VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(12)- Phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trong vùng công viên địa chất Lạng Sơn
(Ngày đăng: 15/06/2023   Lượt xem: 95)

Vùng công viên địa chất Lạng Sơn là khu vực có nhiều dân tộc cùng sinh sống với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhận thức được giá trị đó, cùng với việc tích cực xây dựng công viên địa chất Lạng Sơn, thời gian qua, ngành văn hóa nói riêng và các cấp, ngành trong tỉnh nói chung đã có nhiều giải pháp thiết thực để bảo tồn, lan tỏa giá trị của tín ngưỡng này.


Thực hành nghi lễ hầu đồng tại đền Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng

Thờ Mẫu là loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt được tích hợp bởi ba lớp tục thờ: thờ nữ thần; thờ Mẫu thần; thờ tam phủ – tứ phủ. Trong quá trình phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu đã tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của một số loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác như tín ngưỡng thờ nhiên thần (thần mang yếu tố thiên nhiên), Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Tại mỗi địa phương, tín ngưỡng này cũng có sự tiếp thu, giao lưu với các tín ngưỡng dân gian bản địa khác, trong đó, Lạng Sơn là điểm dừng chân thú vị của chuyến hành trình này và dần trở thành trung tâm thờ Mẫu lớn ở khu vực vùng núi phía Bắc.

Di sản nhân loại trong vùng công viên địa chất

Theo các tài liệu lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu có mặt ở Lạng Sơn từ khoảng cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, ngay từ khi du nhập đã có sự giao lưu và tiếp nhận mạnh mẽ với tín ngưỡng dân gian bản địa, đến nay đã ăn sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của đại đa số người dân Xứ Lạng. Tín ngưỡng này tôn thờ hơn 50 vị thánh khác nhau, vừa là nhân thần (nhân vật lịch sử có thật) vừa là nhiên thần với đặc trưng là nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn. Tháng 12/2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 100 di tích trực tiếp thờ Mẫu hoặc phối thờ (có ban thờ Mẫu).

Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn cho biết: Việc tôn thờ hình tượng Mẫu là một nét đẹp văn hóa truyền thống của một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, thể hiện sự hòa hợp văn hóa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đề cao vai trò của người phụ nữ. Tại Lạng Sơn, song song với thờ Mẫu tại các đền, chùa thì người Tày, Nùng còn thờ cả mẹ Hoa (Mẻ Bjoóc), đây là nét đặc trưng khác biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Xứ Lạng so với các vùng khác.

Các ngôi đền tiêu biểu của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn phần lớn đều nằm trong vùng lõi của Công viên địa chất, trong đó tập trung nhiều và phổ biến nhất là huyện Hữu Lũng và Chi Lăng. Đây là tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch tâm linh gắn với xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của Công viên địa chất Lạng Sơn. Một số ngôi đền, chùa tiêu biểu như đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng); đền Chầu Năm, đền Chầu Mười (huyện Chi Lăng); chùa Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn)…

Là một trong những xã được đưa vào tuyến du lịch thuộc vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng đang sở hữu nhiều ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng mang những giá trị văn hóa đặc sắc. Theo danh mục kiểm kê di tích của UBND tỉnh, Tân Thành hiện có 3 di tích thờ Mẫu, bao gồm: đền Khuôn Dầu (thôn Khuôn Dầu), đền Bắc Lệ (thôn Bắc Lệ) và đền Đèo Kẻng (thôn Vườn Chè). Trong đó, tiêu biểu nhất là đền Bắc Lệ đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 1992.

Ông Phùng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Theo văn bia số 1 dựng năm Khải Định thứ 7 (1922) đang được lưu giữ tại đền, đền Bắc Lệ thuộc phố Bắc Lệ, châu Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang (nay là thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) phụng thờ 3 vị thiên tiên Thánh Mẫu, trong đó có Mẫu Thượng Ngàn. Trước kia đền lợp lá cỏ nhưng đã bị cháy. Trải qua nhiều lần trùng tu, đền Bắc Lệ hiện nay vẫn giữ được dáng vẻ cổ truyền với một dãy nhà 3 gian xây bằng gạch lợp ngói tây, cột gỗ, 3 gian nhà này đồng thời là 3 cung, diện tích 125 m². Hằng năm, lễ hội truyền thống diễn ra vào ngày 20/9 âm lịch với nhiều hoạt động đặc sắc như hát chầu văn, diễn xướng hầu đồng, tế lễ… tiêu biểu có nghi thức rước kiệu từ đền Bắc Lệ sang đền Đèo Kẻng.

Qua đây có thể thấy, tín ngưỡng thờ Mẫu đã tồn tại lâu đời, ăn sâu vào đời sống dân gian của đồng bào các dân tộc trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, thể hiện qua hệ thống di tích và tục lệ đi kèm. Đây là nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý giá, góp phần tạo nên sự độc đáo, riêng có cho Công viên địa chất Lạng Sơn.

Bảo tồn để di sản phát huy được giá trị

Công viên địa chất là một mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững, khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản, trong đó bao gồm cả di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, cảnh quan, môi trường… Nhận thức rõ điều này, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành văn hóa và các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu.

Cụ thể năm 2013, Sở VHTTDL đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích Quốc gia đền Cửa Đông và tọa đàm khoa học tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ năm 2017 đến năm 2019, Sở VHTTDL đã tổ chức 3 chương trình giao lưu diễn xướng chầu văn tỉnh Lạng Sơn mở rộng thu hút 75 nghệ nhân, thanh đồng trong và ngoài tỉnh tham gia. Ngoài ra, sở đã tăng cường xúc tiến quảng bá giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu đến với du khách gần xa trong và ngoài tỉnh trên trang thông tin du lịch của tỉnh và lồng ghép trong các sự kiện như tuần văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ… Năm 2021, sở đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 2386/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025”, trong đó, đề ra nhiệm vụ điều tra, khảo sát, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trên cơ sở đề án được phê duyệt, ban đã phối hợp với các chuyên gia tư vấn nước ngoài và Việt Nam tiến hành khảo sát, xây dựng 4 tuyến với 41 điểm tham quan dự kiến. Trong đó, mỗi tuyến tham quan đều có các điểm hóa thạch cổ sinh, di sản địa chất và ít nhất một điểm di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó, ban đã lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục về giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu cho cộng đồng dân cư thuộc vùng công viên địa chất bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị tuyên truyền, hội thảo, tập huấn, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về di sản địa chất, Công viên địa chất Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, đối với các huyện, thành phố trong phạm vi công viên địa chất đang sở hữu di sản tín ngưỡng thờ Mẫu, Sở VHTTDL cũng thường xuyên hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích; thành lập ban quản lý; tăng cường kêu gọi xã hội hóa trùng tu, tôn tạo các di tích trực tiếp hoặc phối thờ Mẫu. Đồng thời, UBND các huyện, thành phố cũng tích cực khảo sát, hướng dẫn các nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lập hồ sơ trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân” loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đến nay, toàn tỉnh đã có 1 nghệ nhân Nhân dân và 3 nghệ nhân ưu tú về di sản tín ngưỡng thờ Mẫu được Nhà nước phong tặng.

Nghệ nhân Ưu tú Thìn Thu Hương, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, người miệt mài bảo tồn, phát huy tín ngưỡng trong suốt 35 năm qua cho biết: Việc được Nhà nước ghi nhận phong tặng khiến những người thực hành tín ngưỡng như chúng tôi được tiếp thêm động lực trong việc gìn giữ di sản tín ngưỡng thờ Mẫu.

Với sự quan tâm cùng những giải pháp tích cực của các cấp, ngành, đặc biệt là Sở VHTTDL, tín ngưỡng thờ Mẫu trong vùng công viên địa chất đã và đang được bảo tồn, phát huy một cách đúng hướng. Tin tưởng rằng, trong tương lai, sau khi Công viên địa chất Lạng Sơn chính thức được UNESCO công nhận, tín ngưỡng thờ Mẫu và những giá trị tiêu biểu, nổi bật của nó sẽ góp phần phát triển du lịch tâm linh, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững.

                                     Theo: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.476.642
Tổng truy cập: