VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(37)- Khí nhạc của người Mông - Bài 1: Những nhạc cụ từ đại ngàn
(Ngày đăng: 30/06/2022   Lượt xem: 194)

Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông ở Nghệ An, những nhạc cụ truyền thống có sức sống vượt thời gian. Thanh âm của các loại nhạc cụ xuất hiện trong tất cả sự kiện, nghi lễ cuộc đời, từ khi sinh ra đến khi mất đi, từ niềm vui tới nỗi buồn… Xin giới thiệu tới bạn đọc chuyên đề “Khí nhạc của người Mông” của nhạc sĩ Dương Hồng Từ - người nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu tâm huyết về âm nhạc truyền thống nói chung và âm nhạc của đồng bào dân tộc Mông nói riêng.

Kèn lá

Tiếng Mông là Blồng, thổi kèn lá là Sua Blồng. Người Mông không thổi kèn lá trong nhà, trong bản mà chỉ thổi trên đường đi, trên nương rẫy.

Khi ngồi bên nhau, trai gái không bao giờ dùng lá thổi để tâm sự, cũng không thổi lá vào ban đêm vì theo truyền thuyết, nếu thổi lá vào ban đêm thì con ma sẽ theo tiếng lá mà tìm về. Tuy lá xanh ở bất kỳ làng bản rẫy nương nào cũng có, nhưng người thổi phải tìm được loại lá trơn không có lông tơ, lá mềm để hơi thổi lùa qua tạo nên độ rung và dễ phát âm. Thông thường, khi 2 người ở xa nhau, nói chuyện không thể được người ta dùng lá thổi để hỏi thăm quê quán, đã vợ chồng chưa hoặc chọc ghẹo trêu đùa nhau giảm bớt mệt nhọc trong lao động.

Khí nhạc của người Mông - Bài 1: Những nhạc cụ từ đại ngàn ảnh 1

Việc giữ hơi và tay cầm là kỹ thuật quan trọng khi biểu diễn kèn lá. Ảnh tư liệu: Đào Thọ

Cao độ, cường độ, trường độ tuỳ thuộc vào kỹ thuật của người thổi và phụ thuộc vào nội dung của lời ca. Từ cách chọn lá đến cách đặt lá vào môi, từ cách lùa hơi đến cách đánh lưỡi là một sự phối hợp nhịp nhàng để tạo ra tiếng cho rõ, gọn, dễ nghe, dễ nhận biết tiếng lá của từng người thổi.

Đàn môi (Dà)

Thổi đàn môi là sua dà. Đây là một nhạc khí mà trước đây nam nữ Mông xem là vật tuỳ thân. Ngày nay, tuy ít người sử dụng nhưng khi nghe tiếng đàn môi, không ai có thể hững hờ, lạnh lùng với nó. Để có được đồng làm đàn môi, người ta lấy mỗi loại đồng một ít như đồng vàng, đồng đỏ, đồng cứng, đồng dẻo theo một tỉ lệ mà chỉ những người chế tác lâu năm có nhiều kinh nghiệm mới rút ra được. Sau khi chọn được các loại đồng, người ta đun trong nhiệt độ cao cho đồng chảy thành nước, đem đổ lên một vật có mặt bằng rất tốt, chờ nguội rồi cắt thành từng mảnh theo kích thước định làm. Dạt, gò mảnh đồng thật mỏng, đặc biệt là không có dấu búa, làm sao vuốt tay không sờ được chỗ cao thấp khác nhau. Dạt xong thấy đạt yêu cầu, người ta lấy lưỡi dao nhọn, sắc rạch lưỡi gà. Việc làm này hết sức cẩn thận, tỉ mỉ vì chỉ cần sơ ý đưa tay quá mạnh là đàn có vết sẽ mất giá trị. Rạch xong lưỡi gà, đem mài phía sau, mài cũng phải có kĩ thuật để các đường xung quanh lưỡi gà vừa khít, lưỡi gà có thể rung từ trước ra sau đàn, vừa không quá rỗng đường rãnh ấy để dồn hơi vào lưỡi gà. Cũng vì làm đàn môi quá cầu kì, tỉ mỉ nên ngày nay ít người làm được, việc sử dụng nó cũng ít đi.

