VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Mồng một tết cha
(Ngày đăng: 06/02/2022   Lượt xem: 201)

Trên các trang của fb rất ít đăng các bài viết về cha của những đứa con; trừ một vài bài viết về các vĩ nhân hoặc những người nổi tiếng.

Tôi trích đăng một phần bài viết về cha tôi; một người cha bình dân như bao người cha bình dân khác với mong muốn là để các bạn đọc nhớ dành thời gian đầu năm cho những người cha thân yêu của mình nếu họ còn sống; nhớ những kỷ niệm về những người cha của mình nếu họ đã khuất; hãy viết về họ; kể về họ để con cháu chúng ta luôn biết “Cha là trụ cột” cho mỗi gia đình. Cám ơn các bạn đã đọc bài viết.
mong-mot-tet-cha-1644118187.jpg

 
Ảnh do tác giả chọn lọc

Bố tôi là con trưởng một dòng họ “Nguyễn Văn” ở làng Lai Thành; huện Hương Trà; Thừa Thiên Huế. Cuộc sống người dân của giải đất miền Trung Việt Nam (Bình; Trị; Thiên) luôn khó khăn từ xưa đến nay; đặc biệt là giai đoạn những năm 30 của thế kỷ 20. Bố tôi buộc phải rời quê hương ở tuổi thanh niên; đi bộ sang Lào rồi sang Thái Lan để lao động kiếm sống. Do không được học hành nên bố tôi cũng chỉ làm thuê; làm mướn; sau đó là kinh doanh tạp hóa (mang vật dụng gia đình; vải vóc... vào các buôn làng của Lào để trao đổi hàng hóa), đi bộ suốt ngày, lời lãi chẳng bao nhiêu. Tuy nhiên; nhờ sức khỏe tốt lại chịu khó nên cuộc sống đỡ hơn ở quê hương nhiều. Bố tôi đã đi hết các vùng của các tỉnh miền Trung của nước Lào. Sau khi lấy mẹ tôi; bố mẹ tôi chuyển sang định cư ở Mukdahan (Thái Lan); nằm cạnh sông Mê công (phía bên kia sông là Lào).
Để đỡ đần cho bà nội tôi; cũng là vì anh cả; nên dẫu cuộc sống còn khó khăn nhưng bố tôi vẫn về quê để mang một cậu em trai và một cô em gái sang Thái Lan để lập nghiệp (đúng hơn là để kiếm sống). Bố tôi đã đứng ra dựng vợ; gả chồng cho hai em của mình; và đó là khởi nguồn cho chi nhánh họ “Nguyễn Văn” của làng Lai Thành ở Thái Lan.

Bố tôi hơn tôi 48 tuổi và hơn cậu út 50 tuổi. Bố tôi người vạm vỡ; dáng cân đối; khuôn mặt góc cạnh rất đàn ông. Bố tôi có khuôn mặt giống bà nội tôi (tôi có được xem ảnh bà nội tôi; còn không có ảnh ông nội nên không biết bố tôi có giống nét nào của ông nội tôi không). Bố tôi có sống mũi cao; miệng rộng; lông mày lưỡi mác và đôi mắt đẹp với nụ cười cuốn hút. 5 anh em chúng tôi cũng được thụ hưởng những nét đẹp của bố tôi; người nhận được dáng vóc; người nhận được tính cách; người nhận được nụ cười và may nhất là đôi mắt, cả 5 anh em đều nhận được tuy không thể hoàn hảo như mắt của bố tôi. Tròng mắt của 5 anh em tôi đều ngả sang nâu đen vì ảnh hưởng của mắt mẹ tôi; còn tròng mắt của bố tôi lại mang màu nâu vàng mật ong, giống tròng mắt chim ưng (đàn ông trung Á hay có tròng mắt giống vậy). Khuôn mặt; vóc dáng của bố tôi và ảnh của bà nội tôi làm tôi nghĩ về gốc gác xa xưa của bố tôi có liên quan đến người Chăm. Có một chi tiết liên quan đến đôi mắt của bố tôi mà cho đến giờ tôi vẫn chưa giải thích được. Trước năm bố tôi 70 tuổi, tôi thấy bố tôi thường đeo kính lão cỡ 2 diop để đan lát, lao động khác; tuy nhiên đến ngoài 70 tuổi thì tự nhiên bố tôi không phải đeo kính nữa mà vẫn xâu được kim; tròng mắt thì trong veo như mắt thanh niên mới lớn - đẹp làm sao; nhất là khi bố tôi cười. Sau khi về nước vài năm; Bố tôi bị đau dạ dày khá nặng, luôn phải dùng thuốc Cavet; thuốc muối (các loại thuốc chữa viêm loét dạ dày thời ấy). Có những lúc không có thuốc bố tôi phải dùng mai mực; tán thành bột để uống cho dịu cơn đau. Những tưởng bố tôi sẽ phải mang nỗi đau của dạ dày đến cuối đời. Vậy mà như một sự thần kỳ; ngoài 70 tuổi; khi răng bố tôi rụng gần hết; ông không ăn được cơm mà chuyển sang ăn cháo (cháo do mẹ tôi nấu) thì dần dần bệnh đau dạ dày của bố tôi biến mất; không bao giờ phải dùng thuốc nữa.

Bố tôi biết đọc biết viết chữ to (trình độ vỡ lòng) nên ông ít đọc sách báo (hồi ấy cũng chẳng có sách báo để đọc); ông chỉ thích nghe đài và cái đài luôn được bật (cả khi ông ngủ); chỉ tắt khi hết pin. Tôi cũng chẳng nhớ ông có cái đài đầu tiên khi nào; ông tự mua hay do con trai đang là bộ đội tặng (anh trai tôi là bộ đội lái xe nên có điều kiện mang về để tặng ông). Tôi nhớ bố tôi; những đêm mưa rét vẫn mang chiếc vó (diện tích khoảng 9m2) ra đồng kiếm cá về cho cả nhà, có hôm gần sáng mới về; thấy bố tôi rét run, trong giỏ chỉ có vài con cá; giờ nghĩ mà thương bố quá.

Tôi chưa bao giờ thấy bố tôi có tiền; chưa bao giờ thấy bố tôi kêu khổ; cũng chưa bao giờ thấy bố tôi cáu gắt với vợ con vì cuộc sống khó khăn. Có một lần khi bố tôi đi đảo ngói cho một ngôi nhà cấp 4 (hồi bố tôi làm thợ nề); mái nhà cũ quá nên bị xập xuống, bố tôi rơi xuống theo. Một mảnh ngói vỡ cứa rách mi mắt bố tôi; thấy bố về nhà, mặt đầy muội than và máu mà sợ. Sau khi dội nước rửa sạch; bố tôi chỉ dùng bông thấm thuốc đỏ để khử trùng vết thương, chẳng khâu vá gì cả. Chắc Trời thương nên vết thương không bị nhiễm trùng; tự lành.

Bố tôi có nghề chích máu giải cảm hay lắm (nghề này có xuất xứ từ quê hương Lai Thành); chỉ với một chiếc kim và một chiếc khăn tay (hồi ấy hiếm bông y tế lắm) bố tôi đã chữa cho khá nhiều bệnh nhân bị cảm hàn; động kinh. Xã Vân Hà có làng Nguyệt Đức, chuyên chạy thuyền chở gốm, than, củi, hàng hóa dọc sông Cầu. Dân đi thuyền thường hay bị cảm nắng; có người còn bị cấm khẩu; vậy mà với chiếc kim khâu, bố tôi chích, nặn máu vài chỗ (huyệt) trên mặt, lưng.. là người bệnh hết sốt; nói được (gần như tức thì). Tiếng lành đồn xa; bệnh nhân đến chữa ngày càng nhiều. Bố tôi không lấy tiền chữa bệnh; nên bệnh nhân nhận làm con nuôi cũng 4; 5 người; cả làng Nguyệt Đức đều coi bố tôi như là ân nhân; bắt được con cá nào ngon dưới sông, họ đều mang về biếu bố mẹ tôi. Họ còn có nguyện vọng khi nào bố tôi mất thì cho đưa bố tôi về chôn ở núi Quả Cảm (nghĩa trang của làng đạo; chôn không sang cát - giống như ở Lai Thành). Tôi và anh trên tôi đã học lỏm được cách chích máu đó từ bố tôi và đã từng cứu giúp nhiều ca bệnh cảm mạo. Tôi ở bên bố nhiều hơn nên học nghề chích máu bài bản hơn. Tôi từng chích máu giảm sốt cho vợ tôi; em trai tôi; một số đồng nghiệp của tôi khi họ bị cảm nắng; hiệu quả ngay tức thì.

Gia đình tôi (bố mẹ tôi và 5 anh em chúng tôi) về nước năm 1960 trên chuyến tàu số 6; những chuyến tàu chở Việt kiều hồi hương từ Thái Lan về Việt Nam. Thật ra; Việt kiều từ Thái Lan, Tân đảo... về nước trong những năm ấy (1959 - 1963) là cuộc chơi do Mỹ khởi xướng; mục đích là gây khó cho chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau hiệp định Giơ Ne Vơ và hy vọng triệt gốc cộng sản ở các nước sở tại (như Thái Lan). Tuy nhiên mục đích trên của Mỹ bị phá sản vì mấy lẽ: Việt kiều về nước mang nhiều tài sản (tiền; vàng) cho đất nước; sẵn sàng đồng cam cộng khổ cùng đồng bào trong nước; chính phủ cũng ưu tiên cho Việt kiều hồi hương như cho lựa chọn hoặc bố trí nơi ở phù hợp nhất; miễn học phí cho con em Kều bào...; còn gốc cộng sản ở các nước sở tại thì luôn tồn tại, cho đến giờ. Sau đó; 1963; Chính quyền Sài Gòn bắt Việt kiều phải hồi hương về miền Nam; rồi chiến dịch hồi hương Việt kiều bị phá sản ngay sau đó. Gia đình tôi; vì có công với nước mới được bố trí về trong những chuyến tàu đầu tiên.

Năm 1987; sau 27 năm gia đình tôi trở về Việt Nam tôi mới biết gia đình tôi là gia đình có công với nước bằng một mảnh giấy nhỏ được lấy từ hồ sơ lưu trữ của Ban Việt kiều; Ban chấp hành Trung ương Đảng (có dấu đỏ hình chữ nhật của Ban; tôi vẫn lưu giữ bản phô tô của mẩu giấy này làm kỷ niệm). Nhờ mảnh giấy nhỏ ấy mà tôi mới được kết nạp Đảng (năm 1998); và cũng vì không có mảnh giấy nhỏ ấy mà năm 1971 tôi không được đi nước ngoài học ĐH. Năm 1971; tôi thi ĐH được 22,5 điểm cho 3 môn thi (toán; lý; hóa) nên được làm hồ sơ xét cho đi nước ngoài; tuy nhiên khi hồ sơ lên đến tỉnh Bắc Giang thì bị tắc vì chính quyền tỉnh không có hồ sơ gia đình tôi khi ở nước ngoài; vậy là tôi phải học ĐH trong nước. Cuộc đời tôi cũng vì thế mà rẽ sang một hướng khác; đầy biến động, đầy thử thách. Cám ơn cuộc đời.

Khoảng giữa năm 1991; trong một lần về thăm bố mẹ (thường khoảng mỗi tháng tôi về thăm bố mẹ một lần); em trai tôi thông báo bố tôi bị viêm nhiễm đầu dương vật. Tôi nghĩ chắc bố tôi bị nhiễm trùng do sơ ý nên khi ra Hà Nội tôi liền đến hiệu thuốc đầu phố Nguyễn Biểu; đó là một trong số ít những hiệu thuốc tây hồi đó ở Hà Nội; chủ hiệu thuốc là một dược sỹ chính hiệu (chú Hinh – chú của bạn tôi).

Ông chọn thuốc kháng sinh để tôi mua mang về cho bố tôi uống; sau nửa tháng khi tôi về kiểm tra thì thấy cậu em nói bệnh của bố tôi vẫn không giảm. Tôi tiếp tục đến hiệu thuốc Nguyễn Biểu mua liều kháng sinh về cho bố uống với hy vọng ông sẽ khỏi viêm; chu kỳ đó lặp đi lặp lại khoảng 2 tháng mà không có hiệu quả. Uống nhiều kháng sinh quá nên bố tôi bị táo bón nặng (sự kém hiểu biết của một đứa con đã làm bố khổ; tôi ân hận lắm). Thấy tôi mua nhiều lần kháng sinh mà bố tôi không khỏi bệnh; chú dược sỹ hỏi thêm thông tin, thấy tôi bảo đầu dương vật của bố tôi bị sùi lên (là tôi nghe em trai tôi tả lại); tôi thấy chú dược sỹ à lên một tiếng rồi nói "có thể ông bị ung thư dương vật rồi; phải mang ông ra bệnh viện K kiểm tra ngay". Tôi lặng người; lần đầu tiên tôi nghe đến căn bệnh quái ác đó "ung thư dương vật"; nhưng linh tính bảo đúng là bố tôi bị ung thư thật rồi. Thần chết đã đến gõ cửa nhà tôi và chắc muốn rước bố tôi đi?

   "Cuộc chiến bắt đầu"; trẻ cậy cha, già cậy con?

Chú dược sỹ là bạn của bác sỹ Kha; trưởng khoa ngoại; bệnh viện K, Hà Nội nên đã giới thiệu tôi đến gặp ông. Đặt lịch hẹn xong; tôi và cậu em đưa bố tôi ra Hà Nội; đưa đến bệnh viện K; lên thẳng phòng bs trưởng khoa. Sau khi khám cho bố tôi xong; ông Kha gọi tôi vào để trao đổi; ông nói: "cụ ông nhà anh bị ung thư dương vật; đã di căn lên hạch bẹn (cả hai bên); nên mổ gấp cắt bỏ dương vật, nạo hai hạch bẹn và sau đó phải tia xạ để hy vọng diệt hết tế bào ung thư". Tôi biết ung thư đã di căn thì rất khó tiêu diệt; tuy nhiên tôi muốn bố mình không bị chết vì sự đau đớn của bệnh ung thư nên đề nghị: "đề nghị bs trực tiếp mổ cắt khối u cho bố tôi; bố tôi già rồi nên tôi muốn bs chọn một kíp mổ và nơi mổ phù hợp để bố tôi được đối xử tử tế nhất; tôi sẽ chi trả mọi chi phí". Bs Kha lúc ấy là bs khoa ngoại giỏi nhất của bệnh viện K; chữa bệnh dịch vụ lúc ấy chưa được tiến hành ở các bệnh viện trung ương và cả địa phương như bv Việt Đức; bv K; bv Việt Xô; bv Bạch Mai... nhưng bệnh viện ngành là bv Bưu Điện lại được làm việc ấy. Bs Kha giới thiệu đưa bố tôi đến bv Bưu Điện; ông sẽ trực tiếp đến mổ và hứa sẽ tạo đường đi tiểu thuận tiện cho bố tôi. Chúng tôi đã đưa bố tôi đến bệnh viện Bưu Điện và đã rất bằng lòng với cách ứng xử của đội ngũ y bác sỹ ở bv.

Tôi ngộ ra một điều; các bv đầu ngành như bv Bưu Điện; bv Giao Thông quy tụ nhiều bs giỏi, trụ lại HN bằng năng lực và đạo đức thực sự chứ không phải bằng quyền lực của bố mẹ như một số bs cậu ấm, cô chiêu tại một số bệnh viện hác ở Hà Nội để rồi luôn tinh vi, coi thường bệnh nhân. Tôi nghe kể lại hộ lý bv Bưu Điện thay bông băng cho bố tôi rất nhẹ nhàng; luôn đùa vui nên bố tôi không bao giờ cảm thấy đau hay khó chịu. Sau khi mổ; cắt vét khối u; vết mổ của bố tôi lành nhanh. Khoảng 10 ngày sau bố tôi xuất viện.

 Lẽ ra sau khi bố tôi được mổ lấy khối u; vết mổ lành xong là phải xạ trị ngay để diệt nốt các tế bào ung thư còn xót lại. Tuy nhiên; khoa ung bướu; bv Thanh Nhàn do bs Thảo làm trưởng khoa đang còn trong gian đoạn chờ thay nguồn Co-60 mới cho phòng xạ trị (Bs Kha là người giới thiệu bs Thảo cho tôi). Bố tôi lại phải về nhà chờ mất vài tháng mới được quay trở lại bv Thanh Nhàn để xạ trị. Vài tháng (thời gian vàng để xạ trị) đã phí phạm ngoài ý muốn; các tế bào ung thư đã kịp lan tỏa đến các vùng khác của cơ thể.

Hội chùa Thổ Hà năm 1992 tôi về thăm bố (22 tháng giêng âm lịch), thấy bố tôi yếu đi nhiều, da xạm, mắt đục. Tôi rủ bố tôi đi xem Hội làng cho khuây khỏa; bố tôi đồng ý. Giữa đám đông của Hội; tôi gặp một thợ ảnh quen biết; tôi đề nghị cậu ấy chụp cho bố tôi một bức chân dung. Mượn được chiếc ghế của người bán hàng; tôi để bố tôi ngồi và hai tay tôi cầm chiếc màn xanh chăng phía sau làm nền cho thợ ảnh chụp. Định chụp chân dung đầu trần cho bố mà vì bố nằm lâu; tóc dựng hết lên không vuốt được xuống nên đành để cho bố đội mũ để chụp. Bức ảnh trên bàn thờ của bố tôi là bức ảnh chụp hôm ấy, với chiếc áo đại cán, chiếc mũ cũ và sau nó là một kỷ niệm.

Tôi đâu có biết chỉ 40 ngày sau bố tôi sẽ ra đi; là số phận. Trước khi bố tôi mất 2 ngày tôi có về thăm bố; ung thư di căn lúc đó đã xâm nhập vào não bố tôi; bố tôi đau đến mờ mắt; bố tôi đi ngoài không kiểm soát được; cậu em tôi đã lau rửa sạch sẽ cho bố tôi. Tôi đứng bên bố; động viên bố và nghe bố nói "các con vất vả vì bố quá; bố thương các con". Vậy đấy; cả một đời bố chăm lo cho bầy con khôn lớn, các con chưa một lần nói thương bố; nhưng khi các con chăm sóc lại chỉ tháng ngày thì bố lại nói "thương các con".

 Mong muốn lớn nhất trong cuộc nhiến với bệnh ung thư của bố tôi là kéo dài cuộc sống của bố tôi thêm 5 năm để bố tôi có ra đi thì cũng vì bệnh khác chứ không phải vì ung thư di căn; tuy nhiên tôi đã thất bại, dù sự đau đớn của bố tôi không kéo dài.

 P/s: Tôi yêu nhất bố tôi là luôn lạc quan trong quá trình trị bệnh; ông luôn khoe với mọi người là nhà nước lo cho ông hết rồi; bệnh viện chăm sóc rất chu đáo; là người nhà nước sướng thật; được điều trị mà chẳng mất đồng nào.

                                     Theo: vanhoavaphattrien.vn/Chuyện làng quê
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.467.117
Tổng truy cập: