VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Mênh mang bến chiếu
(Ngày đăng: 16/10/2012   Lượt xem: 915)

"Hò ơ... Ai về xứ chiếu Định Yên Chợ ma là nét rất riêng Lấp Vò". Nửa khuya, chú Tư Đời (người làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), ngồi trên chiếc chõng tre hào sảng cất giọng nghe man mác, không biết gió đưa bao xa mà bên kia sông dường như có tiếng hò lơ đáp lại, thoảng trong gió, điệu hò lúc lảnh lót, lúc tựa như xa lắm.

4299-(1).gif

Đêm ở chợ chiếu Định Yên .

Đầu hôm sau, buổi cơm chiều, tôi lân la gợi chuyện với chú Tư Đờn về nghề chiếu xứ này. Ngồi trên bó lác một người ôm không giáp tay, chú rút cọng lác bẻ gập lại áng chừng độ giòn, dẻo, rồi tường tận như người thầy tận tâm truyền nghề, chú kể: Nguyên liệu chính để làm nên chiếc chiếu là đay và lác. Cọng lác (cói) dài khoảng độ 1,6m màu trắng ngà hoặc nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng; sợi đay làm từ cây đay (bố) sau khi lột vỏ, cạo sạch phơi khô rồi se nhỏ, quấn thành từng cuộn dùng làm khung để cọng lác đan qua dệt lại, dần dần nên hình chiếc chiếu. Có hai loại chiếu: Giữ nguyên màu trắng ngà của sợi lác, không trang trí hoa văn là chiếu trơn; kế đến là chiếu màu, in các loại bông, trái hoặc in các hoa văn, họa tiết. Nhưng đẹp và sang trọng nhất vẫn là loại chiếu dệt màu như chiếu vảy ốc, con triện, con cò, trà niên... từng nổi tiếng khắp vùng bởi cách phối dệt màu trang nhã, công phu. Loại chiếu này thường chỉ dùng vào những dịp trang trọng như lễ tết, cưới hỏi hay giỗ chạp... Dùng xong giặt sạch phơi khô, xếp gọn cất để dành; còn thường nhật thì dùng chiếu trơn hoặc chiếu in màu trong các sinh hoạt hàng ngày.

Bên khung dệt máy xoành xoạch, chị Ba Lài thoăn thoắt xỏ từng cọng lác sắc màu khác nhau vô con thoi, phải lanh tay, lẹ mắt xỏ cọng lác thật nhuần nhuyễn thì phối màu hoa văn mới đúng và đẹp. Theo lời chị Ba Lài: "Hồi xưa mần cực lắm, phải hai người phối hợp mới dệt nên tấm chiếu; người xỏ thoi, người kéo sợi dập khung lê la cả ngày dưới đất. Nay, dệt máy khỏe ru à. Mình tui trung bình mần mỗi ngày từ 5 tới 8 cặp, tùy theo đơn hàng. Tiền công do dệt chiếu mang lại cũng đủ nuôi con ăn học tới nơi tới chốn".

Trời dần khuya, gió xào xạc trên ngọn dừa như vẫy gọi, chú Tư Đờn rổn rảng kể chuyện đời sông nước, về ruộng lúa, con trâu, cái cày đến thời kỳ đổi mới có máy gặt đập liên hợp đỡ đần công việc đồng áng, bà con rảnh rang hơn nên nghề dệt chiếu dần thịnh lên. Thêm vài tuần rượu đưa cay, chú Tư Đờn vẫn tỉnh rụi tiếp câu chuyện vì sao xứ chiếu này lại có tên Chợ âm phủ: Chung quy cũng bởi chợ họp lúc nửa khuya, thương thuyền ghe lái tranh thủ con nước để cắm sào neo lại. Bến thuyền tấp nập bán mua kéo dài độ vài ba tiếng đồng hồ, đến lúc con nước lên thì cũng là lúc chợ tan. Chợ hình thành đã hơn trăm năm, từ hồi tui còn "vận tà lỏn" tắm sông đã có chợ rồi. Hồi đó, quan Tây và mấy ông Hương chức thu thuế cao lắm, nhất là bà con mình mần nghề buôn bán kêu trời không thấu, dần dà mọi người chuyển sang họp chợ vào ban đêm cũng là tránh sưu cao thuế nặng là "dzậy".

Chú nhớ lại. Những năm thập niên 1980 - 1990, thuở đó ban ngày bà con bận bịu việc đồng áng, dệt chiếu chỉ là phụ. Dần dà nghề chiếu thịnh hơn, tuy nhiên, dệt chiếu vẫn phải làm bằng tay trên khung dệt đơn sơ, chiếu thành phẩm sợi thưa, không nhặt như bây giờ, năng suất thấp lại không bền đẹp nên có lúc làng chiếu xác xơ khung dệt. Kể ra nghề dệt chiếu công việc không nặng nhọc là mấy, nhưng đòi hỏi tính cần cù, nhẫn nại, khi đó người dệt giỏi lắm chừng 3-4 chiếc mỗi ngày. Nay với khung dệt máy, nghề dệt chiếu của bà con cũng đỡ vất vả hơn. Chiếu xuất xưởng ngày càng bền đẹp, tỏa đi khắp nơi, lại còn đóng gói, bao bì kỹ càng, đẹp đẽ sang các thị trường trong khu vực như Cam-pu-chia, Thái Lan, Lào. Đặc biệt, có những đơn hàng đưa thương hiệu chiếu Định Yên sang Châu Âu, Nga, Hàn Quốc nữa.

Định Yên, quê hương của những cánh đồng lúa bạt ngàn, những vườn cây ăn trái trĩu quả; ngoài việc đồng áng, còn có nghề dệt chiếu. Tuy nghề dệt chiếu có lúc thịnh, lúc suy. Cùng năm tháng qua đi, chiếu Định Yên vẫn trở về với nguyên nét xưa, sợi cói đời người.

Theo báo biên phòng

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.518.806
Tổng truy cập: