Qua rồi, bình tĩnh lại, người ta thường kể, kể say sưa, không ít người ứa nước mắt về cái ngày xưa ấy.
Có người đến giờ vẫn chưa hết sợ hãi và bảo chẳng hiểu sao mình lại đi qua được. Là nghị lực hay chỉ là nước nổi bèo nổi không biết nữa.
Thời mà đáng ra không phải thế, nhưng đã lại được chấp nhận như thế. Gần như ai cũng từng đói, từng lạnh, niềm vui chỉ xoay quanh chuyện cơm áo theo đúng nghĩa đen của nó. Thời của những cái bát mẻ ngự trên chựng, trên mâm.
Những tưởng khi mâm xô, bát mẻ, đĩa sứt thì bát đĩa ấy phải vứt ra bờ rào, rặng tre mới phải. Thế nhưng khi nghèo đói, khốn khó, cái lon, cái phạng sành mua còn khó thì cái bát mẻ chưa thể bỏ được.
Nó sẽ được dùng kì cùng trên cái chựng tre mỗi ngày như chưa từng bị mẻ, dễ dàng gây đứt tay hay rách môi. Người ta điềm nhiên chấp nhận nó với số đông chứ không phải thảng hoặc mới có người dùng thế.
Nghèo nên cái bát mẻ đã chẳng thể vứt đi mà nó vẫn được dùng trong mỗi bữa ăn của gia chủ. Ăn xong rửa, úp lên cái chựng mà phơi nắng sau mỗi bữa ăn đạm bạc. Nhiều nhà cả cái chựng bát phơi có khi chỉ còn một đôi cái lành lặn. Bát mỗi cái mỗi hoa, miệng méo, chôn méo lại mẻ, úp lên cái chựng long chân, tuột dây mây lấn nhìn đã thấy thảm. Cảnh nghèo nhìn thấy mình, thấy người mà khó nói, khó giải quyết.
Vẫn đi làm, vẫn có công điểm, nhưng ăn còn không no bụng, thì lấy đâu tiền mà mua sắm. Thôi thì bát mẻ, bát sứt dùng ráo. Hàng xóm cũng như thế cả, người thành phố cũng vàng mắt vì đói, mong có đất tăng gia trồng cây, nuôi lợn như người quê thì chắc gì đã có cái bát lành mà ăn.