VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(20)- Độc đáo rối cạn của người Tày
(Ngày đăng: 09/10/2021   Lượt xem: 236)

Múa rối cạn của người Tày có ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến múa rối cạn ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên và thôn Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Độc đáo rối cạn của người Tày

Biểu diễn rối cạn của người Tày. Ảnh: TL.

Đây là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày đã có từ hơn 200 năm trước và tồn tại cho đến ngày nay. Rối cạn thường được người Tày biểu diễn vào dịp đầu năm, trong ngày lễ Lồng Tồng (lễ xuống đồng), nhằm mục đích mua vui cho công chúng, cùng với đó là thể hiện ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, ước nguyện về sự đỗ đạt vinh danh bảng vàng của người dân trong làng.

Nét độc đáo của nghệ thuật rối cạn xuất phát từ cách thức làm ra con rối. Vật liệu làm rối thường bằng gỗ thừng mực, một loại cây thân gỗ phổ biến ở miền núi, vừa dễ chế tác lại không bị mối mọt. Các con rối chủ yếu mô phỏng hình ảnh vua quan, lão nông, muông thú. Để tạo ra một con rối cỡ trung bình, các nghệ nhân cần thời gian từ 2 đến 3 ngày, trải qua các công đoạn như lựa chọn vật liệu, tạo hình bằng tay, phơi khô, sơn mầu và may quần áo cho nhân vật.

Một bộ rối để biểu diễn thường có 13 con, trong đó có 2 con đầu đàn có kích thước lớn hơn và được làm bằng gỗ mít.  Ngày nay, bằng sự say mê với trò chơi dân gian truyền thống, nhiều nghệ nhân ở Thẩm Rộc và Ru Nghệ đã sáng tạo thêm nhiều con rối mới theo phong cách riêng.

Múa rối cạn của người Tày còn được gọi là rối que vì phần lớn các con rối đều được điều khiển bằng những thanh tre gắn vào thân, đầu, tay và chân của nhân vật, để tiện điều khiển và bảo quản. Gần đây, các nghệ nhân đã thay những thanh tre bằng sắt hoặc nhôm. Dụng cụ biểu diễn rối que rất đơn giản, gồm một tấm phông căng lên làm sân khấu, một bộ rối khoảng 13 con, thêm chiếc đàn tính, cây sáo và một vài bài giáo.

Tất cả hòa quyện tạo nên một vở kịch độc đáo, hấp dẫn người xem. Bằng những động tác đơn giản nhưng thuần thục những tiết mục múa rối đã thể hiện khá sinh động cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân như làm ruộng, leo cây…

Trong buổi biểu diễn còn có các nghệ sĩ đứng sau phông màn gõ trống, phách,  thanh la đọc lời giáo minh họa cho các tiếp mục. Chính họ đã tạo nên không khí sôi động trong từng tiết mục diễn. Trước đây, một buổi biểu diễn rối Tày truyền thống gồm 8 trò, trong các trò biểu diễn đó không thể thiếu tiết mục khép màn là trò người leo cây bắt tắc kè. Đây cũng là cách thể hiện ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Bởi theo quan niệm dân gian, tắc kè có khả năng dự báo thời tiết rất chính xác, giúp con người đối phó kịp thời, mùa vụ bội thu. Đây cũng là tiết mục được nhiều người yêu thích nhất, đặc biệt là các em nhỏ. Được chứng kiến các vở diễn, nhiều người không khỏi tấm tắc khen ngợi đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Thẩm Rộc, đã biến hóa những khúc gỗ thô kệch, đơn sơ trở nên linh hoạt và sống động lạ thường.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực phục hồi, song trong giai đoạn hiện nay, múa rối cạn của người Tày - Định Hóa lại đối mặt nhiều thách thức bị mai một.

Để bảo tồn và phát triển rối cạn của dân tộc Tày, bên cạnh nỗ lực của những nghệ nhân, những người tiếp nối trong dòng họ và ngành văn hóa địa phương, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng và và chính quyền địa phương.

                                      Theo: daidoanket.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

29
Đang xem:
72.470.157
Tổng truy cập: