VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(76)- Nhịp chày giã gạo còn vang
(Ngày đăng: 01/07/2021   Lượt xem: 301)

Đối với đồng bào Hrê, chày giã gạo không chỉ là đồ vật sử dụng trong cuộc sống thường nhật mà còn là nét văn hóa. Mỗi khi tiếng chày giã gạo vang lên, không chỉ đơn thuần là âm thanh của động tác lao động, mà còn là nhịp điệu thể hiện niềm vui no đủ của người dân Làng Teng sau mỗi mùa lúa rẫy. 

Bà Phạm Thị Thiều, gần 80 tuổi ở Làng Teng, xã Ba Thành cho hay: Ngày xưa, dân trong làng muốn có gạo nấu cơm, phải trải qua công đoạn giã gạo. Nhịp chạy càng nhộn nhịp, nghĩa là đời sống càng no ấm, ai ai cũng chăm lo làm ăn. Công việc giã gạo thường do người phụ nữ đảm nhận. Bởi nó tốn khá nhiều thời gian. Chưa kể, giã gạo còn đòi hỏi sự khéo léo, cũng như sức dẻo dai. Giã mà không khéo gạo sẽ bị nát, nấu cơm ăn sẽ không ngon. 
 
Theo lời cụ Thiều, ngày trước cả làng giã gạo tập trung nhất là vào buồi chiều tối hoặc buổi sáng mai. Sau một ngày lao động trên rẫy, trở về nhà lúc trời đã nhá nhem, các mẹ, các chị lấy một ít lúa rẫy, rồi bê cối ra giữa sân giã thành gạo và nấu cơm tối. Cơm nấu từ gạo mới giã có vị thơm ngọt, ăn rất ngon. Việc giã gạo vào buổi sớm mai cũng diễn tiến tương tự việc giã gạo vào buổi chiều tối. Bình minh ló rạng, người phụ nữ thức dậy, nhóm lửa nấu vội nồi nước, chuẩn bị một số nhu yếu phẩm thiết yếu cho một ngày lao động trên rẫy, sau đó tranh thủ giã gạo để thổi cơm cho kịp giờ lên rẫy. 
 
Nhịp chày giã gạo là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Hrê
Giã gạo là nét đẹp văn hóa mà chị em phụ nữ Làng Teng vẫn gìn giữ, trân quý
 
Nhìn đôi bàn tay sảy nhanh khiến cả lúa và thóc mà như tạo thành một lớp sóng. Sau những cái lắc người, lắc tay đều đặn, chị Phạm Thị Y Hòa (30 tuổi) đã nhóm vào giữa mặt sàng là trấu, những hạt lép và một bên là những hạt gạo. Chị loại bỏ những hạt lép và đổ gạo vào thúng. 
 
Không trắng như gạo xay bằng máy, hạt gạo được giã xong vẫn đục, lớp vỏ gạo vẫn còn. Cặm cụi ngồi nhặt những hạt sạn, hạt thóc còn lẫn trong gạo, chị Y Hòa bảo, chính lớp vỏ gạo này mới có chất, khi nấu cơm, ăn có vị ngòn ngọt. Bởi lẽ đó, người dân trong làng vẫn thích ăn gạo tự giã hơn gạo xay xát. Và cũng bởi gạo giã giữ được tinh chất, ngon hơn so với gạo xay xát nên những ngày trước các lễ hội, tết, người dân thường dành thời gian để giã thật nhiều gạo, để sử dụng làm rượu cần hoặc các món ăn dân dã. 
 
Cách giã gạo của người phụ nữ Hrê Làng Teng có nét khác miền xuôi. Dưới xuôi, khi giã gạo, người ta với tư thế choãi chân trước, chân sau. Khi lấy sức cúi người nện chày xuống cối thì chân trước là chân trụ, chân sau thả lỏng; khi rút chày lên thì chân sau là chân trụ, chân trước thả lỏng. Phụ nữ Làng Teng khi giã gạo lại đứng chụm hai bàn chân khít vào nhau, khi nện chày xuống thì lưng người gập theo và mông nhô ra sau; khi rút chày lên thì hít hơi lấy sức, thót bụng lại và ngực ưỡn ra trước. Với tư thế này, động tác giã gạo của chị em phụ nữ nơi đây có vẻ nhún nhảy, điệu đà như một vũ điệu, đẹp mắt. 
 
Theo kinh nghiệm của người dân Làng Teng, muốn có một bộ chày cối đẹp, bền chắc, người dân phải đi suối để chặt cây sung để làm phần cối. Ưu điểm của loại cây này là khi còn tươi rất dẻo, thuận lợi cho việc đục đẽo tạo dáng, nhưng khi khô thì đanh cứng như đá nên cối không bị vỡ. Khi chế tác cối, người ta cắt một khúc gỗ cao tầm 0.3 – 0.4m rồi dùng rìu đẽo vào ruột gỗ. Mỗi lần đẽo, phải bỏ vào miệng cối một ít than củi đang cháy rồi tiếp tục đục đến khi có độ sâu ưng ý thì thôi. Bởi vậy, thường thì người đàn ông trong gia đình sẽ đảm nhận việc làm chày, cối. 
 
Chày giã gạo cũng được làm từ một loại cây rừng, người dân Ba Thành (Ba Tơ) gọi là loang zreang, có độ dài khoảng 1.5 – 2m. Chày dài hay ngắn, to hay nhỏ, phụ thuộc vào cỡ tay của người sử dụng. Giữa thân chày, người chế tác khắc một vài vòng tròn có nét khá sâu, để những lúc giã gạo tay cầm không bị trơn tuột. 
 
Bây giờ, cuộc sống đã có nhiều đổi thay và may xay lúa đã có mặt khắp đầu thôn, cuối xóm, nên cối giã gạo không còn sử dụng nhiều như trước nữa. Thế nhưng, nhiều gia đình vẫn trân quý, cất giữ những chiếc cối, chiếc chày vào một góc nhà để lưu giữ kỷ vật, thi thoảng mang ra giã gạo, chế biến một số món ăn truyền thống của dân tộc mình, vừa để bữa cơm thêm ngon, vừa lưu lại nét đẹp văn hóa của người Hre tự bao đời. 
 
Đối với người dân Làng Teng chiếc cối, chiếc chày không đơn thuần là vật dụng tạo ra hạt gạo lo cho bữa ăn của mỗi gia đình hàng ngày, mà còn thể hiện sự no ấm, sung túc của xóm làng. Ngày trước, làng nào có nhiều chày cối, phụ nữ hàng ngày vui với nhịp chày thì cuộc sống no đủ, ai nấy chăm lo làm ăn, đoàn kết. Đặc biệt, vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng bào ở thường giã gạo, cung cấp lương thực cho bộ đội đánh giặc thì tiếng chày vang lên nhộn nhịp, suốt ngày đêm, thể hiện tình đoàn kết quân dân, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ năm tháng ấy.
 
Có lẽ cùng với ý nghĩa hết sức nhân văn này, nên dù cuộc sống ngày nay có nhiều đổi thay, nhưng trên những bản làng vùng cao Ba Tơ nhịp chày giã gạo vẫn là âm thanh sống động, đi cùng với cồng chiêng, làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê. 
                                            Theo: baoquangngai.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.471.666
Tổng truy cập: