VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(11)- Để “hồn cốt” văn hóa người Tày còn mãi
(Ngày đăng: 26/12/2023   Lượt xem: 43)

Nếu ai đã đặt chân đến miền non nước Cao Bằng, không chỉ ấn tượng bởi phong cảnh núi non hùng vĩ, con người thân thiện, mến khách, mà còn luyến lưu, nhớ mãi nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày nơi đây qua những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đặc biệt là kỹ thuật tạo hoa văn thổ cẩm từ mặt trái của sản phẩm. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố danh mục 12 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người Tày, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.


Phụ nữ Tày ở xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng dệt thổ cẩm. Ảnh: Thủy Lê

Thung lũng nhỏ lưu giữ nghề truyền thống

Hiện nay, tại xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng có xóm Luống Nọi là làng nghề duy nhất còn nguyên bản về kỹ thuật, công cụ dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Xóm Luống Nọi có 100% là người Tày sinh sống, có 83 hộ gia đình với 307 nhân khẩu. Trước đây, cả xóm đều làm nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, xóm chỉ còn khoảng 30 hộ làm nghề. Người đầu tiên được phong nghệ nhân làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Luống Nọi là bà Nông Thị Thược, người đã có 4 đời làm nghề dệt thổ cẩm. Năm 2016, cơ sở sản xuất của bà đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng "Bảng vàng Gia tộc nghề truyền thống Việt Nam", đồng thời cũng là một trong những điểm đến của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.

Nghề dệt thổ cẩm của người Tày xóm Luống Nọi là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, hình thành và phát triển một cách tự nhiên trong quá trình lao động, xuất phát từ tập quán tự cung tự cấp. Nét độc đáo là đồng bào Tày ở Luống Nọi là tạo hoa văn trên mặt trái của sản phẩm thổ cẩm, không phải dệt từ mặt phải như kĩ thuật dệt thông thường. Công cụ để dệt ra sản phẩm thổ cẩm là khung cửi, con thoi được làm bằng gỗ, trên khung cửi là những que tre mềm mại để tạo hoa văn. Hoa văn trang trí có ba dạng chủ yếu là: hoa văn hình học, hoa văn hiện thực về thực vật, hoa văn hiện thực về động vật. Ngoài ra, còn có một số hoa văn tín ngưỡng tôn giáo trên trang phục của các thầy Then, thầy Tào. Những hoa văn tạo ra trên sản phẩm thổ cẩm phản ánh trung thực xã hội, những hoạt động lao động sản xuất và văn hóa tinh thần của người Tày.

Nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Luống Nọi là sự kết hợp hài hòa giữa hoa văn, màu sắc và đường nét. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý khéo léo trên nền chủ đạo là màu trắng đục, tạo nên bản sắc riêng, độc đáo chỉ có ở nơi đây. Thông qua các họa tiết trang trí, hoa văn trên thổ cẩm, người dân nơi đây gửi gắm tâm tư, tình cảm và những khát vọng sống của bản thân; thể hiện thế giới tâm hồn, cuộc sống lao động, tình yêu thương giữa con người với con người và mối liên hệ giữa con người với thế giới tự nhiên.

Anh Trần Minh Quang, du khách đến từ Sóc Trăng chia sẻ: “Tôi đi cùng nhóm bạn tham quan trải nghiệm Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và vô cùng ấn tượng với nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Luống Nọi. Chúng tôi được nghệ nhân Nông Thị Thược giới thiệu, tìm hiểu về các khâu để tạo nên một tấm vải thổ cẩm. Những họa tiết, màu sắc, hoa văn độc đáo trên tấm vải thổ cẩm khiến cho tôi hình dung ra khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và tâm hồn phóng khoáng của con người nơi miền núi cao”.

Đẩy mạnh quảng bá gắn với đào tạo nghề

Không chỉ là một sản phẩm vật chất của lao động, thổ cẩm của người Tày Cao Bằng là sản phẩm văn hóa, biểu tượng sinh động của kỹ thuật thủ công gắn với giá trị mỹ thuật, thể hiện đời sống tâm hồn phong phú của bà con dân tộc nơi đây. Vì thế, dù có sự tác động bởi nền kinh tế thị trường, nghề trồng bông dệt vải của đồng bào người Tày ít nhiều bị mai một, người dân chủ yếu mua vải dệt công nghiệp về dùng, nhưng các cấp chính quyền và người dân địa phương vẫn đang nỗ lực nhằm bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Du khách trải nghiệm tại làng nghề dệt thổ cẩm xóm Luống Nọi. Ảnh: Thủy Lê

Những nét độc đáo đó trong màu sắc, hoa văn ấn tượng đã tạo nên giá trị thương mại cao cho thổ cẩm Luống Nọi. Một nghệ nhân cao tuổi ở Luống Nọi cho biết, giá trị một tấm thổ cẩm kích thước 40x120cm lên tới 6 triệu đồng. Không chỉ khách du lịch trong nước mà cả khách du lịch nước ngoài cũng rất ưa chuộng. Sản phẩm thổ cẩm Luống Nọi làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng đến từ khắp các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc. Khách quốc tế đến từ các nước Bỉ, Anh, Pháp, Đức... thường đặt hàng mỗi lần từ vài chục chiếc trở lên.

Để gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã gắn nghề dệt thổ cẩm với phát triển du lịch, tạo nên điểm đến thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ có những phương án cụ thể hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Luống Nọi. Trong đó, chú ý xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người dệt thổ cẩm; khuyến khích đồng bào Tày ở Luống Nọi đầu tư khung dệt thủ công, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại các sản phẩm thổ cẩm..., tạo ra sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách đến trải nghiệm nhằm giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề dệt thổ cẩm.

                                                Theo:  bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.480.269
Tổng truy cập: