VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(36)- Thanh Hoá: Gìn giữ “hồn thiêng” bản mường (Bài 1): - Báu vật dần mai một
(Ngày đăng: 22/09/2020   Lượt xem: 494)

 Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ra đời đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của nhân dân. Tiếp đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ra đời đã tạo động lực mạnh mẽ phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người Việt Nam, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tiếp thu nghị quyết của Đảng, nhận thức sâu sắc những giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, các địa phương miền núi xứ Thanh đã và đang tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hoá nói chung và văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nói riêng. Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng không ít giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS của tỉnh ta vẫn có sự mai một.

Những báu vật vô giá

Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có trên 1 triệu người sinh sống, trong đó đồng bào DTTS có trên 600.000 người, chủ yếu là các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú... Sự đa dạng các thành phần dân tộc ở các huyện miền núi của tỉnh, đã làm hệ thống các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo giàu bản sắc, thể hiện ở các loại hình như: Trang phục, ngôn ngữ, chữ viết, họa tiết, dệt thổ cẩm, khảo cổ, luật tục, cư trú, văn hóa cồng chiêng, diễn xướng dân gian, ẩm thực,...

Trong số các thành phần DTTS, thì người Mường chiếm số lượng lớn, sinh sống chủ yếu các huyện miền núi. Ngoài ra, ở các huyện đồng bằng, trung du cũng có người Mường sinh sông như: Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn... Do có nguồn gốc xuất xứ từ xa xưa và có số dân đông đúc nên người Mường ở Thanh Hóa có đời sống văn hoá tinh thần khá phong phú tiêu biểu như: Văn hóa cồng chiêng, kho tàng văn nghệ dân gian, kiến trúc nhà sàn, trang phục, ẩm thực, phong tục, tập quán, các trò chơi, trò diễn dân gian. Khi nhắc đến những giá trị văn hóa truyền thống của người Mường, không thể không nhắc đến văn hóa cồng chiêng. Chiêng có mặt ở mọi nơi, trong lễ nghi, tín ngưỡng và suốt cuộc đời của mỗi người. Họ quan niệm, hội nào thiếu tiếng chiêng, hội đó không to. Tết nào vắng tiếng chiêng, Tết đấy không sung túc. Ngày vui đôi lứa mà không có cồng chiêng, ngày cưới mất vui. Người về với tổ tiên, ông bà cũng có chiêng đưa tiễn. Chiêng không chỉ giản đơn là một loại nhạc cụ dân tộc, mà ẩn chứa sau đó là câu chuyện văn hóa, tâm linh chan chứa niềm tự hào, tình yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi người con xứ Mường.

Biểu diễn cồng chiêng.

Cũng như người Mường, người Thái xứ Thanh cũng có một kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, với nhiều loại hình nghệ thuật đặc trưng, như: hát khặp, múa cá sa, khua luống, đánh trống chiêng, múa sạp, đẩy gậy, kéo co, ném còn. Cùng với đó, các tục lệ thờ cúng tổ tiên: Cúng trời đất, cúng bản mường và những lễ nghi như: Cầu mưa, cầu mùa, mường Ca da, mường Xia... Ngoài ra, người Thái còn có vốn chữ viết riêng rất sớm, nên người Thái Thanh Hoá đã lưu trữ được kho tàng văn hoá bao gồm nhiều truyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ khá phong phú như: Xống trụ xôn xao; Khun lú; Nàng ửa; Khâm panh, truyện tình Pha dua... Đặc biệt trong đời sống tinh thần người thái bất cứ ở đâu cũng không thể thiếu: Hát khặp, khua luống, ném còn.

Cũng như đồng bào các dân tộc Mường, Thái, đồng bào các dân tộc thiểu số như: Dao, Mông, Khơ Mú... cũng có  kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều thể loại, tạo nên sức hấp dẫn, thể hiện qua truyền thuyết, chuyện kể, chuyện thơ dân gian, hệ thống tín ngưỡng đa dạng, lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp...

Những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trở thành sức mạnh nội sinh để họ vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, cũng như sự hà khắc của thiên nhiên, cùng nhau đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Mai một những nếp nhà

Những năm trước đây, khi các phương tiện thông tin đại chúng chưa phổ biến, các loại hình giải trí chưa đa dạng, phong phú thì đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS ở các huyện miền núi Thanh Hóa là những lễ hội, câu khặp, câu xường, lời ru,... Qua các giá trị văn hóa giúp con người lựa chọn những gì phù hợp với bản sắc văn hóa cộng đồng tạo nên những tập quán, thói quen, những nếp sống đẹp gắn chặt cố kết cộng đồng và khu biệt với các cộng đồng khác. Để từ các giá trị văn hóa tinh thần đó, thúc đẩy đồng bào các DTTS tỉnh Thanh Hóa hăng say sản xuất, đẩy mạnh phát triển KT-XH. Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, các yếu tố văn hóa này đang dần bị mai một. Sự mai một này do rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế kéo theo gia tăng các loại hình giải trí, trong khi thiếu đầu tư nghiên cứu, bảo tồn giá trị văn hóa, cùng những thay đổi về môi trường sống, môi trường văn hóa của đồng bào, bùng nổ thông tin, làn sóng văn hóa ngoại nhập...đã tác động lớn đến việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Không gian văn hóa nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường, Thái  không chỉ là chỗ ở, sinh hoạt của gia đình, mà còn là nơi giao lưu văn hóa tín ngưỡng, cố kết cộng đồng. Thế nhưng, hiện nay nhà sàn cùng nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng dần bị mất đi và kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dần bị phá vỡ. Giờ đây, về nhiều bản làng miền núi xứ Thanh, những nếp nhà sàn đã vắng bóng, thay thế vào đó là những ngôi nhà bê tông thô cứng. Sáng chiều hay đêm xuống, đồng bào Mường, Thái, sinh hoạt theo lối nhà riêng, nét văn hóa cộng đồng trong một ngôi nhà chung đã lùi vào dĩ vãng. Nhà cao tầng hay nhà cấp bốn mọc lên nhiều, điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa cũng như sự phát triển kinh tế hộ gia đình, nhưng sự vắng bóng những ngôi nhà sàn tại các thôn, bản lại cho thấy những khoảng trống về văn hóa truyền thống ngày một lớn ngay chính tại các thôn, bản miền sơn cước.

Xã Lương Ngoại (Bá Thước) có trên 95% dân số là đồng bào DTTS. Những năm trước, khi về đây vẫn còn thấp thoáng những ngôi nhà sàn bên sườn núi, nhưng đến nay nó đã được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng, cấp bốn bê tông, cốt thép vững chắc. Những nếp nhà sàn đã trở nên xa lạ với thế hệ trẻ và trở thành nỗi tiếc nuối đối với các cụ cao niên.

Cụ Trương Văn Thảo (83 tuổi) thôn Măng, xã Lương Ngoại nhớ lại, hồi trẻ cụ cùng các nam thanh nữ tú sau những giờ lao động vất vả, tối đến, trăng lên lại tụ tập tại một ngôi nhà sàn nào đó trong bản cùng chuyện trò về mùa vụ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Nhưng giờ đây, các hộ trong xã xây dựng nhà ở không theo kiến trúc cũ của ông cha nữa, nên nếp nhà sàn đang dần phai mờ trong ký ức của mỗi người dân.

Ông Cao Thượng Xuân - Bí thư Đảng ủy xã Lương Ngoại cho biết: Nhà sàn được coi là biểu tượng văn hóa của người Mường nhưng lại đang lui dần vào ký ức, thay vào đó là những ngôi nhà ngang, nhà tầng hiện đại. Song chính cái sự hiện đại đó lại phá vỡ bố cục, thoát ly khỏi chính tiểu vùng văn hóa đang chứa đựng nó. Do làm nhà sàn bằng gỗ bây giờ tốn kém, nguyên liệu khan hiếm, chi phí cao hơn nhà gạch, nên theo nhiều người nghĩ tốt nhất là làm nhà gạch, hoặc nhà xây “giả” sàn. Tuy nhiên, chúng tôi có thăm dò ý kiến của nhiều thế hệ người dân, đều nhận được câu trả lời là họ rất thích và muốn ở nhà sàn truyền thống.

Ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho hay: Hiện nay, trên địa bàn của huyện những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Thái được thay thế bằng nhà sàn bê tông cốt thép đang ngày càng có xu hướng mở rộng. Không chỉ riêng bê tông hóa, mà các ngôi nhà sàn dù có làm bằng gỗ hiện nay cũng cải tiến hơn nhiều như: mái lợp prôximăng, hai bên chái nhà được làm khác đi... Nếu xu hướng này phát triển mạnh, đương nhiên những giá trị văn hóa truyền thống trong nếp nhà sàn sẽ dần mai một. Bảo tồn và phát huy nếp nhà sàn không chỉ là lưu giữ lại những giá trị văn hoá tốt đẹp cho thế hệ kế tiếp mà còn góp phần không nhỏ tạo nên sắc màu văn hoá riêng biệt cho du lịch của huyện. Nhiệm vụ này không chỉ của các cơ quan chức năng, chính quyền mà cần cả người dân đồng lòng thực hiện.

Cùng với những nếp nhà sàn đang từng ngày vắng bóng, trang phục truyền thống của đồng bào DTTS cũng đang bị mai một. Tỷ lệ người sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình ngày càng giảm, nhất là ở nam giới và người trẻ tuổi. Tìm hiểu thực tế cho thấy, hầu hết trang phục nam của các dân tộc không còn lưu giữ, trang phục của nữ giới còn gìn giữ tốt hơn song người dân cũng chỉ mặc trong các dịp lễ, tết hoặc các sự kiện hoạt động văn hóa của gia đình và cộng đồng. Khi nền kinh tế hàng hóa phát triển, đồng bào dân tộc có thể tự mua vải ở chợ về cắt may trang phục, vừa rẻ, vừa thuận tiện, không tốn như việc nuôi tằm lấy sợi dệt vải. Trong khi đó, để làm ra một bộ trang phục truyền thống theo phương pháp thủ công phải mất cả năm mới hoàn thành. Bên cạnh đó, do giữa các dân tộc có sự giao thoa về văn hóa nên trang phục có sự đổi thay. Công tác lưu giữ, truyền nghề cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm đúng mức.

Thực tế cho thấy, dưới tác động của nền kinh tế thị trường; sự thờ ơ, vô cảm, “quay lưng” lại với nét văn hóa truyền thống của một bộ phận lớn đồng bào DTTS; sự bùng nổ các phương tiện thông tin, giải trí; một số địa phương chưa thực sự coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS... đã khiến những báu vật văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, thậm chí có nguy cơ bị quên lãng. Cần làm gì để những giá trị văn hóa này được trường tồn và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống nhân dân nói chung và đời sống của đồng bào DTTS nói riêng sẽ là câu hỏi lớn đặt ra cho cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân miền Tây xứ Thanh.

                                                       Theo: vanhoadoisong.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.471.279
Tổng truy cập: