
Nữ nhà văn Thủy Hướng Dương.
Suốt một tuần qua, tôi bị những người anh em Huế vừa share bài, vừa chụp màn hình chửi bằng ngôn ngữ "Dã Thú" với tốc độ share đáng kinh ngạc. Bạn bè tôi trêu: Giờ đây Thủy Hướng Dương không chỉ nổi tiếng là nhà văn viết về Không quân mà còn nổi tiếng vì chê Huế nữa. Tôi cười. Nhiều anh chị còn nói, các anh chị chê Huế suốt mà không sao. Tại em nổi tiếng nên người ta bị chê là tự ti, xấu hổ mới sinh ra phản ứng tiêu cực thế.
Tôi hiểu, nên vô cùng thông cảm. Thậm chí là không chấp những thóa mạ gửi tới Messenger hay Sms. Chỉ tiếc là những người chửi tôi lẽ ra phải là những bậc cao niên, hoặc chí ít cũng từ cỡ tuổi tôi trở lên vì những người đó theo logic sống lâu thì mới có khả năng bảo thủ. Nhưng ai ngờ, những kẻ chửi tôi vì tôi chê Huế u ám, cắm hương vô tội vạ khắp nơi ở ngoài đường, gốc cây, hộc đá, kẽ nứt của tường.... lại toàn là những lứa sinh viên, hoặc tầm 30-35 tuổi. Khi trao đổi với một số lãnh đạo ngành văn hóa cấp Bộ, tôi lấy làm tiếc Huế không có một thế hệ trẻ dám nhìn thẳng vào thực tế để cải thiện tình hình Kinh tế, Du lịch đang chiều hướng ảm đạm nếu nhân lực tương lai là những người chỉ biết chửi ngoa ngoắt, bất chấp lý lẽ, và có tính chất Kích động đám đông.
Họ bám vào chuyện ngày giỗ chung của người Huế nhằm 23/5 âm lịch hàng năm để bao biện cho hành vi cắm hương bừa bãi khắp mọi nơi như tôi đã chê. Xem thêm chi tiết về nguồn gốc ngày giỗ này ở đây: (http://tintuc.hues.vn/nguon-goc-ngay-cung-co-hon-23-thang-5-am-lich-o-hue/)
Khi qua Đại Nội, qua sông Hương, tôi thấy Huế có treo những tấm pano khuyến nghị người dân không ném Vàng Mã trên đường. Tôi đã khen, Huế làm được như này là văn minh hơn rồi đó...
Nhưng càng đi vào những con phố nội thành Huế thì càng thấy người ta cúng, hành lễ rất rườm rà. Khách đang ăn trong nhà hàng thấy bà chủ cầm nắm hương đi ra đi vô tới dăm bảy lần, vừa đi vừa lẩm nhẩm khấn vái.... Dù rất hiểu nguồn gốc cúng tế tháng 5 nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Huế, cần bỏ bớt các hủ tục cúng tế rườm rà, rất phản cảm. Vì người ta không chỉ cúng có mỗi ngày 23/5. Mà gần như ngày nào trong tháng 5 âm lịch, họ cũng cúng và chân nhang thì ở khắp mọi nơi.
Con số 1500 người chết ở Cửa Đông Ba năm 1884 ngày ấy, dân Huế tri ân, cúng giỗ, tưởng nhớ là đúng. Rất đúng. Nhưng có nhiều hình thức khác phù hợp, văn minh và vẫn bảo đảm Tính Tri Ân, Tưởng Nhớ về mặt Tâm linh.
Những người làm văn hóa, những nhà nghiên cứu văn hóa đều chắc hẳn đã có nhiều bài viết ủng hộ tôi. Họ cho rằng hãy yêu Huế bằng những hành động thiết thực. Tại sao không làm cho Huế sáng trong, mộng mơ như bài hát mà cứ phải làm cho Huế u tịch, ảm đạm? Bằng hành xử kém lịch duyệt của (một số) người Huế trẻ yêu Huế hồ đồ?
Đất Thần Kinh (Kinh Đô) triều Nguyễn vang danh một thuở lẽ nào chỉ còn ở trong sách giáo khoa? Đã đến lúc phải trả lại cho Huế những nét đẹp vốn dĩ mà Huế chứa đựng trong Huế bao đời. Không thể để Huế mất đi vẻ dịu dàng, ân tình vì những người trẻ Huế đang “truy sát” tôi bằng những lời lẽ "Dã Thú", vì những gì đang diễn ra tại Huế hôm nay. Vì Huế cần phải đẹp và phát triển hơn nữa.
Theo: vanhien.vn