VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(29-33)- Ngân lên điệu hồn Mường...
(Ngày đăng: 10/12/2021   Lượt xem: 291)

Trời vào đông, hơi lạnh se sắt đã len lỏi khắp dãy Viên Man - dải núi ôm ấp những bản làng người Mường. Trong căn nhà nhỏ ở cuối thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội, Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn đang trải bộ cồng chiêng ra trước hiên nhà, Như một thói quen, thỉnh thoảng bà lại đem dàn chiêng ra ngắm nghía và cất lên tiếng hát thiết tha: “Tiếng cồng bản Mường, âm vang rừng núi/ Mãi còn đây nền văn hoá quê mình/ Tiếng cồng bản Mường, trao nhau lời thương/ Ta tìm nhau trong đêm hội cồng chiêng/ Hội đông mắt cũng no nhìn bạn ơi/ Lại xem cô gái quê mình đánh chiêng/ Lưng xanh váy lĩnh áo choàng/ Trái đào dây bạc vòng trằm roong reng/ Roong reng là roong reng”...

Nhịp chiêng vui ấm bản

Giọng hát vừa lắng xuống, tay trái nữ nghệ nhân xách chiêng, tay phải cầm dùi gỗ khoan thai vung rộng, rồi khẽ chạm dùi nơi núm chiêng. Mặt chiêng rung lên, âm thanh bùng… boong khẽ ngân nga, lan ra nương ngô, nương lúa trước nhà, len vào rừng cây, toả khắp làng trên xóm dưới. Thật kì lạ, chỉ một chuỗi âm thanh cất lên trong cuộc sống bình dị đời thường mà cảm giác như đang vọng đến từ một nguồn mạch sâu xa nào đó, làm say lòng người, làm vui ấm bản. Tiếng chiêng Mường không mang nét cuồng nhiệt, hào hùng của những chàng Đam San nơi đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, mà toát lên vẻ dịu dàng, đằm thắm của người con gái xứ Mường nơi mảnh đất Thủ đô…

Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn năm nay đã 70 tuổi, cả cuộc đời gắn bó với đất Đồng Dâu, với tiếng chiêng của bản làng mình. Ngày bé vì nhà nghèo mà mới tám tuổi cô bé Thìn đã phải đi làm thuê kiếm sống. Làng Đồng Dâu khi ấy có gia đình giàu có, lại có dàn chiêng cổ. Để được nhìn thấy dàn chiêng quý, được nghe tiếng chiêng vang lên mỗi ngày, cô bé Thìn đã xin vào nhà ấy trông trẻ. Những dịp lễ, Tết, nhà chủ đông khách đến đánh chiêng, cô bé Thìn mê mải nghe, vừa bế em vừa học lỏm cách đánh. Dần dần, những nốt chiêng thấm vào tâm hồn cô bé tự lúc nào.
3.jpg -0

Các em học sinh ở Tiến Xuân hào hứng học đánh chiêng.

Dù cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng lớn lên, Bích Thìn quyết tâm rời bản làng đi học. Năm 1974, Bích Thìn trúng tuyển lớp đạo diễn sân khấu - là khoá sinh viên đầu tiên của Trường Lý luận nghiệp vụ trực thuộc Bộ Văn hóa (tiền thân của Trường Đại học Văn hóa ngày nay). Ra trường, Bích Thìn đã trải qua nhiều môi trường công tác, từ Sở Văn hoá tỉnh Hà Sơn Bình, Phòng văn hoá huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) và đến năm 1996, bà tham gia Ban Văn hoá xã Tiến Xuân.

Là người có năng khiếu nghệ thuật, lại được đào tạo bài bản, bà Thìn đã dàn dựng cho xã nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tham dự hội diễn của huyện, tỉnh và đoạt giải cao. Điều đáng quý là trong những tiết mục mà bà vừa làm biên kịch, vừa làm đạo diễn kiêm diễn viên ấy, có nhiều tiết mục khơi gợi lại hình ảnh cồng chiêng của dân tộc Mường.

Những nỗ lực gìn giữ bản sắc dân tộc của bà Thìn đã được ghi nhận. Năm 2015 bà được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú thuộc loại hình trình diễn dân gian (cồng chiêng). Với tiền thưởng nhận được, nữ nghệ nhân góp cùng với số tiền bà chắt chiu dành dụm để thực hiện điều mong ước từ lâu, đó là mua một bộ cồng chiêng cho riêng mình, để biểu diễn và truyền dạy cho người dân bất cứ lúc nào.

Chính tiếng chiêng là nguồn sức mạnh tinh thần giúp nghệ nhân Bích Thìn vượt qua nhiều trắc trở trong cuộc sống. Cũng chính tiếng chiêng đã giúp bà và người dân Tiến Xuân được biểu diễn trên những sân khấu lớn. Đó là năm 2009, bà và một số chị em được tham gia đoàn biểu diễn của Thủ đô Hà Nội đi dự Festival Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Được biểu diễn trên sân khấu lớn, bà càng thêm tự hào văn hoá cồng chiêng đặc sắc của dân tộc mình. Năm 2014, bà Thìn cùng đội văn nghệ được tham gia Liên hoan các loại hình múa dân gian Hà Nội, được biểu diễn chiêng và tổ hợp các bài hát múa dân gian truyền thống do bà dàn dựng tại Tượng đài Lý Thái Tổ. Những tràng pháo tay không ngớt, những lời khen ngợi của công chúng Thủ đô khiến bà lâng lâng hạnh phúc. Đó chính là động lực để bà giữ lửa nghề.

“Cơm đồ, nhà gác…”

“Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới, trâu đeo mõ, chó leo thang, quần một ống, áo một gang. Đó, người Mường chúng tôi là thế đó”. Ông Đinh Công Long - Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân hồ hởi giới thiệu về bản sắc độc đáo của dân tộc mình. Chỉ qua một câu nói súc tích mà phong tục tập quán của dân tộc Mường hiện lên sinh động. Nhịp sống hiện đại có thể đã làm lu mờ đi ít nhiều nếp ăn nếp ở, nhưng có một thứ càng ngày càng đậm, càng nồng. Đó chính là tiếng chiêng, là điệu hồn của dân tộc Mường.

Đã 13 năm kể từ khi xã Tiến Xuân từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình “về” với Thủ đô Hà Nội, điều đáng mừng là tiếng chiêng xưa tưởng có lúc đứt đoạn giờ đây đã rộn ràng trở lại. Trước kia, vì điều kiện kinh tế nghèo nàn, thôn bản dần vắng bóng những bộ chiêng quý, người dân ít đánh chiêng và sao lãng việc truyền dạy cho thế hệ sau. Để gọi dậy điệu hồn Mường, trong nhiều năm liền huyện Thạch Thất đã tổ chức các lớp truyền dạy cách đánh cồng chiêng tập trung cho người dân. Không ai khác, nghệ nhân Bích Thìn đã kiên trì đứng lớp gần chục năm trời. Để thắp lửa đam mê biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường, bà đã miệt mài hướng dẫn người dân cách sử dụng cồng chiêng, đánh được các bài chiêng, học hát dân ca Mường.

Bà Thìn quyết tâm thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân do bà làm chủ nhiệm. Bà vận động những chàng trai, cô gái các thôn bản tham gia tập luyện cồng chiêng, truyền dạy cho họ kỹ thuật đánh, cách đo âm vực cồng chiêng bằng sải tay, giảng giải ý nghĩa văn hoá được mã hoá trong chuỗi âm thanh trầm bổng. Ban ngày làm nương rẫy, tối về bà Thìn lại lóc cóc đạp xe đến các thôn bản để dạy đánh chiêng. Không chỉ là người truyền lửa, bà còn kết nối các đội chiêng bằng cách tổ chức những buổi giao lưu biểu diễn.

Giờ đây, tiếng chiêng không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết rộn ràng ở Tiến Xuân. Tiếng chiêng ngân lên ngày đầu năm mới để khởi đầu một năm ấm no, trâu bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, yên vui. Tiếng chuông ngày hội như chào mời, thúc giục du khách xa gần; tiếng chiêng gióng lên chúc phúc hạnh phúc lứa đôi. Nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng dần dần được khôi phục, thôn bản cũng thay da đổi thịt từng ngày.

Là người có kinh nghiệm truyền dạy cồng chiêng cho người dân tộc Mường cũng như truyền đạt văn hóa cồng chiêng tới nhiều đội văn nghệ dân gian của Thủ đô Hà Nội, nghệ nhân Bích Thìn đúc kết rằng đánh chiêng rất khó, không phải muốn đánh chiêng là làm ngay được. Xã Tiến Xuân có đến 70% dân số là người Mường và hiện có khoảng 30 bộ chiêng. Cho đến nay, ngày càng có nhiều người dân biết đánh chiêng, nhưng đạt độ điêu luyện, có nghề thì chưa có mấy người. Phải qua rất nhiều buổi hướng dẫn thì bà Thìn mới truyền dạy được một bài chiêng.

Nhớ được nhịp chiêng, cách đánh rồi, người học phải chăm chỉ luyện tập hàng ngày, hàng tuần thì những nốt chiêng mới trở nên mềm mại, uyển chuyển. Vì thế hiện tại, nghệ nhân Thìn mới cố gắng phổ cập được trong làng ngoài xã hai bài “Bông trắng bông vàng” và “Sắc bùa” – những bài chiêng truyền thống của người Mường. Vốn dân ca Mường, những bài chiêng mà bà Thìn tích luỹ, góp nhặt qua nhiều năm tháng rất phong phú, đa dạng. Ở tuổi thất thập, bà luôn đau đáu làm sao có thể dốc hết vốn liếng cồng chiêng để truyền lại cho các thế hệ sau, để khỏi tiếc xót khi vốn văn hoá dân gian ngày càng rơi rụng?

Câu hỏi ấy cũng là nỗi băn khoăn của người Tiến Xuân. Và một trong những hướng đi của chính quyền địa phương là đưa văn hoá cồng chiêng vào trường học để phổ cập cho các thế hệ học sinh. Nghệ nhân Bích Thìn đã dành nhiều tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Không chỉ dạy cách đánh chiêng, bà Thìn còn giải thích cho các em về văn hoá cồng chiêng, về dàn chiêng 12 cái có kích cỡ và âm sắc khác nhau, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Nếu như chiêng của người Mường huyện Thạch Thất có quai để xách khi biểu diễn thì người Tây Nguyên thường treo bộ chiêng trên giá chiêng. Nếu như chiêng của đồng bào Tây Nguyên không có núm thì ngược lại, núm chiêng Mường là vị trí trung tâm để dùi gỗ tiếp xúc với chiêng, ngân lên những âm thanh trầm hùng đầy biến ảo.

Các em học sinh ban đầu nghe tiếng chiêng chưa tròn, động tác đánh chiêng còn gượng, nhưng đều đam mê tìm hiểu nhạc cụ đặc biệt của dân tộc mình. Rồi mai đây, không ai khác, chính các em sẽ biểu diễn những bài chiêng quý, sẽ truyền lại cách đánh chiêng cho các thế hệ sau, để ngân lên mãi điệu hồn Mường…

                                     Theo; cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.473.647
Tổng truy cập: