Trang phục của phụ nữ dân tộc Mông ở Co Mạ có áo, mũ, dây lưng, quần, yếm. Điểm nổi bật trong bộ trang phục là áo thường hở cổ khá rộng và được cài bằng một nút duy nhất ở tầm bụng, tạo thành hình chữ “V”. Viền cổ áo được thêu hoặc ghép vải khác màu nên phụ nữ Mông thường mặc thêm áo trắng bên trong. Đằng sau vai áo có yếm rộng được thêu cầu kỳ với những hoa văn có màu sắc rực rỡ. Họa tiết ở phần ống tay áo ghép bằng vải màu đen và xanh, mỗi một ống sẽ ghép từ 25 mảnh màu xanh, vải hoa lên trên nền vải đen, giống như những thửa ruộng bậc thang.
Phụ nữ bản Co Mạ, xã Co Mạ hoàn thiện dây lưng trong bộ trang phục Mông
Việc thêu dây lưng là phần việc quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất, đòi hỏi sự khéo tay, chăm chỉ và cũng là tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm hạnh của phụ nữ Mông. Bà Vừ Thị Thào, bản Co Mạ, kể: Trước đây, chưa có sẵn chỉ, vải như bây giờ, chúng tôi phải lên rừng kiếm cây đừa về bóc vỏ, rồi luộc đến khi vỏ chuyển sang màu trắng, sau đó mang giã cho tơi, phơi khô, rồi tách thành từng sợi và đưa lên khung dệt. Khi ấy chỉ có một màu nhuộm duy nhất là màu xanh than từ nhựa của cây “gà”, nên dây lưng lúc đó chỉ có 2 màu xanh và trắng đan xen nhau, với họa tiết hình tròn xoắn ốc. Đến nay, người Mông vẫn lưu giữ những họa tiết cổ, đó là hình tròn xoắn ốc, tượng trưng cho sự no đủ và thêm một số họa tiết hoa mới như cỏ, hoa, lá để thể hiện mong muốn giàu đẹp và thịnh vượng.
Làm dây lưng thắt váy của phụ nữ Mông trải qua nhiều công đoạn, từ chọn vải, hình thành ý tưởng, lựa chỉ, thêu thùa, tất cả đều được làm bằng tay. Trong đó, thêu là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của phụ nữ. Nguyên liệu để thêu dây lưng gồm các loại vải và chỉ màu: Xanh, trắng, đỏ, da cam, xanh da trời, hồng. Trong quá trình thêu, người phụ nữ cắt mảnh vải làm 5 đoạn, có màu sắc khác nhau (mỗi đoạn dài 15 cm, rộng 5 -7 cm). Sau đó, mỗi đoạn thêu hoa văn hình chữ nhật, hoa, lá và hình xoắn ốc, viền dây lưng được trang trí bằng những hình tam giác nhỏ… Thêu như vậy cho đến hết 5 đoạn, sau đó nối lại với nhau thành dây lưng. Dây lưng của phụ nữ Mông trắng khi dùng quấn chồng lên nhau để lộ phần hoa văn và là nơi khoe màu sắc nổi bật nhất, tạo nên phong cách riêng của trang phục người phụ nữ Mông.
Bên cạnh đó, mũ đội đầu của người Mông trắng ở đây cũng khá cầu kỳ với quả bông màu hồng. Chị Và Thị Lu, bản Pha Khuông, cho biết: Mũ đội đầu được tạo bởi những bông bằng sợi chỉ màu hồng, trắng tô điểm kết hợp với màu đen... tùy thuộc vào sở thích của từng người. Để làm được mũ đẹp, chúng tôi dùng khăn piêu cuốn thành mũ và dùng các loại chỉ cắt thành từng đoạn rồi khâu lên chiếc khăn tạo thành từng bông.
Ngoài ra, những bộ trang phục phụ nữ Mông còn được đính thêm những đồng xu, đồng bạc trắng, nhằm làm tăng thêm sức lôi cuốn, hấp dẫn, tạo sự chú ý bởi âm thanh độc đáo phát ra khi những đồng xu cọ vào nhau. Việc trang trí thêm những đồng xu lên các bộ trang phục còn mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện những mong muốn, khát khao của đồng bào về một cuộc sống ấm no, sung túc.
Ngay từ nhỏ, các cô gái người Mông trắng được các bà, các mẹ dạy thêu dây lưng, mũ, áo, nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Em Vừ Thị Mỷ, bản Hua Lương, cho hay: Chúng em ai cũng phải biết thêu dây lưng, mũ đội đầu và áo. Em đã cố gắng học và tự thêu cho mình những bộ đẹp nhất để mặc, duy trì nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Với sự cần cù và ý tưởng phong phú, người phụ nữ dân tộc Mông ở đây luôn giữ gìn những bộ trang phục truyền thống đặc sắc và độc đáo. Đến với xã vùng cao Co Mạ không chỉ được thưởng thức những điệu khèn trầm bổng, mà còn được ngắm nhìn những cô gái dân tộc Mông xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.