VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(15-16)-Nào đi chơi phố Chợ Hàng
(Ngày đăng: 21/02/2022   Lượt xem: 231)

Từ xưa, chợ Hàng ở làng Dư Hàng Kênh, Hải Phòng nổi tiếng là đông vui. Chợ nằm gần đường cái quan (nay là đường số 5) nên dân tứ xứ đổ về. Cứ đến phiên chợ chủ nhật là mọi người tấp nập chở hàng tới từ tinh mơ. Hàng trăm dãy hàng chào đón khách. Dân gian đã có câu: "Hải Phòng có bến Sáu kho/ Có sông Tam Bạc, có lò xi măng/ Nào chơi chợ Sắt, chợ Hàng/ Người mua, kẻ bán rộn ràng ngược xuôi".

Từ chợ quê lên chợ phố

Tôi thích đi chợ Hàng từ hơn 40 năm qua. Trước kia, chợ Hàng họp năm ngày một phiên, chủ yếu buôn bán hàng nông sản và gia súc cùng động vật nuôi trong nhà như chó mèo. Thôn Dư Hàng Kênh nằm bên đường 5 nên thuận tiện cho mươi làng xung quanh họp chợ. Ngày ấy không phiên chợ nào tôi không có mặt. Có lần mua chó con hay những con mèo nhỏ xíu về nuôi. Khi lại tậu mấy chậu hoa cây cảnh chơi vào dịp Tết.
Nào đi chơi phố Chợ Hàng -0

Cổng Chợ Hàng - Hải Phòng.

Phải nói tôi nghiện đi chợ Hàng như một thú chơi. Nhiều khi chỉ đi ngắm mọi người bán mua hoặc ngồi hút điếu thuốc lào ở quán nước bà Sương rồi về. Đặc biệt thuốc lào hàng bà Sương lấy đích thị ở Vĩnh Bảo nên lần nào tôi cũng say đứ đừ. Thuốc vừa thơm vừa cay sực mũi. Bà Sương mỗi khi thấy tôi say thuốc lào là lại đọc mấy câu thơ: "Thuốc lào chồng hút vợ say/ Thằng con châm đóm lăn quay ra nhà". Tôi khoái trá nhẩm thuộc mấy câu ca dao hài hước mà bà Sương đọc rồi khật khưỡng xách chiếc lồng chim ra về.

Có lần bà còn đưa cái điếu to và dài cả thước thách tôi hút. Tôi cá nếu hút được bà mất cái gì? Bà cười xởi lởi rồi bảo sẽ đọc mấy câu thơ của bà Hồ Xuân Hương cho nghe. Thế là tôi méo cả mồm rít cho bằng hết điếu thuốc to bằng ngón chân cái. Tôi lại ho sặc sụa rồi lim dim nghe bà Sương hóm hỉnh đọc chậm rãi: "Bình tròn phành phạch, đít bảnh bao. Mân mân mó mó đút ngay vào. Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục/ Âm dương hòa khí sướng làm sao". Tôi vỗ đùi cười rõ to rồi lịm đi vì say. 

Chợ càng thêm đông vui mỗi ngày khi các nhà quanh trục phố Hàng cũ cũng mở cửa hiệu bán mua. Thậm chí nhiều người từ nơi xa đến cũng dải chiếu bán đồ cũ tràn ra cả vỉa hè. Có hôm, tôi lang thang dọc phố để xem hàng. Bất chợt ông chủ bán đồ gỗ mỹ nghệ mời vào xem. Tôi chợt nhìn thấy pho tượng ông già hút thuốc lào trên kệ. Bức tượng tuy nhỏ nhưng khắc họa người hút thuốc ngửa mặt nhả khói thật phê. Ông chủ giải thích, đây là bức tượng được nghệ nhân làng Bảo Hà gửi bán. Đây là làng khắc gỗ, chuyên làm những con rối, nổi tiếng trăm năm của đất Hải Phòng.

Thấy tôi có vẻ say sưa ngắm các bức tượng, ông chủ thích thú đọc mấy câu ca dao về làng nghề cho tôi nghe: "Kỳ nhân đích thị Bảo Hà/ Đúc voi hạt gạo tài hoa kinh thành". Ông chỉ bức tượng ông già hút thuốc lào rồi nói, bức tượng này tuy nhỏ nhưng không thấm vào đâu khi nghệ nhân làng Bảo Hà còn khắc hình con voi trên một hạt gạo. Lúc này có mấy người cùng bước vào xem hàng. Họ cũng xuýt xoa khen bức tượng ông già hút thuốc lào. Thế là tôi vội hỏi giá rồi mua ngay chỉ sợ người khác hớt mất. Tôi dúi bức tượng vào túi xách rồi đi nhanh ra khỏi cửa hàng. Trên đường về đầu óc vẫn còn lơ mơ khói thuốc. Đúng là các cụ nói không sai: "Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên". Tôi trở thành người Hải Phòng từ đó.

Những giai điệu tình ca chợ phố

Chợ Hàng sau được phân khu mua bán rõ rệt. Khu bán hoa cây cảnh. Hoặc có khu bán gà, lợn, chó, mèo giống. Có nhà còn bán cả thỏ hay ngỗng, vịt. Phân khu bán hàng quần áo khang trang gọn ghẽ hơn. Riêng khu đồ sứ, đồ điện, đồ thờ hay da thì chỉ ngồi rải khắp phố Hàng cũ. Khu này chạy dọc phố tới gần cây số. Hàng trăm cửa hàng bày la liệt đồ ở các ngách phố ngang chạy ra quốc lộ 5.

Tôi còn nhớ có cửa hàng lò rèn của gia đình ông Ngọc vẫn còn ở góc đường đã mấy chục năm nay. Phải nói ông là một trong mấy chủ lò rèn đầu tiên ở chợ Hàng. Đến nay ông vẫn làm cuốc xẻng, búa liềm cùng với dao phay, choòng đục… Nông dân quanh vùng vẫn mua hàng của ông vì đều làm bằng sắt thép thứ thiệt. Tiếng quai búa của cha con ông vang lên như báo hiệu chợ Hàng đã bắt đầu mở khi ánh mặt trời lóe sáng từ phía biển Đông. Những âm thanh rộn ràng cùng tiếng chào mới bán mua tạo nên không gian sống động của một ngày mới. Nhịp điệu chợ phố vẫn còn âm hưởng một chợ quê ngày nào thân thương.
Nào đi chơi phố Chợ Hàng -0

Góc phố Chợ Hàng.

Nhưng có lẽ inh ỏi nhất là góc chợ phố bán đài đĩa cũ. Tiếng loa phát ra đủ các âm thanh trầm bổng và véo von các loại. Có lần, tôi đang lang thang dọc phố thì va vào một người hớt hải chạy ra từ một cửa hàng bán loa. Tôi tê cả cánh tay vì cú hích khá mạnh. Anh ta vội quay lại xin lỗi. Không ngờ tôi lại thích thú khi nhìn thấy trên tay anh ta là một đĩa nhạc than kiểu cũ. Đây là một đĩa nhạc chỉ chạy trên máy quay dây cót cổ lỗ sĩ thời Pháp. Có lẽ thế tôi tò mò hỏi xem. Anh ta tỏ ra thích thú khi đưa tôi xem chiếc đĩa than rồi hồ hởi kể rằng tìm mãi mới mua được nó. Rồi anh ta say sưa nói trong đĩa hát có bài "Cô láng giềng" của nhạc sĩ Hoàng Quý, người Hải Phòng. Đây là bài hát mà anh ta vẫn chơi đàn cho bạn gái cùng phố nghe. Hai chúng tôi đi dọc phố Hàng cũ trò chuyện như đôi bạn đã quen biết từ lâu.

Nhưng có lẽ điều bất ngờ hơn khi anh kể câu chuyện tình yêu mà nhạc sĩ Hoàng Quý đã viết tặng cho người bạn gái. Rồi anh hát mấy câu để dẫn chứng câu chuyện. Giọng hát của anh thật nghẹn ngào: "Trước ngõ vào thôn nghe tiếng pháo/ Chân bước phân vân lòng ngập ngừng/ Tai lắng nghe tiếng nói cười xôn xao/ Tôi biết người ta đón em tưng bừng… Cô láng giềng ơi/ Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi/ Chân bước xa dần miền quê/ Ai biết cho bao giờ tôi về". Tiếng lòng người ca sĩ dường như không cầm được nỗi đau khôn nguôi. Nhưng hóa ra không phải thế. Tôi ngỡ ngàng khi anh nói nhạc sĩ Hoàng Quý đã trở về sống với người yêu rất hạnh phúc chứ không phải bị chia ly như bài hát viết ở đoạn hai.

Sau đó tôi mới hiểu ra khi nhạc sĩ Hoàng Quý sáng tác bài hát chỉ viết một lời để nói nỗi nhớ nhung và hạnh phúc với cô láng giềng. Nhưng em của ông là nhạc sĩ Tô Vũ đã viết thêm lời hai để cho bài hát thêm bi kịch và trắc trở. Bài hát đã gây chấn động lòng người ở nỗi lòng trầm luân đó. Kể chuyện rồi người ca sĩ kia đã hát lại cho tôi nghe lời một của bài hát trong một quán trà ven đường. Một cảm giác lãng mạn dâng trào trong tôi. Một phiên chợ rạo rực những niềm vui qua hàng ngàn cặp mắt yêu thương cùng với giai điệu tình ca dịu dàng.

Vũ điệu phượng bay

Cho đến nay, dù đã rời xa Hải Phòng từ lâu nhưng tôi vẫn về chợ Hàng mua đồ vào phiên chủ nhật. Luôn hẹn về chợ chơi cũng là dịp tôi gặp gỡ lại bạn bè văn chương Hải Phòng một thời gắn bó. Chợ Hàng như một chốn cởi mở và trở về của tâm hồn tôi. Bao giờ cũng vậy, tôi đi một vòng quanh kênh hồ và những dãy phố kéo dài nườm nượp bán mua. Tôi và nhà thơ Minh Trí (Hội viên HNV quê ở Hải Phòng) thường rủ nhau đi chợ. Nhà thơ cho tôi biết nhiều chuyện về đất Cảng và những sự đổi mới kỳ lạ của thành phố. Tôi và nhà thơ đã bao lần lội nước mưa ngập phố để đến với chợ Hàng. Lúc này tôi thường tìm mua những ấm sứ cũ xinh xinh. 

Có lần anh Hưng, chủ cửa hàng số 460 phố Chợ Hàng đã bán cho tôi bộ ấm chén con công. Đây là tác phẩm phỏng theo phong cách xưa của nghệ nhân Hải "đồ cổ" nổi tiếng ở Hải Phòng. Ấm con công tựa như vẻ đẹp của đất cảng Hải Phòng nơi tôi đã từng bao đêm đứng trên đồi Phủ Liễn ngắm những vì sao qua ống kính thiên văn. Những vì sao ấy hiện lên trên biển Đông và lấp lánh muôn nơi. Bao ký ức hiện về bên chợ Hàng như cánh chim chập chờn bay bổng. Hải Phòng luôn gắn bó với tôi qua: "Những Bến Bính, Xi măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên/ Những cái tên nghe chẳng thơ đâu/ Nhưng với ta vô cùng oanh liệt/ Ôi thân thiết tự hào quê hương…" (Thành phố hoa phượng đỏ - nhạc Lương Vĩnh, phổ thơ Hải Như).

                                     Theo:  cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.473.870
Tổng truy cập: