Trong các loại nhạc cụ của người Mường tỉnh Hoà Bình, không thể không nhắc đến Chiêng Mường, Chiêng Mường có những nét đặc sắc mang đậm nét văn hoá cộng đồng của dân tộc Mường, Chiêng Mường là do chính cộng đồng người Mường sáng tạo nên, họ đã giữ gìn, lưu truyền và phát huy các giá trị vốn có của nó cho đến tận ngày hôm nay. Chiêng được ra đời từ thời người Việt cổ, họ đã sáng tạo đúc nên Chiêng, cho đến nay, Chiêng chưa thể xác định được lịch sử ra đời của nó, song hoạ tiết có trên mặt trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ có những hình người đánh Chiêng. Có một minh chứng cho thấy, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh tại khu mộ cổ phường Chăm Mát, TP. Hoà Bình, người dân đã phát hiện một chiếc Chiêng cổ được úp lên mặt một trống đồng. Đây là trống có niên đại sớm từ khoảng thế kỷ II - V sau công nguyên. Trên mặt Chiêng vì không có trang trí hoa văn chính vì vậy, rất khó xác định niên đại nhưng với kiểu dáng và mức độ thô sơ của nó thì có thể nói đây là những chiếc Chiêng sớm nhất hiện nay được biết đến ở tỉnh Hoà Bình.
Không gian văn hóa Chiêng của dân tộc Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời của dân tộc Mường, Chiêng của người Mường đã được khẳng định qua quá trình lao động, qua các cuộc sinh hoạt trong cộng đồng người Mường, Chiêng luôn được gìn giữ, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục, nối tiếp qua nhiều thế hệ. Từ xa xưa người Mường đã biết chế tác ra Chiêng, họ biết thổi hồn cho Chiêng, sáng tác được nhiều bản nhạc dành cho Chiêng và tạo ra những phương thức đánh Chiêng phù hợp với tính cách, tâm tư, tình cảm đặc trưng của người Mường. Vì vậy, chủ nhân của văn hóa Chiêng Mường là do chính người dân các làng, các xóm, các mường tự sáng tạo, tự giữ gìn, chính họ là những người quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của loại hình văn hóa này. Chiêng Mường là tổng thể mối liên hệ trong cuộc sống, sinh hoạt của người Mường, thông qua việc sử dụng Chiêng đa dạng với nhiều mục đích và nhiều chức năng khác nhau, Chiêng luôn gắn bó thường xuyên, lâu dài với đời sống thường ngày cũng như trong đời sống tín ngưỡng của người Mường. Đặc biệt là người Mường ở tỉnh Hòa Bình, Chiêng luôn có mặt trong đời sống của họ ở mọi lúc, mọi nơi, trong lúc đang lao động, tăng gia sản xuất, sinh hoạt đời thường, trong quyền lực của thời Lang, đạo xưa cũng như trong nghi lễ tín ngưỡng, hay trong các phong tục, tập quán và trong suốt cả cuộc đời người Mường. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi khi tiễn các chàng trai Mường lên đường nhập ngũ, tòng quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, cứ bản nào, làng nào có thanh niên đi nhập ngũ thì bản đó đều phải có một đội Chiêng đánh Sắc bùa để tiễn chân các chàng trai đến tận nơi nhận quân, khi đến địa điểm tập kết nhận quân, các bản, các làng, các xã thi nhau đánh Chiêng, thi nhau khoe dàn Chiêng của bản mình và ngày đó đã trở thành một ngày Hội Chiêng của cả huyện.
Chiêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, sinh hoạt của người Mường ở tỉnh Hòa Bình như vậy, chính vì thế, khi đã là thành viên, là người con của xứ Mường, ngay từ lúc ban đầu khi mới sinh ra cất tiếng khóc chào đời, cho đến khi về với mường Ma (mường người chết), họ luôn luôn có tiếng Chiêng bên cạnh an ủi, vỗ về. Chiêng Mường rất phong phú, đa dạng và hết sức độc đáo, được đúc kết qua nhiều thế hệ, qua các nghệ nhân và người dân lao động cũng như cả cộng đồng người Mường họ luôn chăm chút, nâng niu, giữ gìn Chiêng, cách ứng sử với Chiêng như: Khi mang Chiêng về nhà họ treo, cất Chiêng ở chỗ cao trang trọng trong ngôi nhà, khi treo Chiêng hoặc đặt Chiêng dưới đất họ đều ngửa lòng Chiêng lên, núm chiêng đặt xuống chạm đất. Người Mường quan niệm rằng: Chiêng có hồn, Chiêng có miệng, vì vậy, khi đặt hoặc treo Chiêng họ đều để ngửa lòng lên hoặc quay lòng Chiêng ra phía ngoài. Họ cho rằng úp miệng Chiêng xuống hay quay miệng Chiêng vào phía trong, như vậy là bịt miệng Chiêng, làm cho Chiêng không kêu vang. Người Mường thường sinh sống trên nhà sàn, họ làm một cái dàn bằng cây bương, cây tre ở trên cao và đặt Chiêng ở trên đó, bao giờ họ cũng để ngửa lòng Chiêng lên. Người Mường coi Chiêng là một báu vật linh thiêng, chính vì vậy, khi cất giữ Chiêng họ thường đặt trên gác hoặc treo ở trên một vị trí cao, trang trọng trong ngôi nhà và một điều tối kỵ nhất của người Mường là họ không bao giờ bước ngang qua Chiêng, người Mường gọi là “giảng”, đặc biệt hơn cả là người phụ nữ tuyệt đối không để việc này sảy ra, vì họ quan niệm rằng như vậy là coi thường, ngược đãi với Chiêng. Chiêng là một thứ vật báu thiêng liêng của gia tộc, dòng họ, nếu ứng sử không đúng nguyên tắc thì họ cho đấy là sự khinh miệt, coi rẻ Chiêng, coi rẻ dòng họ ...
Kể từ xưa kia cho đến ngày nay, Chiêng luôn gắn kết và tồn tại cùng cộng đồng người Mường ở tỉnh Hòa Bình và không biết mệt mỏi để bồi đắp, xây dựng, bảo tồn cho Chiêng Mường ngày càng phong phú hơn. Như trước đây, khi người Mường sử dụng Chiêng chỉ đơn lẻ 1-4-5 hoặc đến 12 chiếc nhưng gần đây nhất, khi tỉnh Hoà Bình tổ chức Lễ kỷ niệm ngày thành lập tỉnh đã sử dụng đến 1.500 chiếc Chiêng cùng hoà với nhau, điều đó đã cho thấy sự phát triển nghệ thuật của Chiêng lên một tầm cao mới và đó chính là cầu nối là sự gắn kết làm cho Chiêng và người Mường ở tỉnh Hòa Bình luôn cùng song hành theo suốt cả quãng đời của người Mường kể từ khi sinh ra cho đến khi chết đi về với mường Ma.
Người Mường ở tỉnh Hòa Bình, từ đời này sang đời khác, Chiêng đã cùng họ tồn tại qua nhiều thế hệ, đã cùng họ chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn và đã trở thành, thành viên thân thiết không thể thiếu vắng trong sinh hoạt của mỗi gia đình dân tộc Mường cũng như mọi sinh hoạt trong cộng đồng người Mường nói chung. Chiêng của người Mường ở tỉnh Hòa Bình được sử dụng rất phong phú và đa dạng, Chiêng được coi là nhạc cụ thiêng liêng của dân tộc Mường, người Mường sử dụng tiếng Chiêng để thông quan với thần linh, ông, bà, gia tiên tiền tổ của họ, Chiêng Mường còn là công cụ thông quan với mường Ma (mường bên âm). Ngoài việc làm hiệu lệnh, thông tin giữa người trong làng, trong mường với nhau. Hiện nay, người Mường vẫn thường dùng Chiêng để đánh báo hiệu thông quan với mường ma, cách sử dụng đánh Chiêng này người Mường quan niệm, Chiêng là báu vật linh thiêng, chính vì vậy, khi nghe tiếng Chiêng của con cháu các cụ, ông bà, gia tiên, tiền tổ biết đấy là tiếng mời, lời mời của con cháu mời về ăn Tết.
Trong phong tục, tập quán của người Mường, họ có cách tính ngày của người Mường khác với người Kinh như: Một tháng có 30 ngày, trong 10 ngày đầu, họ là ngày clôồng, 10 ngày giữa là ngày Clâl, mười ngày cuối còn lại họ gọi là ngày cluốl. Đơn vị tính chỉ 1 đơn vị, ví dụ ngày mồng 2, họ gọi là ngày mộôch clôồng, ngày 12 gọi là ngày mộôch Clâl, ngày 22 gọi là ngày mộôch cluốl. Như vậy, ngày mồng 2 - 12 - 22 ÂL, họ đều gọi là ngày mộôch (một) nhưng để phân biệt khoảng thời gian trong tháng, họ phân ra thành ba giai đoạn Clâl - clôồng và cluốl, (đầu - giữa - cuối tháng), chính vì vậy, trong dân gian thường có câu nói về nét sinh hoạt của người Mường “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”.
Quay lại câu chuyện người Mường sử dụng Chiêng, cứ đến ngày 28 tháng chạp (28-12 ÂL), dân gian Mường gọi ngày đó là ngày pảy cluốl hay ngày “pảy thửa la” (Mồng 7 rửa lá gói bánh chưng Tết) và đó cũng là ngày các gia đình, người người, nhà nhà trong bản trong mường, dù nhà nghèo hay nhà giàu, tất cả người con trai thì cầm dao, cầm xẻng … đi vào gia tiên, tiền tổ (mồ mả) để quét dọn, tân trang lại mộ, còn con gái thì gồng gánh lá gói bánh chưng, xoong, nồi, bát đĩa … đem ra suối rửa lá dong gói bánh, lau chùi. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ xong xuôi ở trong mộ, khi về đến nhà họ lấy Chiêng ra đánh một hồi dài để mời tổ tiên về nhà ăn Tết từ ngày hôm đó. Chiêng còn là thông tin liên lạc, báo hiệu phát lệnh khi bản mường có việc như đánh Chiêng báo hiệu cho cuộc đi săn thì họ đánh bằng Chiêng boỏng (Chiêng choót hay Chiêng telén) họ đánh nhiều hồi dài thúc dục liên tục, đó là tiếng Chiêng báo hiệu trong bản trong mường có cuộc tổ chức đi săn. Còn khi họ đánh Chiêng báo hiệu trong bản, trong mường có người chết thì họ đánh bằng Chiêng bôồng, họ đánh ba hồi cụt, không có ba tiếng kèm theo, khi nghe đánh Chiêng bằng ba hồi cụt thì cả bản, cả mường họ biết ngay là nhà nào? bản nào? mường nào? có đám (có người chết) ... có lẽ đây là hệ quả của những quan niệm và cách ứng sử của người Mường dành cho Chiêng, thái độ trân trọng đặc biệt đối với Chiêng, những điều đó đều được biểu hiện ở nhiều khía cạnh, như cách để cất giữ Chiêng, treo Chiêng, cách đánh Chiêng ... tất cả những đều đó họ đều có một nguyên tắc rất chặt chẽ.
Bán Chiêng cho người Mường đã khó, mua Chiêng của họ còn khó hơn, Chiêng là của quý, là của hồi môn cho con gái đi lấy chồng. Thông qua cách ứng xử của người Mường đối với Chiêng và đó chính là những nét đẹp đã tạo nên nền văn hóa Chiêng Mường, từ đó có thể hiểu vì sao Chiêng có một vị trí đặc biệt quan trọng như vậy trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Mường.
