gia phong. Mà cả những gia đình nghèo, thậm chí ít học, biết tuân theo luật lệ của làng xã, sống đạm bạc, biết nhắc nhở con cháu chăm học, chăm làm, giữ lễ nghĩa theo những lời khuyên răn truyền miệng, sống nền nếp đã là gia đình có gia phong.
Chẳng thế mà ngày ấy, lắm khi tôi còn thấy ông tôi đích thực “một ông giáo già khắt khe” khi ông không thôi hướng dẫn, quan sát rồi nhắc nhở tôi chuyện học, chuyện đi lại, chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện chơi, chuyện nói năng giao tiếp…
Hóa ra, nếp nhà, nếp gia phong không phải là điều gì quá to tát, nó bắt nguồn từ những ý tứ thường ngày trong cuộc sống bình dị giữa phố phường. Ấy đơn giản là câu thưa khi đi, câu chào khi về, là chỗ ngồi phù hợp trong mâm cơm gia đình, là cách ăn vận khi đón khách đến nhà, là cách mời chào giao tiếp thân tình không suồng sã…
Lâu dần rồi quen, tôi cũng thành một “ông giáo già khắt khe” từ độ nào giữa chốn đô thành náo nhiệt hôm nay. Tôi chọn những bộ veston thanh lịch theo kiểu dáng của thời nay, nhưng tâm và mắt thì vẫn cứ hướng dẫn, quan sát và nhắc nhở lũ cháu con của mình ăn thế này, mặc thế kia, chào như vậy… Cuộc sống hòa nhịp với công nghệ, với tiếng Anh, nhưng hết thảy vẫn đi thưa về gửi, kính trên nhường dưới, đủ mặt cháu con trong từng dịp giỗ, Tết của gia đình.
Phải thừa nhận, trong công cuộc đô thị hóa, hội nhập văn hóa hôm nay, nếp nhà của người Hà Nội với nếp ăn, nếp mặc và cốt cách thanh lịch hào hoa xưa đã biến đổi đi nhiều. Trách chi những người hay hoài niệm cứ buồn rầu “nếp nhà Hà Nội đã phôi phai” khi chứng kiến cao ốc mọc lên san sát cho những gia đình hạt nhân “ra riêng” mà phá vỡ mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường.
Trách chi thế hệ hay hoài cổ cứ tiếc nuối khi thấy các bữa cơm quầy quần đủ thành viên trong nhà thưa vắng dần vì công việc, vì học hành; trong khi những mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ trong ứng xử, lối sống ngày một tăng. Rồi internet, điện thoại di động… cứ vô hình tạo ra những khoảng không riêng để những không gian sum vầy bị chia cắt…
Thế nhưng, nghĩ cho cùng, nếp nhà nằm ở trong tâm khảm mỗi người, quan trọng là muốn giữ lấy nó, dung hòa nó trong cuộc sống công nghiệp hôm nay. Giống như văn hóa Hà Nội bấy lâu nay luôn luôn trong hành trình hội tụ - tiếp biến - chắt lọc - dung hòa - lan tỏa.
Nhìn màn mưa Xuân đang lất phất bên ngoài khung cửa, tôi bất chợt nhớ đến gia đình cụ Lê Thị Quỳ ở phố Nguyễn Khuyến. Sau cánh cổng gỗ của ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi được xây dựng từ thời Pháp là câu chuyện của một gia đình người Hà Nội, mà ở đó những giá trị văn hóa, tinh thần của một quan niệm sống, một lối sống đã hình thành qua nhiều thế hệ.
Cụ Quỳ có tất cả 6 người con, 5 trai, 1 gái, tất cả đều đã trưởng thành, lập gia đình và có địa vị nhất định trong xã hội, nhưng bao năm đã qua, gần 20 thành viên - 4 thế hệ, vẫn sống êm đềm, hạnh phúc, trân trọng nhau trong ngôi nhà cổ đó.
Mọi việc trong nhà, cụ Quỳ đều được các con cháu xin ý kiến, cụ cũng là người quyết định cuối cùng, dù cả đời cụ răn dạy con “kính già nhường trẻ” không cần dùng đến roi vọt. Để động viên con cháu học tập, gia đình có quỹ khuyến học riêng, mỗi khi con cháu có thành tích nổi bật đều có giấy khen, quà động viên thể hiện sự ghi nhận của cả nhà. Dù đi đâu, mỗi thành viên vẫn coi gia đình là bến đỗ yên bình nhất, người nào người nấy đều dung nạp những xu hướng đời sống văn hóa mới, song nhất định duy trì văn hóa truyền thống để giữ mãi một nếp nhà.
Mưa Xuân cũng làm tôi nhớ đến mảnh vườn “gia truyền” nhà ông Hai Ninh ở làng hoa ngàn tuổi Nghi Tàm. Giữa bốn bề biệt thự cho người nước ngoài đến thuê, vẫn còn một không gian phủ kín màu xanh của cây và hoa - những cây hoa tưởng chỉ còn trong quá vãng một thời Hà Nội. Nơi ấy có đến cả trăm chậu lan và trà được chăm bón mỗi ngày.
Tháng Chạp đến, con cháu tụ họp nhau gọt Thủy Tiên, năm nào cũng gọt 700 - 1.000 củ. Xây biệt thự cho thuê thì nhàn và kinh tế hơn nhiều lần, nhưng nhà ông Hai Ninh nhất định không bỏ nghề trồng hoa truyền thống ấy, cho đỡ nhớ và nhắc con cháu nhớ nếp nghề của gia đình. Đời này qua đời khác, giờ cháu ông Ninh đã nối nghiệp trồng hoa, nhưng còn được học hành bài bản để làm một kỹ sư nông nghiệp.
Vậy là nếp nhà của người Hà Nội không chỉ gói ghém trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, giao tiếp, trong nếp ăn, nếp mặc… mà còn là tình yêu bền bỉ với truyền thống gia đình. Cuộc sống đô hội không ngừng vận động đổi thay, nhưng tình yêu, trách nhiệm vẫn được kế thừa và truyền lại qua các thế hệ, góp phần tạo nên dòng chảy muôn đời của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Mới đây thôi, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Ở đó, lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn, sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.
Ở đó, một trong những nội dung trọng tâm được xác định cho việc bồi đắp văn hóa đất nghìn năm chính là: Xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình: Lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý…; Xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.
Nghĩa là nếp nhà Hà Nội luôn là một trụ cột trong hành trình lâu dài, kiên trì, bền bỉ để đưa Thủ đô đến đích thanh lịch - văn minh. Nếp nhà Hà Nội vẫn còn đây dung dị và trường tồn giữa náo nhiệt nhịp sống hôm nay, giữa ồn ào giao thoa và tiếp biến văn hóa bốn phương.
Rõ là, nếp nhà Hà Nội với những nét đặc trưng đã phần nào phản chiếu chiều sâu văn hóa, lịch sử của Thủ đô; là nhân tố không thể thiếu để tạo dựng cốt cách riêng của người Hà Nội. Đi qua bao thăng trầm thời gian, nếp nhà xưa không chỉ còn hiện hữu trong những câu chuyện chở theo ký ức một thời, mà còn âm thầm được tiếp nối qua nhiều thế hệ gia đình Hà Nội. Dẫu vậy, guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại luôn kéo theo những thay đổi trong lối sống của người Hà Nội hôm nay. Thế nên, gìn giữ nếp nhà sao cho hài hòa với nhịp sống hiện đại chính là điều làm nên cốt cách người Hà Nội, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh.