
Công chúng khán giả mến mộ, say mê thưởng thức chương trình hát Dân ca Quan họ trên thuyền.
Người Kinh Bắc ví niềm say mê Quan họ như say trầu, say thuốc. Từ nét nhạc đến lời ca và những lề lối sinh hoạt Quan họ, tất cả đều là khúc ân tình, là tâm hồn, sức sống mãnh liệt của con người nơi đây. Vì thế, người ta say Quan họ không chỉ bởi giọng hát, ở lời đối đáp khôn ngoan, tế nhị mà còn say cái nghĩa cái tình, say lối sống lịch lãm, hào hoa phong nhã để mãi lưu luyến chẳng muốn rời xa...
Quá trình tìm hiểu thực tiễn hoạt động nghệ thuật và giá trị, vẻ đẹp của Quan họ, giới nghiên cứu cho rằng, người Quan họ luôn ý thức rõ rệt lý tưởng sống. Họ cũng sáng tạo nghệ thuật theo sự thôi thúc của lý tưởng ấy, hướng về lý tưởng ấy mà sáng tạo. Lý tưởng ấy là gì? Là sự trân trọng con người, là tình bầu bạn tri âm, tri kỷ rất mực bình đẳng, tôn kính thủy chung son sắt. Cho nên, dù hoàn cảnh biến động thế nào thì họ vẫn luôn trân trọng, giữ trọn vẹn một tình yêu bền chặt với nghề chơi. Đó là cái đắm đuối, cái sức mạnh quyến rũ của những làn điệu dân ca Quan họ chan chứa nghĩa tình.
Năm nay, dịch Covid-19 khiến cho người Quan họ ít có cơ hội gặp gỡ, giao lưu ca xướng mà chỉ có thể chuyên tâm luyện câu, luyện giọng và ca sự tại gia. Song không vì thế mà tình yêu di sản trong họ vơi đi. Tại cộng đồng, nghệ nhân cao tuổi vẫn nỗ lực trao truyền, tinh thần học hỏi, luyện tập của các thế hệ liền anh, liền chị vẫn lan tỏa khắp từ thành thị đến nông thôn. Hoạt động sáng tác, đặt lời mới cho Dân ca Quan họ cũng diễn ra sôi nổi, thăng hoa. Công tác truyền dạy, sưu tầm, phục dựng bảo tồn lề lối, hình thức diễn xướng Quan họ truyền thống vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục.
Liền chị Hán Thị Minh Hậu, Phó Chủ nhiệm CLB Quan họ Yên Mẫn (Phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh) tâm sự: Ngày xưa, vì say mê Quan họ mà các bậc tiền bối vượt qua mọi khó khăn, nơi hát dù ở xa mấy cũng đi, mưa bão cũng đi, ngay cả khi vừa trải qua những ngày lao động nhọc nhằn song đã vào canh hát là có thể ca thâu đêm suốt sáng, ca không biết mệt mà còn tiếc “đêm ngắn tình dài”... Bây giờ chúng tôi là thế hệ hậu bối cũng vậy, đã “trót nhời hẹn với ba sinh” thì “dẫu rằng mưa Sở gió Tần cũng qua”. Dù ốm yếu mệt mỏi, thậm chí còn phải tiêm thuốc hàng ngày nhưng hễ được cùng chị cùng em xướng ca, đối đáp ân tình ân nghĩa là tự nhiên tươi tỉnh, thấy như khỏe ra. Quan họ ngấm vào máu rồi, thế nên dăm bữa nửa tháng mà không được hát, không được chơi Quan họ là nhớ nhung, buồn bực bứt dứt trong lòng...
Chẳng riêng ở Yên Mẫn mà liền anh, liền chị khắp vùng Quan họ đều chung niềm đam mê, đắm đuối nghĩa tình như thế. Cứ quan sát một canh hát Quan họ sẽ thấy trong bức tranh toàn cảnh đó, liền anh, liền chị chăm chút từ những điều rất nhỏ như miếng trầu cũng phải làm sao “bổ miếng cau, lạng miếng vỏ cho mịn đường dao”; chén nước Quan họ cũng làm sao cho “thoang thoảng hoa sói, hoa ngâu, hoa nhài”. Quan họ nói năng cùng nhau không phải chỉ là những “lời nói hữu tình” mà còn là “nhời ân, nhời nghĩa”, “giọng thanh, nhời lịch”. Cử chỉ, phong cách cũng phải mang cốt cách của “anh Hai như trúc mọc ngoài trời” và “chị Hai như tấm vóc nhuộm hồng”. Quần áo của Quan họ kể cả khi xưa còn mặc nâu sồng thì cũng phải đạt đến cái đẹp của sự nền nã, thung dung, phóng khoáng. Và tiếng hát Quan họ phải là tiếng hát “càng về khuya càng vang, càng nẩy, càng bổng, càng rền, càng mặn nồng tình nghĩa”... Mỗi người đều phải cố gắng đem đến cái đẹp, cái hay, cái tốt cho nhau trong một quan hệ bình đẳng, tự nguyện, gắn bó cùng nhau.

“Em đi khắp bốn phương trời/Chẳng đâu lịch sự bằng người ở đây!”. Thật vậy, người thiên hạ vẫn thường ngưỡng mộ rồi truyền nhau rằng, có một kiểu người “có văn hóa” được mệnh danh là “người xứ Bắc”. Trong hàng chục thế kỉ, sống giữa môi trường thiên nhiên ưu đãi, được đào luyện trong không gian sống thuận lợi, tốt đẹp nên tâm hồn của người đất Kinh Bắc lành mạnh, phong phú, đa dạng và tinh tế. Sự tinh tế ấy ngưng đọng, kết tinh và biểu hiện sinh động trong đời sống thường nhật. Qua thời gian, họ luôn nêu cao tinh thần sáng tạo về mọi mặt văn hóa, tư tưởng, kinh tế, ngoại giao, quân sự... Họ tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần độc đáo, góp phần làm nên truyền thống dân tộc, mở đường cho nhiều loại hình văn hóa xâm nhập và góp phần thúc đẩy nó phát triển.
Các thế hệ hôm nay vẫn luôn biết ơn những “người nghệ sĩ Quan họ”, những tác giả - thiên tài sáng tạo dân gian đã làm cho Quan họ được sinh ra và phát triển rực rỡ. Tin rằng, vẻ đẹp lấp lánh trường tồn cùng sự mến mộ trân quý của cộng đồng, di sản văn hóa Quan họ mãi là mạch nguồn dồi dào, góp phần phục vụ nhiệm vụ xây dựng con người văn hóa mới, xây dựng nền văn hóa văn nghệ vừa đậm tính dân tộc sâu sắc vừa giàu tính hiện đại, tạo sức mạnh nội lực đưa quê hương Bắc Ninh vững bước hội nhập toàn diện và phát triển lên tầm cao mới...
Theo: baobacninh.com.vn