Khi đã là người con xứ Mường bất cứ một ai, từ lúc còn trong bụng mẹ, tới khi sinh ra, cho đến khi từ giã cõi đời đều được thưởng thức tiếng Chiêng nuôi dưỡng, an ủi vỗ về, động viên và đó chính là sự gắn kết mang tính sẻ chia và đồng cảm. Người Mường khi còn được mẹ đangc ấp ủ trong bụng, đứa trẻ đã được người mẹ tắm tưới hòa cùng dòng chảy của âm thanh lúc trầm, lúc bổng “bêềng bôống bêêng, bềêng bôống khầm” … âm thanh của tiếng Chiêng đó cứ văng vẳng theo suốt cả cuộc đời họ. Chiêng Mường luôn tồn tại trong sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Mường. Sự thẩm thấu hết sức tự nhiên đó đã trở thành máu thịt và thấm sâu trong tâm hồn của mỗi con người dân tộc Mường, điều đó đã trở nên linh thiêng và gắn chặt với đời người, với mảnh đất nơi họ đã sản sinh ra. Người Mường quan niệm rằng Chiêng có hồn, cho nên trước khi đánh Chiêng họ phải làm thủ tục “Dlẩl” chiêng (thức Chiêng dậy) vì Chiêng để lâu ngày không dùng nên trước khi đánh Chiêng, Sắc bùa họ đều phải làm thủ tục “Dlẩl” Chiêng, bằng cách ông thầy (ông chùm) dùng lòng bàn tay xoa lên núm Chiêng cái, Chiêng kêu lên dùng làm Chiêng gọi và miệng đọc to bài khấn: Dlẩl dlẩl chiêng hỡi - dlẩl dlẩl chiêng hà…(dậy dậy chiêng ơi - dậy dậy chiêng à…), sau khi làm thủ tục dlẩl Chiêng xong họ mới bắt đầu đánh Chiêng, Sắc bùa.
Người Mường xưa ở trên các vùng núi cao, người ở còn thưa thớt, rừng suối hoang vu, nên họ sử dụng tiếng Chiêng để xua đuổi muông thú, tà ma và tiếng Chiêng còn thay lời gọi bạn nơi rừng thẳm, hay kết duyên đôi lứa, hay các ngày hội đầu xuân ... Ngay từ khi sinh ra đến lúc về với cõi vĩnh hằng cái tiếng “bêêng bôống bêêng, bêêng bôống khầm” của Chiêng ấy nó đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào đáy lòng tâm tư của cuộc sống và theo suốt cuộc đời của mỗi con người dân tộc Mường. Chiêng Mường còn là công cụ giao tiếp, là người bạn tri ân, biết nghe tiếng nói của con người. Ngay trong các cuộc nghi lễ hay trong sinh hoạt cộng đồng, Chiêng luôn đóng một vai trò chủ đạo, trong các việc vui hay buồn, trong đám hiếu, đám hỷ, trong các lễ hội, mừng nhà mới hay những cuộc đi săn bắn của người Mường đều có tiếng Chiêng vang lên. Chiêng là nguồn sống là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong văn hóa cộng đồng dân tộc Mường. Chiêng là tài sản quý giá của cả gia tộc, gia đình dòng họ và thường được đổi, mua bằng trâu, bằng bò, có bộ Chiêng quý được mua hàng ba, bốn trăm triệu đồng. Chiêng Mường là niềm tự hào và là niềm hãnh diện của gia tộc, dòng họ, Chiêng khi treo trong nhà là thể hiện sự giàu sang, phú quý. Khi được đóng góp tiếng Chiêng của gia đình mình vào cuộc Sắc bùa chung của cả cộng đồng thì đó không những là một nhu cầu mà còn là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ và là niềm tự hào cho từng cá nhân trong xã hội của người Mường. Tiếng Chiêng được người Mường coi là đại diện cho gia đình, cho cả dòng họ mỗi khi được tham gia các hoạt động chung của cộng đồng. Chính vì vậy, mỗi gia đình Mường dù có khó khăn, nghèo khó đến mấy họ cũng phải hết sức cố gắng sắm cho được một, hai chiếc Chiêng để treo trong nhà, có những gia đình đã có chiếc Chiêng truyền đời nhưng vẫn phải cố sắm thêm một, hai Chiêng khác để có thể góp tiếng nói của mình vào những sinh hoạt chung của cộng đồng, đặc biệt là trong các dịp lễ hội, không được đóng góp Chiêng vào ngày hội của cộng đồng họ cảm thấy như mình bị thiệt thòi, như bị mất đi một quyền lợi, thậm chí cảm thấy xấu hổ vì mình không được góp tiếng nói của gia đình nhà mình vào trong cộng đồng.
Trải qua lịch sử phát triển lâu đời đã định hình một dàn Chiêng, khi đã gọi là một bộ Chiêng dùng để Sắc bùa tối thiểu phải có đủ từ 4`chiếc để đánh đủ 4 nốt giai điệu Sắc bùa, “bêềng bôống bêêng, bêềng bôống khầm”, từ 4 chiếc đến 9 chiếc, một bộ hoàn chỉnh phải có đủ 12 chiếc Chiêng. Khi sử dụng dàn Chiêng 12 chiếc họ dùng 12 cô gái Mường xinh đẹp đứng cầm Chiêng để đánh. Dàn chiêng đủ có 12 chiếc, 12 chiếc này người Mường quan niệm đó là sự biểu hiện đại diện cho 12 tháng trong một năm và 12 chiếc đó được phân ra thành 3 nhóm:
Nhóm 1: Bốn chiếc Chiêng dàm, người Mường còn thường hay gọi là chiêng khùm, (âm thanh trầm, thấp).
Nhóm 2: Bốn chiếc Chiêng bôồng, Chiêng bôồng có âm thanh ở mức trung bình, (âm thanh giữa).
Nhóm 3: Bốn chiếc Chiêng telén, hay còn gọi là chiêng boỏng, Chiêng choót. (nhóm này âm thanh thánh thót, có âm cao hơn cả).
Người Mường sử dụng Chiêng rất đa dạng và phong phú, xưa kia khi họ sử dụng Chiêng Sắc bùa phải có tối thiểu từ 4 đến 9 chiếc, hay một bộ hoàn chỉnh phải có đủ 12 chiếc, nhưng ngày nay, cách sử dụng Chiêng cũng đã có nhiều thay đổi. Như năm 2011 tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh, họ đã sử dụng tới 1.400 chiếc Chiêng do 1.400 cô gái Mường vừa đi vừa đánh giai điệu Sắc bùa ... Nhất là vào những dịp đầu xuân, họ thường thi Sắc bùa giữa đội Sắc bùa của làng này với đội Sắc bùa của làng kia, xem đội nào đánh chuẩn hơn, hay hơn, hoặc họ cùng nhau nhập hội để tham gia cùng đánh Chiêng, họ đi từ làng này sang làng khác cho đến khi trời tối.
Những dịp đầu năm mới, Chiêng theo phường Sắc bùa mang những lời chúc may mắn, tốt đẹp nhất trong dịp đầu năm mới đến tận từng gia đình trong bản, trong mường. Chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới, ngày hạnh phúc trăm năm. Chiêng được người Mường sử dụng hồ hởi nhất, đó là giai điệu Sắc bùa, mỗi dịp Tết đến xuân về cả phường Bùa lại tụ tập thành một tốp Chiêng để đi chúc mừng năm mới khắp các gia đình trong bản, trong mường. Trong tốp phường Bùa đánh Chiêng họ đi cùng một ông chùm, chuyên hát điệu hát khóa rác, có vùng mường gọi là phát rác. Thể loại hát này người Mường dùng đi chúc Tết, vào dịp đầu xuân năm mới, khi đến cổng nhà ông chùm hát lên làn điệu phát rác, với những lời khen tốt đẹp, chúc mừng năm mới chúc một năm, may mắn, thành đạt … Ông chùm hát:
Phát rác
Tôi pở vài vai vai tôồng ôông hơi i í, tôi clông pao đín khưởng; Zường tâm ăn nhà ôông; clông di lẹ vừa ngó lại ôông hơi.
Ngó chờ khướng nhà ôông kía nhấn đầm côồng ao, đảng rào nhà ôông cảy rồông con đửa ôông hơi! Clông zường đâm ăn nhà ôông zâm zà lẹ vừa ngốt dầu ôông hơi!
Ngó pên clước nhà ôông có zặng kâl kâu ôông hơi ơi ơ hời! Pên khâu nhà ôông có mộch pại chuối mít ôông hơi!
Nhà ôông từ vịt lẹ vừa lắm ngan; tàn vịt tàn ngan nhà ôông ăn chan chan nhơ clời tôộng khấm ôông hơi!
Năm nay phường bùa chúng tôi lẹ đêng ôông hơi ơ ơ ơi! Nhà ôông là rêng cơm ăn giầu có, có thương chúng tôi cho ản pát là mộch pát cáo, ỏ thương cho pổ ngạt mộ lưng ôông hơi!
Năm nì năm khâu phường bùa chúng tôi lẹ đếnh ôông hơi!
Dịch lời Việt
Phát rác [1]
Tôi từ ngoài ngoài vài ruộng ông hơi i í, tôi nhìn vào đến sân; cối dã gạo nhà ông; trông đi lại vừa ngó lại ông hơi.
Nhìn dưới sân nhà ông thấy toàn đầm cùng ao, dặng rào nhà ông cái rồng con anh ông hơi! nhìn dường đâm ăn nhà ông dâm dà lẹ vừa ngốt dầu[2] trông vào nhà đâm gạo, dã gạo… ông hơi!
Nhìn bên trước nhà ông có dặng cây cau ông hơi ơi ơ hời! bên sau nhà ông có một vườn chuối mít ông hơi!
Nhà ông nhiều vịt lại vừa lắm ngan; đàn vịt tàn ngan nhà ông ăn chan chan như trời động sấm ông hơi!
Năm nay phường bùa chúng tôi lại đến ông hơi ơ ơ ơi! Nhà ông làm nên cơm ăn giàu có, có thương chúng tôi cho được bát là một pát gạo, không thương cho nửa gạt một lưng ông hơi!
Ngày này năm sau phường Bùa chúng tôi lại đến ông hơi!
Kết thúc lời hát cả phường Bùa cùng đánh lên một hồi Chiêng điệu Sắc bùa, khi nghe lời hát ở ngoài cổng nhà mình, gia chủ liền ra cổng mời cả đoàn phường bùa vào nhà, lên nhà pha trà, rót rượu ra mời cả đội phường bùa, rồi có lời cảm ơn mọi người và lấy bánh chưng hoặc gạo ra làm quà cho hội phường Bùa để chúc sức khỏe, chúc mừng năm mới cả hội, sau đó cả tốp lại tiếp tục lên đường đi đến các gia đình khác và cứ như vậy cho đến đêm.
Tiếng Chiêng luôn vang lên những âm thanh bêêng bêêng khầm nghe thật trầm bổng, sâu lắng, nghiêm trang để tiễn biệt những linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma, Chiêng còn thúc dục những bước chân đi trẩy hội xuống đồng hay các cuộc đi săn hay thay cho lời mời của gia chủ kính mời nhà nhà trong bản, trong mường tới chia vui cùng ăn cơm mới, nhà mới … đồng thời tiếng Chiêng cũng làm xua tan những điều dữ, gọi điều lành về cho cuộc sống con người và mang về những ước nguyện ấm no, hạnh phúc cho cả cộng đồng người Mường nói chung và người Mường ở tỉnh Hòa Bình nói riêng. Chiêng đã được truyền lại qua nhiều thế hệ và Chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Chiêng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng với người Mường ở tỉnh Hòa Bình là như vậy đấy.
Với người Mường, Chiêng là một gia sản, là của quý, là một báu vật linh thiêng, là linh hồn bất tử của các gia đình và cộng đồng người Mường, vì thế mà người Mường quan niệm rằng, để đánh mất Chiêng là có tội với ông bà, tổ tiên. Do vậy, trong mỗi làng, mỗi mường, mỗi gia đình và tự bản thân mỗi thành viên trong cộng đồng họ đều có ý thức, trách nhiệm để bảo vệ và giữ gìn di sản quý giá mà ông cha để lại. Không gian văn hóa Chiêng Mường được hình thành, phát triển và được hội tụ những nét tinh hoa và là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, hết sức quý giá trong nền văn hóa dân gian Việt Nam và có giá trị cao, bồi dưỡng thêm tinh thần cho cộng đồng và lòng tự hào cho dân tộc Mường nói chung và dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình nói riêng. Chiêng đã góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt đối với mảnh đất, quê hương Hòa Bình và góp phần làm phong phú thêm cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung và nhạc cụ Việt Nam nói riêng.