Người ta thổi đàn môi những lúc rỗi rãi một mình, nhưng chủ yếu là để làm vật kỉ niệm và trao đổi tình cảm giữa trai gái với nhau. Điều thật đặc biệt ở trai gái Mông: Dù bên ngoài có 3, 4 chàng trai cùng ghé sát ván thưng nhà để thổi các bài mà họ cho là hay nhất, tình cảm nhất cho cô gái nằm trong buồng nghe nhưng cô gái vẫn nhận ra đâu là tiếng đàn môi của người mà mình để ý; đến lúc trao kỉ vật cho nhau thì kỉ vật đó vẫn đến đúng "địa chỉ" mà nó phải đến (dù các chàng trai và cô gái ấy không nói chuyện với nhau). Sau khi vật kỉ niệm đã đến tay người nhận, các chàng trai khác lặng lẽ rút lui để chàng trai có duyên ở lại với cô gái. Cũng như kèn lá, đàn môi tuỳ thuộc vào kĩ thuật và thẩm âm của người thổi để có cao độ chuẩn xác như người thổi muốn. Vì vậy, người thổi đàn môi cũng phải luyện tập, phải biết yêu "cái lưỡi" thứ hai của mình, để giãi bày hết được lòng mình và người bạn tình hiểu được, hiểu hết những điều mà đàn môi nói hộ.

Khí nhạc của người Mông - Bài 1: Những nhạc cụ từ đại ngàn ảnh 2

Người phụ nữ Mông thổi đàn môi. Ảnh tư liệu: Lang Lương

Trà Liến dồ (Sáo dọc)

Có hai loại, một loại có nút để chắn hơi ở miệng thổi gọi là Tra dìa, một loại dùng cằm chắn hơi ở miệng thổi gọi là Trà liến dồ. Loại này phổ biến hơn cả.

Người ta sử dụng sáo dọc trong mọi lúc mọi nơi không có điều gì kiêng cự. Mỗi lứa tuổi đều thổi nhưng nhiều hơn cả là trong lứa tuổi thanh niên. Các chàng trai dùng sáo để tự tình, vừa để thay lời nói nhắn gửi tới các cô gái. Hàng năm khi đã xong mùa thu hoạch, khi tết đến xuân về và mỗi ngày khi chiều xuống, khi sương phủ trắng rừng là mùa các chàng trai tìm đến bản làng có bạn gái mà mình để ý. Họ dùng sáo dọc để thăm dò, hẹn hò gặp gỡ. Những lúc ấy, họ thổi sáo với cường độ mạnh để tiếng sáo vang xa, để không những chỉ cô gái mình để ý nghe mà còn để cho những người khác cùng nghe như để tự giới thiệu, để khoe tài. Cũng cây sáo ấy, khi bản làng đã vào giấc ngủ, khi cô gái mình để ý chỉ còn lại một mình bên bếp lửa, chàng trai thổi nhẹ hơn, tiếng sáo thấp hơn, chìm hơn, không còn lảnh lót, véo von nữa mà nhẹ nhàng đầm ấm, sâu lắng như tiếng nói thầm, mà vẫn chuyển được đến cô gái những lời mà mình muốn nói. Ưu điểm của cây sáo là: Khi đã biết cách làm, cách đo thì chỉ cần cây dùi, bất cứ ai cũng có thể tạo cho mình cây sáo.

Trà Blải (Sáo ngang)

Là sáo cầm ngang để thổi như sáo trúc phổ biến nhưng dài và to hơn nhiều.

Âm vực của sáo trầm ấm được sử dụng nhiều trong đời sống, sử dụng trong mọi không gian, thời gian, đặc biệt là các chàng trai dùng sáo để bày tỏ tình cảm của mình với các cô gái. Những người già cả thổi sáo ngang để nhớ lại những kỷ niệm thời trai trẻ hoặc tự sự cõi lòng mình.

Plùa tô (Nhị)

Ngày nay nhị không được dùng phổ biến trong đồng bào Mông ở Nghệ An. Muốn kéo nhị phát ra tiếng người ta dùng một đoạn cành tre mắc vào đó những sợi cật nứa hoặc đuôi ngựa. Tiếng Mông gọi cái kéo nhị là lùa chía.

Trà sua dì (Sáo gọi chim)

Gọi là sáo nhưng khi thổi nghe như tiếng còi trẻ em hay chơi, ai cũng thổi được. Nghe các cụ kể thổi trà sua dì có loại bắt chước tiếng chim, có tiếng con chim đực gọi chim cái, có tiếng con chim cái gọi chim đực.

Đrủa nênh (Phèng la)

Được đúc hoặc gò bằng đồng, âm thanh nghe chói chang, lảnh lót. Đrủa nênh được sử dụng trong làm vía, cúng lễ, đón tết, đón xuân. Khi hành lễ thầy cúng tay cầm Đrủa nênh điểm nhịp cho các bài hát, các bài khấn cúng.

Chư nênh (Vòng lắc)

Chư nênh được đúc bằng đồng. Khi làm lễ thầy cúng lồng hai cái vào hai ngón tay phải và trái lắc lên, xuống theo nhịp bài cúng, khi lắc các hạt kim loại va vào hai nửa chư nênh phát ra tiếng rung reng nghe rộn rã vui tai.

                                    Theo: baonghean.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.406.344
Tổng truy cập: