Cái
thời tiết giao mùa se se lạnh như thêm phần khích lệ cho tinh thần của
nhóm phóng viên chúng tôi khi đến thăm người nghệ nhân trẻ tuổi - anh
Nguyễn Đình Vinh, ở thôn Hoài Trung - xã Liên Bão - huyện Tiên Du -
tỉnh Bắc Ninh . Hỏi thăm bất cứ ai, từ người lớn trẻ nhỏ không ai là
không biết đến anh. Thật dễ để bạn tìm, trong một xóm ngõ hẹp với cái
biển bé nhỏ treo ở đầu ngõ “Trăm nghe không bằng một thấy” càng làm cho
chúng tôi tò mò hơn nữa về người nghệ nhân này.
Xuống
xe, chúng tôi bước dần vào ngôi nhà của nghệ nhân. Đó là một căn nhà
nhỏ, đơn giản nhưng tôi thấy ngập tràn không khí ấm cúng. Một chàng
thanh niên trẻ tuổi, lịch thiệp và đầy niềm nở tiếp đón chúng tôi vào
nhà. Trong căn nhà ấy, đập vào mắt chúng tôi là những sản phẩm
do chính
bàn tay anh tạo ra, một khung màu trầm nhưng ánh lên những ánh sáng
lấp lánh của những nét hoa văn được khảm nên từ vỏ ốc, vỏ trai biển.
Các vật dụng nội thất như sập, tủ, bàn ghế, các bức tranh, các hoành phi
câu đối … hiện lên trước mắt chúng tôi thật trang trọng với những
đường nét thật sắc sảo, điêu luyện mà chưa bao giờ tôi được nhìn thấy.
Trò
chuyện với anh, chúng tôi như tìm thấy một người bạn tri kỷ. Anh không
ngần ngại tâm sự, cười nói cởi mở những suy nghĩ của mình . Cả đoàn
phóng viên chúng tôi đều thấy bất ngờ và thán phục về câu chuyện của
nghệ nhân trẻ tuổi này.
Anh
sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nổi tiếng với nghề khảm trai truyền
thống: thôn Ngọ - xã Chuyên Mỹ - huyện Phú Xuyên – tỉnh Hà Tây (nay là
Hà Nội), dường như cái nghệ thuật khảm trai truyền thống của làng đã in
sâu vào tâm hồn anh. Anh đam mê nó từ khi còn là một đứa trẻ, đến tuổi
đi học thì anh vừa học vừa tìm hiểu mày mò về khảm. Càng lớn, anh càng
khám phá được nhiều điều tiềm ẩn trong những cái vỏ trai, vỏ ốc tưởng
chừng như vô dụng. Cái mong muốn nung nấu trong anh để trở thành một
nghệ nhân khảm theo truyền thông của làng từ lúc nào anh cũng không hay
biết nữa . Thay vì học đại học, anh quyết tâm học thành nghề cho vững.
Anh may mắn được theo học bác của mình là nghệ nhân Trần Bá Dinh – được
người thôn Ngọ gọi với cái tên kính trọng: người “giữ lửa” cho làng.
Anh đã rất say mê và quyết tâm học thành tài từng ngày từng ngày.
Anh
tâm sự tiếp. Quê ngoại anh là vùng đất Kinh Bắc: Tiên Du – Bắc Ninh mà
vốn không mấy ai biết đến cái nghề khảm trai truyền thống. Anh nảy ra ý
tưởng về quê ngoại gây dựng và tạo lập một cơ sở khảm trai cho riêng
mình. Với những kinh nghiệm , những kỹ năng đã được tích luỹ trong nghề,
anh đã có một cơ sở riêng với nhiều những sản phẩm lớn, tinh xảo và
nghệ thuật. Anh chia sẻ: “Nghề khảm trai không đơn giản chỉ là nghề đục
đẽo, lắp ráp theo một khuân mẫu nhất định. Mà để có được một sản phẩm
khảm trai theo đúng nghĩa của nó còn là cả một nghệ thuật. Người thợ
khảm phải trải qua nhiều công đoạn, phải có kỹ năng, kỹ nghệ, óc sáng
tạo, tưởng tượng và quan trọng nhất là tâm huyết với nó thì mới có thể
tạo ra được những bức tranh nghệ thuật tuyệt mỹ đến như thế.” Chúng tôi
thán phục người thanh niên trẻ, và còn cảm phục hơn vì những gì anh
làm được cống hiến cho quê hương mình. Anh đã lại truyền dạy nghề cho
những người có niềm say mê với khảm trai, tạo công ăn việc làm cho rất
nhiều người trong thôn, và đặc biệt hơn là anh đã truyền dạy được thành
nghề cho hai người thợ câm điếc. Chúng tôi tin rằng, những việc làm ý
nghĩa đó không phải ai cũng có thể làm được.
Chúng
tôi còn biết, anh không hề được qua bất kỳ một trường lớp hội họa nào,
anh chỉ nghĩ đơn giản rằng: “học thầy không tày học bạn”, anh học mọi
lúc, mọi nơi, học qua bạn bè, qua sách vở. Đi đâu, đến đâu, hễ cứ thấy
tranh ảnh đẹp, báo chí hay là anh mua về và nghiên cứu vận dụng … Rồi
trồng cây cũng đến ngày hái quả, anh đã vinh dự được phong tặng Sản
phẩm tinh hoa làng nghề cho sản phẩm “Ảnh khảm trên nền đồng chân dung
Bác Hồ”. Trên tường nhà anh treo nhiều những bằng khen của các hiệp hội
phong tặng, anh có thêm động lực để sáng tác những tác phẩm ý nghĩa
mới.
Anh
tiếp chuyện: “2010 là một năm ý nghĩa với toàn thể dân tộc Việt Nam,
và hướng tới kỷ niệm đại lễ ngàn năm đó , anh nhất quyết phải hoàn thành
xong sản phẩm mang dấu ấn hùng thiêng ấy.” Chúng tôi gặng hỏi và được
biết, hiện nay anh đã hoàn thành xong tấm chấn phong “Thiên đô chiếu”
(hay Chiếu dời đô) – chiếu lời ý chỉ của vua Lý Thái Tổ khi chuyển kinh
đô nước Đại Việt ta từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Hà Nội ngày
nay) . Khi thuyền vua đến dưới thành thì có điềm tốt: con rồng vàng bay
lên, vì thế nhà vua đổi tên thành là Thăng Long.
Vậy
tại sao anh lại thực hiện tác phẩm “Thiên đô chiêu” này? - Phóng viên
chúng tôi hỏi tiếp. Anh từ tốn: “Thiên đô chiếu không chỉ có ý nghĩa về
mặt văn hóa, kinh tế chính trị, xã hội, địa lý …
mà nó còn có ý nghĩa lớn lao, sâu sắc và đi sâu vào trái tim mỗi người
Việt Nam. Tôi muốn toàn thể người dân Việt Nam khi nhìn thấy tấm chấn
phong này sẽ như đang sống trong thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân
tộc. Chúng ta đang sống trong thời bình nhưng chúng ta phải luôn luôn
nhớ tới công lao của các vị vua đã có công xây dựng và bảo vệ đất
nước.” Anh đưa chúng tôi đến quan sát tấm chấn phong, từng đường nét
trạm khảm thật tinh xảo hoàn mỹ. Sản phẩm với chiều cao 205cm và bề
ngang 195 cm được đúc nong hai lượt khung. Bên trong là nền chính sau đó
đến khung và được bao quanh bởi một vòng chiện hóa rồng rất
cầu kỳ, cách điệu và kỹ thuật. Phía trên tấm chấn phong là cặp rồng
chầu mặt nguyệt. Thời nhà Lý tượng trưng niên đại, phần dưới chân được
tạc 5 con dơi tượng trưng ngũ phúc. Toàn tấm chấn phong được trụ trên
thế chân kiềng, mỗi đầu 3 chân rất bệ vệ và vững chắc. Phần chữ của
“Thiên đô chiếu” được khảm bằng chất liệu ốc sà cừ biển màu hồng của
Singapore được nghệ nhân chọn lựa kỹ lưỡng, công phu với nhiều thời
gian. Đặc trưng nhất của loại ốc này là khi quan sát chúng ở 3 góc khác
nhau thì ta sẽ thấy 3 màu sắc rất khác nhau. Phần gỗ đã được sấy khô,
chọn lọc kỹ lưỡng nên sẽ rất đảm bảo khi thời tiết hanh khô, được những
người thợ đục chạm lành nghề và nhiều kinh nghiệm nhất thực hiện . Còn
phần khảm chữ do chính tay nghệ nhân đảm nhiệm, với đường cưa khéo léo,
linh hoạt và tinh xảo cho từng chữ (chữ Hán của nước Đại Việt khi ấy) .
Chúng được gắn bằng chất liệu sơn ta rất đảm bảo độ bền chắc về thời
gian. Toàn bộ chữ của “Thiên đô chiếu” được Học đường phương Nam ông
Trần Đức Cảnh – thành viên hội thư pháp Việt Nam phụng sao lưu bút.
Anh
chia sẻ : “Sản phẩm “Thiên đô chiếu” được tôi thực hiện hết sức tâm
huyết, cẩn trọng về tất cả mọi mặt, về từng công đoạn, từng chi tiết
nhỏ . “Thiên đô chiếu” với 220 chữ trong phần nền mặt gỗ quý hiếm rộng
98x71 cm có thể nói là một công trình to lớn trong sự nghiệp của tôi.
Sắp tới, sản phẩm sẽ được trưng bày trong Bảo tàng Bắc Ninh nhân dịp
Festival Bắc Ninh 2010. Sản phẩm này sẽ đem đến cho người chiêm ngưỡng
sự bất ngờ lớn về mặt mỹ thuật cũng như kỹ thuật. Và đứng trước cặp rồng
nhà Lý linh thiêng bay lên chúng ta sẽ cảm nhận được hào khí Thăng
Long thiêng liêng và hào hoa” …
Đoàn
chúng tôi cứ mải ngắm nghía tấm chấn phong, cứ mải trò chuyện với
người nghệ nhân trẻ mà quên lãng cả thời gian. Trong suy nghĩ, chúng
tôi cảm phục anh - nguoi nghe nhan tai hoa xu Kinh Bắc. Chia tay anh
trong câu chuyện còn tiếc nuối, chúng tôi gửi tới anh và gia đình những
lời chúc tốt đẹp nhất, và chúc cho sản phẩm của anh sẽ là một sản phẩm
đạt kết quả cao nhất trong chương trình “Trí tuệ Thăng Long – Hà Nội”