VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Trăn trở nghề làm cốm ở Mễ Trì
(Ngày đăng: 16/10/2012   Lượt xem: 640)

Bên cạnh cốm làng Vòng, ít ai biết Hà Nội còn có một ngôi làng khác có nghề làm cốm truyền thống hơn một thế kỷ nay.

Moi thuong thuc com.JPG

Mời thưởng thức cốm trong Ngày hội văn hoá làng cốm Mễ Trì năm 2012

Bao đời nay cốm đã trở thành một thức quà thanh nhã và tinh khiết của người Tràng An, một nét văn hóa riêng của mảnh đất Hà Thành.

Nhắc tới cốm Hà Nội, ai cũng nhớ ngay đến Cốm làng Vòng. Nhưng ít ai biết đến Hà Thành còn có một ngôi làng khác cũng nổi tiếng với nghề cốm gia truyền. Đó là cốm Mễ Trì (Từ Liêm - Hà Nội). Tồn tại suốt hơn một thế kỉ qua, tuy nhiên đến nay cốm Mễ Trì vẫn chưa có được một thương hiệu riêng cho mình. Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa, nghề làm cốm gặp phải nhiều khó khăn và đang trên đà mai một dần.

Cốm- món quà tinh tế của mùa thu

Cốm được làm từ nhiều loại lúa khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là lúa nếp cái hoa vàng trong cả hai mùa lúa chiêm và lúa mùa. Thông thường, người ta thường hay chọn lúa mùa (từ khoảng rằm tháng 7 âm lịch đến hết tháng 9 âm lịch) để làm cốm. Nhưng vào tháng 4 tháng 5 âm lịch, cánh đồng Gôi ở Dich Vọng - Từ Liêm đã gặt lúa sớm nên Mễ Trì có thêm mùa cốm nữa vào những ngày đầu hạ.

Cho com dem.JPG

Chợ cốm đêm

Bà Nguyễn Thị Thụ, người làm cốm lâu đời ở Mễ Trì cho biết quá trình làm cốm bắt đầu bằng việc đi gặt lúa non về, ngồi nhặt rồi tuốt ra bằng máy. Sau đó, cho lúa vào thùng to đãi, bao nhiêu hột chắc thì vớt ra để ráo nước, nhóm lò củi cho vào vạc rang, vê cho giòn vỏ rồi đổ ra nia cho nguội. Sau khi lúa rang đã nguội thì xát vỏ rồi giã. Để ra được một mẻ cốm 40-50kg thì mất cả ngày công, khoảng 7-8 tiếng đồng hồ. Bà Thụ tâm sự nghề này bây giờ vẫn chỉ lấy công làm lãi, làm cả yến thóc mới lãi được 100-200.000.

Điểm khác biệt so với cốm làng Vòng nổi tiếng là cốm Mễ Trì làm bằng lúa chiêm nên hạt cốm mỏng, nhưng dẻo và rất thơm. Theo bác Nguyễn Hữu Thi (78 tuổi, Chi hội người cao tuổi thôn Hạ, Mễ Trì), vì đất đai đồng ruộng ở đây tác động đến chất gạo, cho nên quá trình làm ra hạt gạo cũng đã được xa xưa công nhận là gạo tiến vua, gạo tám, gạo dư hương. Từ đó, loại nếp ngon, nếp cái hoa vàng giúp dân ta lúc khó khăn phát triển thành nghề làm cốm tại quê hương. So với ngày xưa làm thủ công, bây giờ có sử dụng cơ giới hóa trong quá trình thu hái, vận chuyển, hệ thống chảo rang bằng điện, máy xay xát vỏ…, nhưng nếu ở độ tuổi cốm tốt nhất, giữ nhiệt chín đều thì vẫn giữ được sản phẩm chất lượng tốt.

Vất vả giữ nghề

Gia đình anh Đỗ Hiệp (xóm 2, thôn Mễ Trì Hạ) làm cốm đã ba đời. Trước đây nhà anh trồng lúa rồi gặt về làm lấy, còn giờ phải đi mua tận Vĩnh Phúc, thậm chí cả ở Bắc Ninh… Để có một mẻ cốm ngon, người thợ phải thực sự khéo tay và tinh tế. Mỗi mùa cốm về cả nhà anh Hiệp lại tập trung toàn bộ nhân lực để kịp làm hàng, thu nhập mỗi người được khoảng 150-200.000 một ngày.

Tai hien quy trinh lam com.JPG

Tái hiện quy trình làm cốm

Theo các hộ dân ở Mễ Trì, đa phần đều muốn gắn bó với nghề làm cốm, vừa có thêm thu nhập, vừa giữ được nghề truyền thống. Có những hộ gia đình làm cốm từ 3-4 đời, song do cơ chế thị trường, người dân không còn ruộng cấy, đất đai thu hẹp, họ đành chuyển sang kinh doanh nhà cửa cho thuê, vừa kiếm tiền nhanh, vừa không cần xốc vác, vất vả. Vừa qua chính quyền thành phố Hà Nội, huyện Từ Liêm cũng đặt vấn đề khôi phục làng nghề cốm Mễ Trì, nhưng các hộ dân khẳng định: muốn giữ được nghề truyền thống thì phải có cơ sở, có diện tích để làm nên các phân xưởng, gia đình nào không có 150-200m2 thì làm cốm rất vất vả.

Hơn một năm trước, vụ bê bối cốm dùng hóa chất để nhuộm màu đã khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cốm được tiêu thụ.

Xuất phát từ thực trạng trên, vừa qua, từ ý tưởng của nhóm bạn trẻ trong tổ chức quốc tế SIFE (Trường đại học Kinh tế Quốc dân),
Ngày hội văn hoá làng cốm Mễ Trì năm 2012 đã được tổ chức, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu cốm Mễ Trì. 
 

Ông Đỗ Danh Lộ, trưởng thôn Mễ Trì Hạ cho hay, hiện trong làng chỉ còn khoảng 30 hộ còn kế tục nghề làm cốm. Nhưng không phải ai cũng biết cách để giữ nghề, giữ thương hiệu, họ tự làm tự cung cấp tự tiêu thụ. Quan trọng nhất là người dân cần được sự hỗ trợ từ các cấp ngành ở Trung ương và địa phương, để cốm Mễ Trì thực sự có được một làng nghề riêng.

Ông Lộ nói: “Sau khi xảy ra sự cố năm 2011, chính quyền vào cuộc quan tâm, dành 2 ngày mời y tế huyện Từ Liêm và Sở y tế TP Hà Nội về kiểm tra nhưng rất may là các hộ thôn Mê Trì Hạ không hộ nào vi phạm về an toàn thực phẩm. Mong muốn nhất của chúng tôi là chính quyền địa phương dành quỹ đất để nông dân làm tập trung, thứ 2 chính quyền vào cuộc thành lập làng nghề hoặc hiệp hội làng cốm Mễ Trì, thứ 3 là mong muốn có thương hiệu cốm Mễ Trì riêng ”.

Cho dù có thu nhập, có tâm huyết giữ nghề, nhưng nhiều người giữ lửa cốm ở Mễ Trì vẫn buồn. Phần vì giờ làng vắng tiếng chày giã, phần vì thương hiệu cốm Mễ Trì gần như rất ít người biết đến. Anh Hiệp cũng khẳng định nếu được trợ giúp cho ngành nghề, thì anh cùng gia đình quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống./.

Theo vov

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.518.641
Tổng truy cập: