"Tốp múa ít nhất là 6 người, thường là tốp 8 nam 8 nữ, tay phải cầm chuông lắc từ trong ra ngoài, tay kia cầm que họa theo ba nhịp, chân nhún lùi một bước rồi tấn lên ba bước. Múa đi theo vòng tròn ba bước từ trái sang phải, lại xoay tròn về chỗ cũ. Cứ thế múa cho đến hết bài hát. Cuối cùng chuyển đội hình vòng tròn thành các hàng ngang. Nhịp cuối tất cả mọi người cùng hú to lên..." - bà Bàn Thị Vinh vừa kể vừa họa nhịp chân tay mô tả lại cho nhà báo về vũ điệu múa chuông độc đáo.
Ở bản Suối Lìn của người Dao Tiền (Vân Hồ, Sơn La), bà Vinh là một trong những nghệ nhân múa chuông rất đẹp. Bà kể học múa chuông từ bé, và chính ông bà, bố mẹ đã truyền dạy. "Đã là người Dao thì ai cũng biết múa chuông. Nét văn hóa có tự bao đời. Bây giờ mình lại truyền dạy cho con cháu nối tiếp chứ..." - bà Vinh nói.
Điệu múa cổ xưa phô diễn vẻ đẹp của người Dao đến nay càng hấp dẫn, lan rộng. Múa chuông nhất định phải có trong các nghi lễ linh thiêng của đồng bào Dao. Tết nhày, cấp sắc, tang lễ, cầu mùa, rằm tháng Bảy..., làn dân vũ độc đáo toát lên niềm tin, tri ân, tạ ơn của người Dao dâng lên tổ tiên Bàn Vương đã bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, cũng gửi theo thành ý mong được tổ tiên che chở, phù hộ dân bản cuộc sống no ấm. Ý nghĩa đặc biệt của làn múa chuông cài cả tâm linh thiêng liêng đã khiến cộng đồng người Dao rất coi trọng và ý thức truyền dạy cho thế hệ nối tiếp, cũng là thể hiện gìn giữ và trân quý bản sắc riêng có.
Từ năm 2017, bản Suối Lìn đã thành lập những đội múa chuông với độ tuổi khác nhau, trong đó có đội nghệ nhân chuyên truyền dạy, có đội trẻ đi biểu diễn ở các địa phương, còn được mời lên múa ở huyện và cả thành phố Sơn La. Mỗi dịp sắp đi biểu diễn, mọi người tranh thủ thu xếp đồng áng, ruộng vườn tập trung ôn luyện rất nhiệt tình.
Bây giờ ở Tây Bắc, như thôn Bản Pho, xã Bản Qua (Bát Xát, Lào Cai), xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình), bản Liên Thành, xã Võ Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ), hay ở Suối Quyền (Văn Chấn, Yên Bái)..., phong trào học múa chuông cuốn hút người trẻ, họ lập ra những đội múa như phong trào dân vũ ở miền xuôi (chỉ riêng ở Bản Pho đã có 11 đội múa chuông, thành viên đều là nam nữ thanh niên trẻ).
Người Thái có múa xòe, người Tày múa then, người Mông múa khèn, và người Dao có múa chuông. Người Dao hiếu khách, sống phân tán khắp vùng Tây Bắc nên cũng dễ hòa đồng và tiếp thu cái mới, và cũng là cơ hội mang làn múa chuông quý báu đi xa hơn.
Mỗi người đều có một chiếc chuông nhỏ bằng đồng như đạo cụ chính có gắn những sợi tua màu sặc sỡ, khi vào nhịp có trống con, sáo nhị họa phách có thể lập tức khiến các chàng trai, cô gái nhập làn mê say khó dứt.
Ở xóm Sưng, hay bản Suối Lìn, người Dao đã có du lịch cộng đồng, múa chuông được diễn xướng phục vụ du khách thường xuyên hơn. "Nhiều đoàn khách Tây rất thích thú. Làn múa đã níu kéo họ lưu lại qua đêm, và họ còn trực tiếp trải nghiệm cùng gia công thổ cẩm, vẽ sáp. Người Dao xóm Sưng có đời sống thay đổi nhiều rồi" - chị Lý Sao Mai, đội văn nghệ xóm Sưng cho biết.
Múa chuông nhất định phải có trong các nghi lễ linh thiêng của đồng bào Dao. Tết nhày, cấp sắc, tang lễ, cầu mùa, rằm tháng Bảy..., làn dân vũ độc đáo toát lên niềm tin, tri ân, tạ ơn của người Dao dâng lên tổ tiên Bàn Vương đã bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, cũng gửi theo thành ý mong được tổ tiên che chở, phù hộ dân bản cuộc sống no ấm. Ý nghĩa đặc biệt của làn múa chuông cài cả tâm linh thiêng liêng đã khiến cộng đồng người Dao rất coi trọng và ý thức truyền dạy cho thế hệ nối tiếp, cũng là thể hiện gìn giữ và trân quý bản sắc riêng có.