VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(22)- Đặc sắc các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống
(Ngày đăng: 05/11/2023   Lượt xem: 59)

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2023, các diễn viên, nghệ nhân đã giới thiệu, trình diễn trích đoạn lễ hội của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Với những nét đặc sắc, độc đáo riêng, các lễ hội đã chứng minh nền văn hoá các dân tộc Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và hấp dẫn.

Tết ngô của người Cống

Mùa mưa bắt đầu, người Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu háo hức chuẩn bị cho Tết Ngô. Chẳng ai biết tết Ngô có từ bao giờ, chỉ biết rằng, dù cho giờ đây người Cống đã có thóc gạo để ăn, không còn phải ăn ngô nữa, nhưng Tết Ngô vẫn là nghi lễ lớn nhất, quan trọng nhất trong năm của họ.

Trước ngày làm lễ, thầy cúng cùng những người đàn ông trong bản đan những chiếc phên mắt cáo cắm lên ruộng nương.

Tết Ngô là dịp để người Cống trình báo với tổ tiên về những việc đã làm được trong năm. Cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh, chăn nuôi, sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc, ngô đầy nhà.

Lễ vật cúng Tết Ngô do dân bản cùng nhau đóng góp, có: thịt lợn (gồm thủ, đuôi, gan và ruột non); thịt gà, cơm ngô, bánh ngô, nấm rừng, rau bí luộc và cua. Sau đó thầy cúng sẽ tiến hành nghi lễ cúng tổ tiên.

 
Thầy cúng thực hành nghi lễ.

Nghi lễ kết thúc, thầy cúng lấy một ít muối và thức ăn trong lá chuối để tổ tiên của bản mời bạn bè của họ là những linh hồn người Cống từ những bản khác đến.

Thực hiện xong nghi lễ, già trẻ, gái trai trong bản cùng nhau trình diễn điệu đuổi thú. Họ dang rộng hai tay, nhảy quanh sân hội, để đuổi chim chóc, thú rừng, ma quỷ ra khỏi bản làng, nương rẫy, làm tăng hiệu nghiệm của nghi lễ vừa thực hiện.

 
Sau nghi lễ mọi người trình diễn điệu đuổi thú.

Không chỉ mang giá trị tâm linh sâu sắc, Tết Ngô còn là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cống như trang phục truyền thống, ẩm thực, văn nghệ, các trò chơi dân gian… Chơi hội Tết Ngô là dịp để người Cống ôn lại lịch sử dân tộc, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho con cháu của mình.

 
Mọi người cùng trò chuyện vui vẻ, ăn uống sau khi lễ kết thúc.

Lễ mừng tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu

Đối với người Ơ Đu ở Nghệ An thì nghi thức đón tiếng sấm đầu năm là tập tục cổ xưa, linh thiêng nhất được người Ơ Đu lưu giữ với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt. Lễ mừng tiếng sấm đầu năm là ngày Tết lớn nhất trong năm nên cả bản tổ chức rất long trọng, các gia đình trong bản đều đóng góp lễ vật và tham gia đầy đủ.

 
Nghi thức đón tiếng sấm đầu năm là tập tục cổ xưa, linh thiêng nhất của người Ơ Đu.

Đồng bào Ơ Đu thường chọn một con lợn để làm lễ vật cúng các thần linh. Cũng theo người Ơ Đu thì sau tiếng sấm đầu tiên trong năm, con vật cất tiếng kêu đầu tiên là con gà. Vì vậy, gà được xem là linh vật thần sấm gửi gắm thông điệp những ngày đầu năm cho nên gà cũng là lễ vật không thể thiếu. Những lễ vật được đồng bào đặt trên những chiếc mâm mây, đưa từ nhà của mình ra tập trung tại không gian chung của bản.

Phần hội được mở ra với âm thanh vui tươi, rộn ràng. Chủ thể của lễ hội cùng với khách tham dự thưởng thức lễ vật và nhảy múa theo những giai điệu truyền thống của người Ơ Đu. Trong những ngày đón tiếng sấm đầu năm còn rộn ràng với âm thanh vui tươi của nhạc cụ, tiếng trống và những nhạc cụ được làm từ ống nứa. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều trò chơi khác: đánh khăng, chọi gà, đi cà kheo...

 
Đây là dịp để người Ơ Đu gặp gỡ, giao lưu.

Ngày xưa, lễ mừng tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, cho đến khi mọi thủ tục cúng lễ thần sấm trong bản làng hoàn tất thì lễ mới kết thúc. Nhưng hiện nay đồng bào Ơ Đu chỉ tổ chức trong vòng một ngày.

Lễ hội “ Mở kho lúa” người dân tộc Brâu

Lễ hội “Mở kho lúa” của dân tộc Brâu tỉnh Kon Tum diễn ra trong 2 ngày vào tháng 10 hoặc tháng 11 hằng năm, bà con trong làng phải chuẩn bị các điều kiện vật chất, tinh thần trước đó thời gian khá lâu. Già làng xem ngày và thông báo với Giàng về việc làng chuẩn bị làm lễ hội. Khi ngày giờ đã được ấn định, tất cả gia đình bắt tay vào chuẩn bị rượu, gạo, lợn, gà... 

 
Lễ hội “Mở kho lúa” là nét văn hóa truyền thống rất lâu đời của người Brâu.

Lễ hội “Mở kho lúa” là nét văn hóa truyền thống rất lâu đời của người Brâu tích lũy cái ăn từ mùa vụ này đến mùa vụ khác, khi chuẩn bị đón một mùa vụ mới, đón lúa mới về kho thì khi đó kho cũ được mở để ăn hết các hạt lúa cuối cùng của mùa cũ. Người Brâu rất coi trọng việc cúng thần linh để cầu may cho buôn làng, thể hiện sự tôn trọng và biết ơn mẹ thiên nhiên, cầu xin thần linh bảo vệ buôn làng, khát vọng vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên, đồng thời giúp tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng người Brâu.

Lễ vật gồm gà, rượu ghè, nắm thuốc lá, gùi đựng lúa. Già làng gọi dân làng đưa lễ vật ra sân chính nhà rông làm lễ. Già làng khấn xin phép và thông báo với Giàng.

 
Mọi người trong buôn làng cầu mong những điều tốt lành, hạnh phúc cho cộng đồng.

Già làng khấn xong, lấy rượu trong ghè tưới trước cửa kho lúa, lấy gan gà - con vật hiến sinh vẩy lên cửa kho và mở cửa kho. Một trai làng đại diện bước lên kho lúa lấy lúa vào gùi đưa ra cửa kho cho thiếu nữ và những gùi lúa đầu tiên ra khỏi kho sẽ được đưa đến sân lễ hội để làm lễ. Sau đó, Già làng cài cành lá xanh lên cửa kho làm dấu... nghi thức cúng “Mở kho lúa” bắt đầu.

Trong Lễ hội “Mở kho lúa” cũng như các lễ hội khác, thủ tục cúng Chiêng Tha và mời Tha ăn là quan trọng nhất vì người Brâu cho rằng Chiêng Tha không chỉ là nhạc khí mà còn là thần linh, là tổ tiên của họ, khi Chiêng Tha lên tiếng sẽ mang đến những điều tốt lành, hạnh phúc cho cộng đồng.

Lễ Cầu mưa của người Lô Lô

Người Lô Lô tỉnh Cao Bằng sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Vì vậy tín ngưỡng của đồng bào thiên về vạn vật hữu linh. Lễ Cầu mưa (lễ cúng thần rừng) là một trong những nghi lễ quan trọng gắn với phong tục, tập quán, lao động, sản xuất được người Lô Lô lưu giữ và bảo tồn từ đời này qua đời khác. Lễ Cầu mưa là ngày hội linh thiêng, ngày hội lớn của dân làng với rất nhiều nghi thức cấm kỵ nhưng mọi người đều phải tuân thủ.

Nghi lễ được tổ chức và hành lễ theo các nghi thức bởi 1 thầy cúng chính, 2 thầy cúng phụ và một đội phục vụ nghi lễ, gồm: 4 nam, 4 nữ và sự tham gia đông đủ của bà con người dân tộc Lô Lô trong xóm.

 
Lễ Cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng gắn với phong tục, tập quán, lao động của người Lô Lô.

Hằng năm, đồng bào tổ chức nghi lễ cầu mưa vào dịp tháng 3 âm lịch không quy định là ngày đầu tháng hay cuối tháng mà phụ thuộc vào sự sắp xếp thời gian của Thầy cúng chính trong bản. Nhưng điều đặc biệt theo quan niệm của đồng bào nơi đây, thì ngày được chọn diễn ra nghi lễ bắt buộc phải là ngày (con rồng) vì theo họ phải làm vào ngày này thì thần Rừng mới cho mưa để phù hộ dân làng mùa màng tươi tốt. Những lễ vật thờ cúng để dâng lên cho các loại ma và thần linh trong nghi lễ này bao gồm: 1 con trâu, 1 con chó, 3 con gà to, 1 con gà con và 1 mâm xôi. Những lễ vật này được tất cả các hộ gia đình người dân tộc Lô Lô trong xóm cùng nhau đóng góp theo hương ước để mua sắm và chuẩn bị.

Sau khi Thầy cúng chính đã chọn được ngày để hành lễ, trưởng xóm sẽ cử những người trong bản chuẩn bị sẵn các lễ vật cho nghi lễ, các thanh niên sẽ đến khu rừng thiêng để quét dọn và làm sẵn một khung nhà gỗ nhỏ để chuẩn bị cho việc thực hiện nghi thức chôn gà. Với mong muốn xua đuổi tà ma, mang đi những xui xẻo và mời các vị thần linh hãy đến chứng giám, phù hộ cho dân làng có được một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, mọi người mạnh khoẻ bình an"...

Ở phần hội, người dân sẽ cùng nhau ăn uống và xếp thành vòng tròn, múa những điệu múa truyền thống của dân tộc mình.
                                      Theo:  baolaichau.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

42
Đang xem:
73.659.181
Tổng truy cập: