VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(36)- Ba trăm năm làng Đọ
(Ngày đăng: 03/05/2020   Lượt xem: 268)

Con đường đến làng Đọ đi từ trung tâm TP Thanh Hóa về hướng Bắc là 7 cây số. Làng Đọ thuộc xã Thiệu Khánh, H. Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chuyện kể là từ ngàn năm trước, có một vị tiên từ trên trời bước xuống trần gian, khi đó làng Đọ chỉ là một vùng đất hoang vu. Vị tiên đã dừng chân lại trên núi Đọ, in dấu chân mình lên đó. Đến nay, trải cả hơn 300 năm hình thành và phát triển, làng Đọ dựa vào ngọn núi Đọ ấy vẫn còn nguyên vẹn dấu chân cổ tích kia.

Đường vào làng Đọ. 

Làng gắn liền với núi Đọ. Đây là ngọn núi khá hiếm hoi xuất hiện ở giữa đồng bằng hạ lưu châu thổ sông Mã, núi cao 168 m, hình thành khoảng 120-125 triệu năm. Dưới chân núi vẫn còn dấu bàn chân tiên 0,8x0,4 mét mà truyền thuyết đã dẫn dắt. Người làng Đọ bảo rằng những đôi lứa yêu nhau cùng chồng dấu chân lên đó mà thề ước thì chẳng bao giờ lìa xa nhau. Cận kề dưới chân núi Đọ là núi Vồm như một hòn non bộ bao quanh là mênh mông lúa. Cạnh đó là ngôi chùa Vồm nổi tiếng được xây lên từ thời Lê, ngôi chùa cổ còn giữ được nhiều nét của kiến trúc chùa cổ Việt, có một pho tượng Phật lớn nhất ở nước ta được tạc vào vách núi. Vào năm 1960, các nhà khoa học đã phát hiện trên sườn núi Đọ những di vật của người nguyên thủy thuộc sơ kỳ thời đại đá cũ gồm: rìu tay, công cụ gần rìu tay, công cụ chặt thô, hạch đá, các loại mảnh tước được tách ra từ quá trình ghè đẽo, chế tác công cụ. Các di vật này đều được chế tác từ loại đá gốc bazan có sẵn ở đây, và xác định chúng có niên đại hơn 30 vạn năm. Ngoài ra, nơi phía đông- nam của núi Đọ là nơi đã phát hiện được khu mộ táng cổ thuộc giai đoạn Hán- Đường- Lục Triều. Từ các mộ táng cổ này đã góp thêm nhiều tư liệu phong phú trong việc nghiên cứu thời kỳ giao thoa văn hóa Hán- Việt ở khu vực châu thổ sông Mã.

Những con đường đi đến làng Đọ đều quanh co, những tán cây cổ thụ bên những ngôi nhà rất cổ. Làng dưới chân núi Đọ này có thể coi như là nơi khai sinh của người Việt cổ từ những phát hiện của các nhà khảo cổ. Đặc tính người dân ở đây là vẫn giữ nguyên nếp nhà, hiếu khách, sống nhà liền nhà, ao liền nhau, vui tươi. Nhiều du khách và nhiếp ảnh gia đã chọn làng Đọ như một điểm khám phá riêng trong hành trình đến Thanh Hóa.

Còn tôi, cuộc hành trình đến làng Đọ như cảm nhận riêng, nhẹ tênh lòng bước trên con đường quê giờ khá đẹp bởi đều được đổ bê-tông. Đường trong làng thoắt ẩn, thoắt hiện, những bức tường nhà loang lổ theo thời gian, có tường bám rêu phong như chứng tỏ thời gian đã đi qua rất lâu. Cảm giác đi trong làng như đang bước chậm về quá khứ, nhẹ nhàng lắng nghe âm thanh của tiếng cười khẽ, tiếng nói chuyện thầm thì và cả tiếng chân người đang bước. Đó là cảm nhận khó có được ở bất cứ làng quê nào.

Tôi vào làng, gặp những sân nhà chất đủ loại vật liệu dùng đun bếp như rơm rạ, bã mía, cây bắp khô. Giếng nước trong các nhà cũng rất cổ. Đập vào mắt khách là hình ảnh một cụ già rất đậm chất Việt ngồi bên giếng nước giặt đồ. Những đứa trẻ làng Đọ, dễ thương, hồn nhiên chơi những trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, trốn tìm khi nắng chiều bắt đầu nghiêng về. Các em đùa vui bên những chiếc cổng xưa, bên bức tường in dấu trăm năm.

Trẻ em làng Đọ.

Tôi bước chân vào nhà bà Mao. Bà chào đón như thể tôi là người quen. Đó là tính hiếu khách của người làng Đọ khiến cho rất nhiều du khách quyến luyến, dẫu chỉ tò mò ghé qua. Chiếc chiếc được trải ra trước hiên nhà của bà Mao, theo bà thì ngôi nhà cũng đã trên 200 năm tuổi. Nhà cất theo kiểu đồng bằng Bắc Bộ, luôn có chái ngang để ở và sinh hoạt chung gia đình. Những nét chạm trổ kèo cột như vẫn còn trọn nơi này quá khứ xa xưa. Bà Mao rất tự hào vì đã sống ở miền đất này. Bà bảo: "Yên tĩnh và nhẹ nhàng, Làng quê gắn bó với nhau như anh chị em một nhà". Sự gắn bó xóm giềng ấy gần như đã phai nhạt rất lâu rồi ở nhịp sống đô thị.

Đến làng Đọ, gặp những con người như bà Mao, rồi tiếp tục bước vào từng cánh cửa nhỏ. Gặp những hồ nước khá độc đáo xây rất lâu. Những hồ chứa nước mưa ấy có hình chữ nhật, mái che đúc xi-măng vòm cung là chỗ chứa nước sinh hoạt. Đặc trưng khá hiếm nơi nào có được là chuồng bò thường đặt trước nhà, thay vì phía sau như nhiều nơi. Anh Linh, một thanh niên trong làng giải thích với tôi bởi vì vật giá trị nhất của mỗi gia đình chính là con bò. Việc để chuồng bò trước nhà sau một ngày chúng ra đồng cùng người là sự quý giá tài sản của gia đình, và dễ dàng để mắt tới chúng.

Tất nhiên, ở làng Đọ không phải chỉ có bao nhiêu điều đó. Dừng chân, khẽ bước chậm nghe âm thanh quá khứ quê tràn về. Hoặc ở lại khi đêm buông xuống, cảm nhận một đêm lạ, rất lạ trong đời mình ở nơi này. Những con đường quê nho nhỏ chen trong tường cổ, nhà cổ chỉ có ánh đèn trong nhà hắt ra, rất lạ. 

                                                           Theo: cadn.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.459.933
Tổng truy cập: