VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(23)- Say đắm tiếng khèn Mông
(Ngày đăng: 03/01/2024   Lượt xem: 154)

 Ai đã từng lên với Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ không chỉ choáng ngợp, thích thú trước cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, tươi đẹp mà còn bị cuốn hút, đắm say bởi tiếng khèn Mông da diết, như tiếng gió Xuân thì thầm lướt trên cành đào hé nụ, rồi tan nhẹ vào sương núi, bay bổng lên tới phía cổng trời. Với người dân tộc Mông, chiếc khèn là “linh hồn”, là người bạn tri ân, là “báu vật” được lưu truyền mãi mãi.

Những người Mông cao tuổi trên miền đá kể rằng, xưa có một đôi vợ chồng sinh được 6 người con trai khôi ngô, tháo vát. Một ngày nọ, 2 vợ chồng ngồi đợi những đứa con đi nương về thì bất ngờ bị cơn lũ cuốn trôi. Thương nhớ đấng sinh thành, 6 người con khóc thảm thiết suốt 9 ngày, 9 đêm, đến khi giọng bị tắt, họ vào rừng lấy ống trúc về thổi thay cho tiếng khóc. Cảm thương tấm chân tình của những người con hiếu thảo, Thần núi đã ban tặng cho họ bí quyết làm một chiếc khèn, được ghép bởi 6 ống sáo gắn chặt với nhau, để họ gửi gắm vào đó những lời yêu thương thắm thiết, vơi đi nỗi đau mất người thân. Từ đó, khèn Mông ra đời.

Nghệ nhân dân gian Sùng Mí Pó, thôn Tả Phìn, xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn cách chế tác khèn Mông cho học sinh.
Nghệ nhân dân gian Sùng Mí Pó, thôn Tả Phìn, xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn cách chế tác khèn Mông cho học sinh.
Cũng giống như những chàng trai người Mông cùng trang lứa, ông Sùng Mí Pó, thôn Tả Phìn, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn) cũng không biết chiếc khèn truyền thống của dân tộc mình có từ bao giờ, chỉ biết từ nhỏ, ông đã thấy bố, các ông, các chú trong thôn thổi và múa khèn. Tiếng khèn ấy từng ngày bồi đắp tâm hồn ông tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước, với truyền thống dân tộc, rồi ông học thổi khèn, múa khèn, làm khèn và trở thành nghệ nhân dân gian chế tác khèn Mông nổi tiếng. Tôi gặp ông Pó vào một chiều Đông muộn, mặt trời đi ngủ sớm sau dãy núi tai mèo sắc nhọn, nhưng đôi tay ông vẫn đang tỷ mẩn làm khèn. Ông kể: “Làm khèn Mông phải trải qua nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng quan trọng, đòi hỏi phải tỉ mỉ, chỉn chu từng chi tiết và khả năng cảm nhận âm nhạc của người làm, có vậy chiếc khèn mới có âm thanh bay bổng và hay, vì thế làm khèn không làm nhanh được, mỗi chiếc khèn tôi làm mất 2 - 3 ngày để hoàn thành, giá mỗi chiếc khèn trung bình 500 nghìn đồng, có những chiếc khèn khách yêu cầu cao hơn thì giá cao hơn”.

Cây khèn là một phần cuộc sống của người Mông, họ dùng tiếng khèn để kết nối tâm linh với người đã khuất, họ thổi khèn trong dịp lễ quan trọng, họ mang khèn xuống chợ gọi bạn và tiếng khèn là cây cầu bắc lời tỏ tình đôi lứa yêu nhau. Người chơi khèn giỏi là người vừa biết thổi khèn kết hợp với múa khèn. Người thổi được khèn và biết múa khèn đều phải trải qua một quá trình lao động nghệ thuật kiên trì. Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú, múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi, chân này chạm gót chân kia. Đối với các bài khèn có âm hưởng vui tươi thì động tác nhảy múa cũng mãnh liệt, phóng khoáng, nhanh và khó hơn.

Với những giá trị về văn hóa, truyền thống, nghệ thuật, năm 2015, nghệ thuật Khèn của người Mông tỉnh Hà Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Để gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông, hàng năm UBND huyện Đồng Văn tổ chức Lễ hội khèn Mông với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn trong đó đặc biệt là chương trình thi biểu diễn khèn Mông. Là 1 trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia tại Lễ hội khèn Mông lần thứ VIII năm 2023, em Sùng Thị Duyên, lớp 6, Trường PTDT nội trú Phố Bảng (Đồng Văn) chia sẻ: “Em học múa khèn đã lâu, trước đây em chỉ múa, nhưng khi nghe các bạn nam thổi khèn rất hay, em đã yêu thích và bắt đầu học thổi, qua tiếng khèn có thể cảm nhận được những tâm tư, tình cảm của người thổi gửi gắm vào đó, em muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa trong tiếng khèn Mông đến các bạn trong trường và mọi người xung quanh”.

Cùng với Lễ hội khèn Mông, nhiều địa phương trong tỉnh chú trọng phát triển nghề chế tác khèn, đưa khèn Mông trở thành sản phẩm quà tặng du lịch ý nghĩa, các trường học mời nghệ nhân dân gian đến truyền dạy thổi khèn Mông cho học sinh, ngành Văn hóa phối hợp mở các lớp dạy nghề làm khèn Mông. Tại nhiều thôn trên Cao nguyên đá, việc chế tác khèn Mông trở thành một nghề mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, chiếc khèn Mông được lưu truyền, gìn giữ và phát huy để tiếng khèn vang xa trên đỉnh núi như tiếng lòng, như niềm kiêu hãnh của chàng trai Mông.
                             Theo: baohagiang.vn
Xem thêm:
>> (23)Thôn Tha – giữ gìn những nét đặc sắc của văn hóa và biến di sản thành tài sản, phục vụ khách du lịch đến với Hà Giang

 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.481.635
Tổng truy cập: