BÁU VẬT NHÂN VĂN SỐNG
Ông là
Nguyễn Hữu Sam, một trong những nghệ nhân cuối cùng làng tranh Đông Hồ
(xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Làng tranh giờ gần như đã
tan nát, người dân phải quay lưng lại với nghề làng để xoay cuộc mưu
sinh bằng nghề làm vàng mã, duy chỉ có ông Sam và vài người khác vẫn
bám trụ với nghề . Ông bảo: "Cả đời tôi đã gắn bó với nghề làng và coi
đó là cái nghiệp của mình. Tôi cố giữ nó chỉ mong góp phần giữ lại cái
hồn dân tộc".
Phiên chợ tranh cuối cùng
Nghệ
nhân Nguyễn Hữu Sam năm nay đã 77 tuổi (sinh năm 1930), nhưng đã có
tới 70 năm làm nghề. Ông Sam hồi tưởng: "Từ những năm 1940, nghề tranh
Đông Hồ cực thịnh. Từ Nghệ An, Thanh Hóa trở ra, nhà nào tết đến dù
nghèo mấy cũng mua mấy bức tranh Đông Hồ về lấy may.
Làng có
17 dòng họ bám nghề tranh mà sống. Những người làm tranh bằng hoặc hơn
tuổi tôi thì không thể quên được những ngày mùa làm tranh và những
phiên chợ bán tranh vào dịp tết. Vào khoảng cuối tháng bảy, đầu tháng
tám hằng năm, cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh tết, khắp
làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp".
Lên 5 tuổi, nghề làm tranh đã bắt đầu ngấm vào máu cậu bé Sam.
Vào
mùa tranh, suốt ngày cậu bé lon ton giúp cha sơn hồ, quết điệp lên
giấy dó, thu dọn giấy khô rồi chập chững học cách in tranh sao cho đúng
màu sắc. Chợ tranh làng Hồ - chợ Hồ trở nên nhộn nhịp và tấp nập nhất
vào tháng chạp với năm phiên họp vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26. Ông
Sam kể hôm họp chợ, khách thập phương kéo đến đông nghịt. Những người
trong làng đi làm ăn khắp nơi nhớ câu ca của làng Dù ai buôn bán trăm
nghề/ Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh, cũng lũ lượt trở về họp
chợ . Tết năm Dậu 1945, giữa nạn đói khủng khiếp hoành hành khắp Bắc kỳ,
chợ tranh làng Hồ vẫn mở. Năm ấy, cậu bé Sam phải một mình ra chợ bán.
Ông
Sam nhớ lại: "Chợ tranh xơ xác tiêu điều, chợ họp mà chẳng còn ai đủ
hơi sức chú ý và mua tranh nữa, chỉ lo kiếm miếng ăn. Đôi bồ tranh tôi
quảy đi lại quảy về nặng trĩu. Năm ấy nhà tôi không có tết". Rồi vài
năm sau, khi toàn quốc bắt đầu kháng chiến, quân Pháp kéo lên bờ bên này
sông Đuống, người dân làng Hồ phải lũ lượt gồng gánh di tản. Riêng cậu
bé Sam, đồ đạc trong nhà bỏ lại cả, chỉ gánh theo những bản khắc gỗ in
tranh . Ông Sam xót xa: "Sau chiến tranh, hòa bình lập lại, kể cả lúc
cuộc sống dễ thở hơn nhưng chưa năm nào làng tổ chức lại chợ tranh vào
dịp tết như xưa. Không ngờ phiên chợ tranh tết năm Dậu đói kém lại là
phiên chợ tranh cuối cùng của đời tôi".
Sống, chết cũng phải giữ nghề
Ông
Sam nói: "Bao nhiêu năm trời tôi chờ cơ hội hồi phục làng tranh. Cơ
hội rồi cũng đến, năm 1967, tôi được Sở Văn hóa tỉnh Hà Bắc (cũ) mời
lên bàn kế hoạch khôi phục dòng tranh dân gian truyền thống Đông Hồ.
Trên đường về mà lòng vui phơi phới với hi vọng làng tranh sẽ được sống
lại".
Một tổ hơn 50 người toàn có nghề cả được ông Sam nhanh
chóng tuyển chọn, tập hợp đem theo cùng hàng nghìn bản khắc gỗ cổ năm
xưa gìn giữ thành lập một hợp tác xã sản xuất tranh. Sau đó là những
ngày, người làng Hồ thấy ông Sam "ăn cùng tranh, ngủ cùng tranh" để
"truyền lửa" cho các anh em khác. Tranh Đông Hồ được khôi phục dần,
nhiều hộ trong làng cũng theo đó mà quay trở lại nghề xưa. Những bức
tranh đậm màu dân tộc: Đám cưới chuột, Đàn lợn âm dương, Gà trống, Đánh
ghen, Vinh hoa - phú quí... với những đường nét truyền thống được sống
lại .
Nhưng niềm vui của "chủ nhiệm Sam" chẳng được lâu. Đến
năm 1990, cơ chế thay đổi, tranh khó tiêu thụ, người trong nước cũng
không mặn mà lắm với thú chơi tao nhã treo tranh ngày tết, hợp tác xã
tranh làng Hồ phải tự giải tán. Nhiều nhà làm tranh đem những ván khắc
ra đóng chuồng gà hay đem đun. "Không thể để vốn quí của làng cũng là
vốn quí của dân tộc mất đi" - ông Sam tự nhủ . Ông và một số nghệ nhân
khác như Nguyễn Đăng Chế, Trần Nhật Tuấn... đi từng nhà vận động thuyết
phục người dân bán lại những bản khắc ấy.
Riêng ông Sam đã
lưu lại được hơn 600 bản khắc cổ và sáng tạo một số bản khắc mới vừa
mang tính dân gian và cả tranh hiện đại như Đến hẹn lại lên, Lý Thái Tổ
hạ chiếu dời đô, Múa quạt quan họ, Tấm áo mẹ vá năm xưa... Nhiều khách
du lịch nước ngoài hỏi mua với giá vài chục USD/bản để mang về nước
trưng bày ông cũng không bán. Ông tâm sự: "Khi nào làng tranh trở lại
ngày xưa, tôi xin tặng lại cả cho những người tâm huyết".
Ông
Sam có ba con trai, một người đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ,
hai con trai còn lại ông đều hướng cho nghề làm tranh . Mấy đứa cháu
nội, ngoại lớn nhỏ của ông cũng được ông dạy từng công đoạn làm tranh:
làm giấy, pha màu, in, vẽ... nên cũng thạo nghề . Ông vẫn nói với con
cháu: "Nghề làng cũng là nghề nhà, con cháu trong nhà phải biết làm,
sống chết cũng phải cố giữ lấy nó”. Cơ sở sản xuất tranh của ông Sam
giờ còn là điểm du lịch của nhiều tour du lịch trong và ngoài nước.
Đến
làng tranh Đông Hồ bây giờ, chúng tôi thấy khắp trong làng ngoài xóm,
các ngõ ngách của làng tranh đều có phơi "giấy hồng, giấy đỏ”. Nhưng
không phải là giấy dó làm tranh, mà là giấy để làm vàng mã chuẩn bị Tết
Nguyên đán sắp đến. Ông Nguyễn Đăng Hùng, chủ tịch xã Song Hồ, ngậm
ngùi: "Cả làng bây giờ có tới 90% người dân chuyển sang làm vàng mã,
chỉ còn mấy nhà cố trụ với nghề tranh. Nghề làng có nguy cơ không còn
mà xã cũng chưa tìm ra cách gì”.