VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Mượt mà điệu dân ca Sê Đăng Sơ Đrá
(Ngày đăng: 15/10/2012   Lượt xem: 701)

Tiềm tàng trong vốn cổ các dân tộc bản địa Tây Nguyên là di sản văn hoá đồ sộ của cha ông từ ngàn xưa để lại. Dân ca Sê Đăng Sơ Đrá là hòn ngọc quí trong kho tàng vô giá đó, đang được khôi phục, toả sáng trên các sân khấu ca múa nhạc dân tộc, liên hoan dân ca, dân vũ của cả nước.

ThumbnailSizeOrigin.aspx.jpg

Tiếng hát giao duyên

Người Sê Đăng Sơ Đrá vùng Đắk Hà, tỉnh Kon Tum có truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có đôi trai gái làng yêu nhau nhưng bị dân làng, cha mẹ hai bên ngăn cấm. Tuyệt vọng họ ra bờ sông, tìm đến cái chết để được sống với nhau ở thế giới bên kia. Bỗng nhiên họ nghe một giọng hát du dương nổi lên, bài hát kể về hạnh phúc lứa đôi nơi trần thế, và những lời tha thiết, nỉ non, thuyết phục cha mẹ, dân làng chấp nhận cuộc hôn nhân trái luật tục.

Đôi trai gái nghe say sưa và thuộc làu những câu hát ấy. Trước khi bài ca kết thúc, họ thấy một con cá lớn bằng người thật quẫy đuôi rồi chìm xuống đáy sông. Bằng lời ca từ con cá thần này, họ đã thuyết phục được cha mẹ, dân làng cho cưới nhau và sống hạnh phúc đến trọn đời.

Từ đó, đã ra đời làn điệu ting tinh, hát đối đáp, bày tỏ tình yêu của các đôi trai gái. Ngày nay ngoài ting tinh, người Sê Đăng Sơ Đrá còn có nhiều làn điệu dân ca khác, như hát hnhong, hát giao duyên, hát cheo, hát ru, nhưng ting tinh và hát giao duyên vẫn được người dân ưa thích nhất.

hat1.jpg

Hát ting tinh trên nương rẫy

Bài hát dựa vào nền nhạc các làn điệu cồng chiêng. Nội dung đề tài rất phong phú nhưng chủ yếu vẫn là tình cảm lứa đôi, tình yêu quê hương, núi rừng, được các đôi nam nữ đối đáp để góp vui, quên đi mệt nhọc khi lao động, để trai gái tìm hiểu, kết bạn vào những dịp gặp gỡ, những đêm lễ hội. Cùng là hát đối đáp nhưng ting tinh mang tính ngẫu hứng, thi thố tài năng giữa các đôi trai gái, giữa làng này với làng khác, kết thúc cuộc chơi bao giờ cũng có kẻ thắng, người thua; Hát giao duyên mang tính biểu diễn, ca từ trau chuốt và có bài bản hơn.

Ngày trước, ở các thôn làng Sê Đăng Sơ Đrá của tỉnh Kon Tum hầu như ai cũng biết hát ting tinh, hát giao duyên, nhất là trai, gái khi đến tuổi trưởng thành. Câu hát đã trở thành nhịp cầu cho bao đôi lứa nên duyên chồng vợ.

Cụ A Nân, 87 tuổi, già làng Kon Kơ Lốk, huyện Đắk Hà kể: Tôi biết hát ting tinh từ khi 18 tuổi, thường hát trong những ngày lễ của làng, như lễ làm máng nước, lễ mừng nhà mới, lễ ăn lúa mới, trong những dịp này nam nữ thanh niên trong làng gặp gỡ nhau để tỏ tình bằng tiếng hát, tìm hiểu nhau rồi thành vợ thành chồng.

Tuy vậy, đã một thời các thôn làng vắng tiếng hát, lời ca dân gian. Câu ting tinh, điệu giao duyên sẽ mai một nếu không có những người yêu vốn quí của cha ông mà góp nhặt, sưu tầm, khôi phục.

Năm 2000, với tài sản là một bộ cồng chiêng, một số nhạc cụ tự chế cùng với hơn 30 nghệ nhân, Đội văn nghệ thôn Kon Kơ Lốk, Đắk Mar, Đắk Hà tỉnh Kon Tum đã được thành lập. Nhà Rông của làng trở thành trụ sở, nơi luyện tập, biểu diễn của Đội. Hàng chục tiết mục ca, múa, hoà tấu, độc tấu đã được các nghệ nhân sưu tầm, khôi phục nguyên trạng, đúng với bài bản cổ. Cuộc sống người xưa tái hiện qua từng câu hát.

Đội trưởng Y Khar là người sưu tầm những bài ca, làn điệu cổ, cũng là người tổ chức luyện tập, dàn dựng và trực tiếp tham gia các tiết mục. Đội văn nghệ của chị đã được huyện, tỉnh tuyển chọn tham dự các các kỳ liên hoan dân ca dân vũ của tỉnh và cả nước, Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai .

Tiếng hát thôn Kon Kơ Lốk đã đến với công chúng cả nước. Chị tự hào: Đội văn nghệ đã đi biểu diễn, phục vụ rất nhiều nơi, ai mời chúng tôi đều đi, các tiết mục hoà tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, hát đối đáp giao duyên, ting tinh biểu diễn ở đâu cũng được nhiều người khen, đi thi ở tỉnh, ở Trung ương cũng được tặng bằng khen, huy chương.

“Hãy cho anh đi với” là bài hát giao duyên tiêu biểu, tái hiện tình yêu, cuộc sống dung dị, hồn nhiên mà nên thơ, đẹp đẽ, như tâm hồn các chàng trai, cô gái nơi thôn dã, núi rừng. Đây cũng là tiết mục gặt hái nhiều thành công trên các sân khấu biểu diễn.

hat3.jpg

Luyện tập tại nhà rông

Để diễn xướng các làn điệu dân ca, ting tinh và hát giao duyên của người Sê Đăng Sơ Đrá trên sân khấu hiện nay, đầy đủ cần một đội múa phụ họa, một dàn hợp xướng gồm cồng, trống, đàn ting ning, tơ rưng và đàn klông pút. Còn trước đây, để đến cuộc hẹn, các chàng trai chỉ cần ôm một cây đàn ting ning là đủ.

Đây là loại đàn dây của người Ba Na, Sê Đăng, âm thanh mô phỏng theo các thang âm của cồng chiêng, nên có thể thay thế cả một dàn nhạc. A Bôm là nghệ nhân chỉnh sửa chiêng, chế tác các nhạc cụ cho Đội văn nghệ.

Ông đang dạy cho anh con trai A Huy để tiếp nối công việc của mình, và dạy cho bọn trẻ trong làng mỗi chiều học đánh cồng chiêng và chơi các nhạc cụ dân tộc, nhưng đây là người thầy dạy không lương. Ông nói: Sợ mai mốt ông già chết đi không ai biết làm nữa thì dạy cho con nó làm. Mấy đứa nhỏ muốn theo các anh chị vào Đội văn nghệ nên mình dạy cho chúng chơi, mình già rồi không làm được nhiều nữa.

hat4.jpg

Tiếng đàn ting ning gọi bạn

Từ khi thành lập Đội văn nghệ, những nghệ nhân làng đã khơi dậy thêm cảm hứng, tình yêu những làn điệu cổ cho mọi người từ già đến trẻ. Nhất là thanh niên, khi thấy các lớp đàn anh, đàn chị múa hát, biểu diễn nhiều nơi, họ rất hâm mộ và muốn được học hát, được diễn, nhưng đây là điều không dễ thực hiện.

Kể từ ngày thành lập, Đội văn nghệ Kon Kơ Lốk hoạt động được nhờ lòng yêu nghề, tâm huyết với vốn quí văn hoá dân tộc của các nghệ nhân, chứ Đội không có nguồn thu và cũng chưa nhận được sự hỗ trợ, đầu tư nào. Đội cũng không có kinh phí để tổ chức các lớp truyền dạy cho lớp trẻ.

Mặc cho những khó khăn và nỗi lo cơm áo, vất vả thường ngày, những nghệ nhân Kon Kơ Lốk vẫn say mê tìm kiếm, học hỏi, khôi phục, chắp cánh cho những giai điệu quê hương. Y Khar cho biết chị đang sưu tầm 5 bài hát ting tinh và giao duyên nữa để cả Đội luyện tập, hát cho bà con nghe vào dịp cuối năm, trong lễ hội làm máng nước của làng và phục vụ cho các kỳ biểu diễn sắp tới.

Từ câu hát mộc mạc của những đôi trai gái đến sân khấu biểu diễn tại các liên hoan ca, múa, nhạc, dân tộc cả nước, dân ca Sê Đăng Sơ Đrá đã vượt khỏi núi rừng Tây Nguyên, đến với công chúng khắp mọi miền. Ngọc quí đã được mài giũa, toả sáng, để tâm hồn dân tộc, nét tài hoa nghìn năm của ông cha sẽ còn mãi tha thiết, rạng ngời đến muôn đời sau.

Theo báo văn hóa

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.518.856
Tổng truy cập: