VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(27)- Nét đẹp đồng bào Kháng tại vùng cao Điện Biên
(Ngày đăng: 25/12/2022   Lượt xem: 165)

Đồng bào Kháng là nhóm dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở miền núi Tây Bắc. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng bà con nơi đây vẫn cố gắng duy trì văn hóa truyền thống, song song với việc hội nhập kinh tế và phát triển tri thức.

Bản sắc đặc trưng của dân tộc Kháng

Ở Việt Nam, người Kháng cư trú chủ yếu ở Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Theo kết quả điều tra dân số, dân tộc Kháng đến nay đã lên tới hơn 13.840 người. Do nhu cầu đời sống riêng tư, công việc làm ăn và công tác được phân công nên ngày nay, họ đã phân bố ở 25 tỉnh và thành phố. Người Kháng còn cư trú ở Lào, các tỉnh sát biên giới với khoảng 1.000 người và được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Phong-Kniang, Pong 3, Khaniang, Keniang, Lao Phong.

Dân tộc Kháng chỉ chiếm 0,91% dân số ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Tại đây, người Kháng cư trú thành từng bản, chủ yếu tập trung ở xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, với khoảng 30 đến 90 hộ gia đình. Trước thời thế phát triển, thích nghi dần với xu thế “bình thường mới” hậu COVID-19, đồng bào Kháng vừa tiếp thu lối sống hiện đại, vừa duy trì  nét văn hóa đặc sắc về phong tục, tập quán.

Đặc điểm kinh tế chủ yếu của người Kháng là làm rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt. Đây là phương thức làm nông nghiệp nương rẫy cổ xưa nhất có từ thời văn hóa Đông Sơn. Ngoài lối canh tác ấy, người Kháng còn làm ruộng nước theo phương thức cày bừa, gieo cấy trên các thửa ruộng bậc thang hẹp, nhưng không phổ biến. Người Kháng cũng chăn nuôi gia súc và gia cầm (gà; lợn; trâu) và làm đồ đan lát (ghế; rổ; rá; nia; hòm; gùi), làm mộc (thuyền độc mộc kiểu đuôi én) được người Thái ưa dùng. Đó là những công việc nông nhàn, phục vụ cho đời sống tự túc, tự cấp trong các bản làng của họ. 

Bà Lý Lìn Siu (62 tuổi, dân tộc Kháng) cho biết, đồng bào Kháng vẫn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Những năm gần đây, dân số trong bản cũng thưa thớt dần vì bà con xuống miền xuôi học tập và làm việc. Hầu hết chỉ có người già và trẻ nhỏ sinh hoạt ở nhà và sống theo nhu cầu tự cung tự cấp. Đến nay, đời sống tinh thần của người dân đã có nhiều cải tiến, chủ yếu đan xen và học hỏi từ văn hóa Thái, Kinh. 

Bảo tồn những nét văn hóa truyền thống 

Ngày nay, trong đời sống vật chất và tinh thần của người Kháng (từ hôn nhân; cưới xin; ma chay; ăn mặc và nhà ở) đã có nhiều sự thay đổi với những đan xen và tiếp biến văn hóa với nhiều dân tộc khác. Thời đại truyền thông phát triển, giao thông đi lại thuận tiện hơn đã khiến sự đan xen ấy đi xa hơn giới hạn vùng, tới cả đất nước và trên thế giới. Có lẽ do vậy nên những nét văn hóa truyền thống của người Kháng nói riêng và nhiều dân tộc khác nói chung cũng đã bị phôi phai và dần mai một.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Đảng và Nhà nước ta đã có những bước đi đúng đắn; đề ra được những chính sách kịp thời; không ngừng quan tâm, triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể nhằm bảo tồn, tôn tạo, đồng thời phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Tỉnh Điện Biên nói riêng và các địa phương nói chung cũng từng bước nhận thức được giá trị của việc gìn giữ di sản văn hóa các dân tộc thông qua việc phục dựng nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, lập hồ sơ, trình Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều cuốn sách về bảo tồn văn hóa các dân tộc cũng được các nhà nghiên cứu xuất bản, lưu giữ… góp phần không nhỏ vào công tác gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Bên cạnh những chính sách thiết thực, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số; xây dựng; thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi những người có uy tín trong cộng đồng, nghệ nhân, già làng, trưởng bản… những người có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng. Từ đó nâng cao hơn nữa việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu một số hình ảnh về nét đẹp văn hóa của đồng bào Kháng tại huyện Nậm Pồ (Điện Biên):
a.jpg -0
Bản làng người Kháng nằm ở vùng núi cao Nậm Pồ, chìm lẫn trong không gian thiên nhiên trù phú, đậm hương vị miền núi Tây Bắc
ns.jpg -0
Nhà sàn là văn hóa vật thể nổi bật của người Kháng. Trước thời tiết khắc nghiệt ở vùng núi cao, nhà sàn có ưu điểm mát mẻ vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông và thiết kế thuận tiện cho việc chăn nuôi gia súc tại khoảng sân bên dưới
q.jpg -0
Nhà sàn của người Kháng giống người Mường, Thái Đen; có hình mu rùa, với 2 cửa ra vào ở hai đầu nhà. Người dân không quay hướng nhà đối diện với mặt tiền của hàng xóm, vì quan niệm như vậy sẽ khiến cả 2 nhà gặp hạn, hay ốm đau bệnh tật, làm ăn thất bát
4.jpg -0
Trong bản người Kháng vẫn tồn tại một số tàn dư của chế độ mẫu hệ: tục ở rể, vai trò ông cậu... Người trưởng họ có vai trò nhất định trong gia tộc
5.jpg -0
Mỗi hộ gia đình thường có 2 bếp lửa: một bếp để nấu ăn hàng ngày, bếp còn lại để sưởi và nấu đồ cúng bái
6.jpg -0
Đồ đan tre nứa cũng là vật dụng quen thuộc của dân tộc Kháng. Từ nguyên liệu này, người dân có thể làm ra ghế, rổ, rá, nia, hòm, gùi... 
3.2.jpg -0
Văn hóa Kháng có nhiều nét tương đồng với người Thái do sinh sống gần nhau. Điểm chung tiêu biểu là trang phục thường ngày của phụ nữ, bao gồm váy đen, áo cóm có cổ chữ V khoét sâu
9.jpg -0
Kiểu tóc búi truyền thống của người Kháng, có điểm nhấn là trâm cài bằng đồng 
7.jpg -0
Bên cạnh họa tiết thổ cẩm, người Kháng rất ưa chuộng đính kèm xu tiền và trang sức bằng đồng lên quần áo
10.jpg -0
Kiểu vấn khăn của một cụ bà Kháng. Đây là kiểu vấn khăn dành riêng cho người cao tuổi, sử dụng trong cuộc sống thường ngày
8.jpg -0
Đệm bông lau - món đồ quen thuộc ở nếp sống nhà sàn, được người Kháng học tập từ văn hóa dân tộc Thái


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.454.965
Tổng truy cập: