VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(98)-Điệu Soong hao trên miền dân ca
(Ngày đăng: 17/09/2021   Lượt xem: 401)

Đến Lục Ngạn mỗi người sẽ cảm nhận được tình yêu dân ca của đồng bào các dân tộc ở vùng đất vải lớn đến thế nào. Những cuộc hát Soong hao thâu canh suốt sáng, trải dài hết chợ phiên này qua chợ phiên khác đến hết mùa xuân. Có lẽ ít vùng đất nào người dân mê hát dân ca của dân tộc mình đến thế.

Những năm 1970, hát Soong hao từng rất thịnh hành ở vùng đất này, trong nhiều năm rơi vào lãng quên bởi khá nhiều lý do. Điều đáng mừng là những năm 1990 trở lại đây, ý thức được giá trị văn hóa của loại hình dân ca này. Nhận được chủ trương của tỉnh Bắc Giang và chính quyền địa phương phục hồi, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa mới. Nhờ vậy tiếng hát dân ca Soong hao đang tìm lại vị thế của mình trong đời sống, xã hội.

Thăm những bản làng người Nùng ở xã Kiên Lao, đi qua những con suối nhỏ chảy róc rách bên những nương lúa vào mùa chín rộ, giữa sắc xanh núi rừng. Được nghe những điệu dân ca Soong hao mới thấy được nhịp cầu đôi lứa, lời tâm tình đưa duyên đằm thắm của các chàng trai, cô gái người Nùng.

Nghệ nhân ưu tú Mạc Văn Đậu, người thành lập Câu lạc bộ hát Soong hao, thôn Quán Cà, huyện Lục Ngạn cho hay: Tiếng Nùng, Soong hao nghĩa là hai ta, đôi ta. Lối hát giao duyên của dân tộc Nùng có từ lâu đời, ví như cây cầu bắc mối lương duyên cho biết bao đôi trai gái đến với nhau, nảy nở tình yêu và kết đôi thành vợ chồng.

Hát dân ca Soong hao đặc biệt ở chỗ không dùng nhạc đệm, nhưng vẫn hấp dẫn, đắm say và ngọt ngào. Những điệu hát chính của Soong hao là hát giao duyên, hát ví, hát đối, hát ban ngày, hát ban đêm và hát đám cưới. Cách thức thể hiện có hát đối đáp, hình tượng, so sánh, ví von, nhân cách hóa để truyền đạt những cung bậc cảm xúc giữa các thanh niên nam, nữ người Nùng khi tìm bạn, tìm người yêu hay bạn đời.

Hát dân ca Soong hao xuất hiện rộng rãi trong các hoạt động cộng đồng như lễ cưới hỏi, mừng nhà mới hay cuộc sống hằng ngày. Nội dung dân ca này đa dạng biểu đạt từ tình yêu hạnh phúc, đến ca ngợi, khuyên răn, chúc tụng đến phê phán thói hư tật xấu trong cuộc sống.

Dân ca Soong hao có tính cộng đồng qua những thời điểm diễn, vào dịp trăng rằm, đầu xuân hay phiên chợ tháng ba (âm lịch). Hội thu hút đông người nhất vào ngày mùng tám tháng giêng, mười tám tháng hai (âm lịch) trùng với hội chợ Chũ, hội Từ Hả của tỉnh Bắc Giang. Trong những dịp này các nhóm thanh niên trai gái người Nùng rộn rã rủ nhau đi hội, họ đi theo từng tốp nam hoặc nữ, tới đâu cũng gặp sắc màu chàm của bà con dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí. Khi gặp gỡ họ giao lưu với nhau bằng lời ca trữ tình ý nhị, chân thành, đằm thắm.

Những làn điệu Sloong hao cứ dập dìu kết nối tình thân kéo dài đến khi chiều tà họ mới ra về, cuộc hát còn kéo dài theo những con đường dẫn về bản xa.

 Kiên Lao vùng đất lưu giữ nhiều làn điệu dân ca đằm thắm của người Nùng

Phát huy tinh hoa văn hóa huyện Lục Ngạn

Dân ca Soọng hao lưu truyền nhiều làn điệu, trải dài trên một không gian rộng lớn ở nhiều xã huyện Lục Ngạn như xã Cấm Sơn, Kim Sơn, Giáp Sơn, Xa Lý, Sơn Hải, Hộ Đáp, Phong Vân, Biên Sơn…loại hình dân ca này đang tạo nên những mảng văn hóa đa sắc màu, một vốn văn hóa quý giá được địa phương và các nghệ nhân chú trọng lưu giữ và phát huy.

Nghệ nhân Vi Văn Tà, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn đã dịch một số lời hát đối đáp nam nữ trong những câu dân ca Soong hao từ tiếng Nùng sang tiếng Kinh: Nam. Anh và em cùng xuống chợ rồi rủ nhau lên đồi tâm sự/Cả năm vất vả, đôi ta chỉ có dịp này là thảnh thơi. Nữ: Mặt trời khuất sau cánh rừng, đêm xuống rồi anh ơi/Anh hãy kéo mặt trời lên đi, em sẽ đi cùng anh vui chơi.

Để gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân ca Soong hao, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS”. Kết quả dự án này đã giúp mở các lớp truyền dạy hát dân ca Soong hao; nhiều nghệ nhân được vinh danh, tạo thuận lợi để trao truyền tinh hoa cho thế hệ trẻ; xuất bản sách giới thiệu về dân ca Soong hao; nghiên cứu - tổ chức mô hình “Không gian văn hóa Soong hao” thu hút du khách tới tham quan trải nghiệm. Năm 1996, lần đầu tiên hội hát Soong hao đã được Lục Ngạn tổ chức tại khu du lịch Khuôn Thần nhằm khôi phục loại hình nghệ thuật độc đáo của người Nùng.

Ngoài ra ông Nông Dũng Long, dân tộc Nùng, ở thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, từ thời trai trẻ đã say mê hát Soong hao, với tâm tư trăn trở gìn giữ, khôi phục những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Trong nhiều năm, ông lặng lẽ sưu tầm những bài hát dân ca Nùng lưu truyền trong dân gian như mời nước, mời trầu, mời rượu, chúc mừng năm mới, mừng sinh nhật người cao tuổi dân tộc Nùng ở Yên Thế.

Năm 2001, ông đề đạt nguyện vọng với xã, được xã cho phép, ông đã thành lập câu lạc bộ hát Soong hao (sau là CLB hát dân ca Nùng). Đến nay câu lạc bộ đã có 20 thành viên tham gia, hiện nay các thành viên đã thuộc hàng chục bài hát và dân ca Nùng, thường xuyên tham gia biểu diễn văn hóa, văn nghệ tại địa phương và huyện Lục Ngạn. Năm 2019, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản phi vật thể của dân tộc.

Hằng năm các Câu lạc bộ hát Soong hao ở Lục Ngạn thường xuyên đi giao lưu, liên hoan trong tỉnh và khu vực. Vừa qua, nhóm nghệ nhân hát soong hao tỉnh Bắc Giang đã biểu diễn tại Thủ đô Hà Nội trong Chương trình “Sắc màu văn hóa Bắc Giang”.

Sau nhiều nỗ lực bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hóa, đến nay hát dân ca Soong hao đã trở thành hoạt động truyền thống, tổ chức hàng năm vào ngày 18 tháng Hai âm lịch ở huyện Lục Ngạn. Điều đó giúp những làn điệu dân ca Soong hao tiếp tục lan tỏa vẻ đẹp văn hóa của mình./.

                                        Theo: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.462.729
Tổng truy cập: