VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Mừng, lo chuyện làng Chuông
(Ngày đăng: 15/10/2012   Lượt xem: 569)

Đã lâu chúng tôi mới có dịp trở lại làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội), cái cảm giác vừa mừng vừa lo cứ đan xen vào nhau. Mừng vì được trở lại nơi được gọi là “nhất hương, nhất xã”. Lo bởi: liệu cái nhịp sống đô thị dồn dập với thói quen đội mũ thời trang, mũ bảo hiểm có còn giữ được nghề làm nón và cái làng Chuông thơ mộng?

Công phu nghề truyền thống

Làng Chuông vốn nổi tiếng với tên “làng gột gái”, các vị cao niên trong làng giải thích: Sở dĩ người ta nói vậy vì con gái làng Chuông rất đẹp, trắng trẻo. Cả đời không phải lao động vất vả, quanh năm ngày tháng chỉ làm nón. Hơn nữa những cô gái lấy chồng về làng Chuông có xấu dần dần cũng sẽ xinh đẹp. Quả đúng như vậy! Hình ảnh cô gái làng Chuông ngồi khâu nón đã khiến bao trai làng khác phải ngơ ngẩn, bao du khách đến đây còn vương vấn.

Để có được chiếc nón người nghệ nhân phải thực hiện rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ của người làm. Bà Hoàng Thị Tứ (một trong những phụ nữ gắn bó lâu nhất với nghề làm nón tại đây) kể tỉ mỉ cho chúng tôi các công đoạn làm ra một chiếc nón: “Những người trong nghề chỉ cần liếc qua chiếc nón là có thể biết thợ vụng hay khéo. Nếu vụng tay nón sẽ không cân, không phẳng, sống lá không đều, những lá chèn bị cộm lên” – bà Tứ kể.

Khác hẳn với chiếc nón Huế với 2 lớp mỏng, nón làng Chuông ít nhất phải có 3 lớp: Lớp lá lót, mo nứa, sau đến lớp lá ngoài, khi cầm lên tay vẫn phải thấy mỏng mà nhẹ. Khi quay nón xong coi như chiếc nón được hoàn thiện, Khâu cuối cùng nhẹ nhàng và dễ hơn rất nhiều, đó là khâu nón.

Cụ Trần Canh (nghệ nhân duy nhất ở làng) tâm sự: “Nghề làm nón tưởng chừng như dễ nhưng nó là nghề đòi hỏi tính kiên trì và khéo tay. Các cô gái làng này nổi tiếng khéo tay, nhìn chiếc nón làng Chuông là tôi nhận ra ngay. Từng mũi khâu một, những đường khâu dần hiện ra đều tăm tắp như khâu máy”.

Ở làng Chuông, cụ Trần Canh là một nghệ nhân hiếm hoi, cụ là người nổi tiếng bởi sản phẩm tinh tế, sống chết với nghề. Vừa lúi húi khâu những chiếc nón quai thao cụ Canh vừa kể: “Nón của tôi làm không kịp bán, người ta về đặt thường xuyên. Tôi không làm nón thông thường nữa mà chỉ làm nón quai thao cho các đoàn nghệ thuật biểu diễn, hay người ta mua làm kỷ niệm, mang đi nước ngoài. Nghĩ cũng chẳng được lờ lãi là bao nhưng cũng thấy vui anh ạ”.

DSC_0635.jpg

Chợ Chuông “vắng bóng” cửa hàng bán nón

Chuyên nghiệp hóa du lịch ở làng Chuông?

Con đường trải nhựa khang trang, người mua kẻ bán tấp nập khiến chợ Chuông trở nên sầm uất. Đâu đó vẫn còn những người khâu nón, vẫn còn những cửa hàng bày bán nón và lá nón vẫn phơi khắp triền đê. Nhưng cảm giác đó chỉ là những cửa hàng mọc lên tự phát mà không có sự quy hoạch của một làng nghề. Khách du lịch thưa thớt và phải tự khám phá không gian văn hóa qua những lời kể của một vài vị cao niên.

Cuộc sống hiện đại đã chứng minh một điều nghiệt ngã: Làm nón không thể giàu! Nhưng làm nón là để gìn giữ nét văn hóa của người Việt Nam. Trong tiềm thức của mỗi con người Việt chúng ta, hình ảnh người phụ nữ thướt tha trong tà áo dài truyền thống với chiếc nón lá, chiếc nón quai thao với bộ áo tứ thân đã trở nên thân thuộc.

Chiếc nón đã đi theo người phụ nữ Việt trên mọi nẻo đường. Nói về nghề làm nón, nghệ nhân Trần Canh không giấu được nỗi buồn. Ngồi suy tư nhìn về vô định cụ nói: “Bây giờ thanh niên làng này còn ai tha thiết với nghề nữa đâu! Mà cũng phải thôi, làm nón được vài ba chục nghìn một ngày. So với nghề khác quả là chênh lệch quá lớn. Với giá thị trường hiện nay, trung bình một chiếc nón khoảng 40 nghìn đồng.

Theo những người còn gắn bó với nghề làm nón ở đây, số lao động làm nón chủ yếu là người già (mất sức lao động) và trẻ em. Bà Giới nói với giọng đầy chua chát: “Thanh niên bây giờ đi phụ vữa một ngày cũng kiếm được hơn một trăm nghìn, ngồi tỉ mẩn mà được có vài ba chục đứa nào nó chịu”.

Nói chưa dứt lời, mắt bà sáng bừng hạnh phúc: “Nhưng tôi nghĩ cái nghề này không bao giờ mất đi được. Vì trẻ con ở đây cứ 5 tuổi là cho học làm nón, lớn lên có làm gì thì làm nhưng khi già lại quay về làm nón”. Có lẽ vì thế mà làng Chuông đã trải qua bao thăng trầm, đổi thay lề thói, chiếc nón cũng không còn là vật dụng che nắng duy nhất và phổ biến nhưng nghề nón làng Chuông vẫn còn đó.

Điều đáng mừng, khoảng hai chục năm trở lại đây người làng Chuông đã sáng tạo ra nhiều kiểu dáng nón khác nhau: Nón Xuân Kiều cổ, nón Hồng Kông, nón lá thời trang hay nón để trang trí. Chính điều này khiến cho thị trường nón của Chuông đã được mở rộng. Và chính lãnh đạo xã Phương Trung, huyện Thanh Oai đã từng thừa nhận: “Do đổi mới các kiểu dáng nên thị trường của nón được mở rộng. Người dân làm không kịp bán bởi có các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu ra nước ngoài”.

Thị trường chủ yếu của nón Chuông là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp. Người nước ngoài không chỉ thích vẻ đẹp truyền thống của nón Việt Nam mà còn thích bởi cái nghề thủ công do những bàn tay tài hoa làm nên chiếc nón. Chị Tạ Thu Hương, người được coi là mở đường cho xuất khẩu nón tại Chuông cho biết: “Trung bình mỗi tháng tôi nhận từ hai đến ba đơn đặt hàng với số lượng khoảng 30.000 chiếc. Vào đầu hè còn nhiều hơn, huy động cả làng làm hết công suất mới đủ”.

Theo báo văn hóa

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.518.984
Tổng truy cập: