VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Lễ hội Ka-tê, nơi hội tụ những nét văn hóa Chăm đặc sắc
(Ngày đăng: 15/10/2012   Lượt xem: 704)

Từ ngày 16 đến 17-10, gắn với lễ hội Ka-tê của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp tổ chức "Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận năm 2012" với sự tham gia của cộng đồng người Chăm ở các tỉnh, thành phố, như: Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Ðà Nẵng... không khí chào đón ngày hội lớn NÀY ở Ninh Thuận rất nhộn nhịp.

700671912.jpg

Tháp Pô Klong Garai, nơi sẽ diễn ra lễ hội Ka-tê của đồng bào Chăm.

Ninh Thuận có gần 74 nghìn người Chăm đang sinh sống tập trung tại 22 làng thuộc sáu huyện, thành phố. Trong đó, huyện Ninh Phước có đồng bào Chăm đông nhất tỉnh (hơn 43 nghìn người). Những ngày đầu tháng mười, chúng tôi đến các làng Chăm ở đây, để cùng hòa mình vào không khí chuẩn bị lễ hội Ka-tê rất sôi động. Tại các làng Chăm, tất cả nhà ở của đồng bào đều treo cờ Tổ quốc đỏ rực; đường giao thông liên thôn, liên xã đều sạch đẹp; đâu đâu cũng thấy treo băng rôn, khẩu hiệu chào mừng lễ hội. Trên các cánh đồng lúa, nông dân nhộn nhịp thu hoạch lúa vụ hè thu. Năm nay trúng mùa, lúa vàng được đóng bao chất kín những sân phơi của các hợp tác xã; chất đầy hiên nhà... Lễ hội Ka-tê tạo không khí tưng bừng tại những vùng đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Ninh Thuận.

Tại thị trấn Phước Dân, nơi có ba làng nghề truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước, là: Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và làng gốm Bàu Trúc; chính quyền và người dân tất bật với việc chuẩn bị tổ chức các hoạt động, như: mở cửa Ðền Pô Klong Chanh (đền thờ ông tổ nghề gốm Bàu Trúc) và cúng thần làng; Khai hội Ka-tê "cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc, quốc thái dân an"; Tổ chức thi các trò chơi dân gian, như: thi kéo co, đẩy gậy nam, nữ; đội nước; dệt thổ cẩm; nặn sản phẩm gốm; thi đấu bóng đá, bóng chuyền giao hữu và biểu diễn ba đêm văn nghệ chào mừng, vui đón lễ hội.

Nông dân Hán Ðình Anh ở làng Mỹ Nghiệp hồ hởi khoe: Năm nay lễ hội Ka-tê được tổ chức rất lớn cộng với nông dân trúng mùa, trúng giá lúa, cho nên làng trên, xóm dưới rất phấn khởi. Ba đứa con tôi đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh rủ thêm bạn học về vui Ka-tê cho nên gia đình càng vui hơn.

Khu phố Mỹ Nghiệp được Ban tổ chức Ngày hội chọn làm nơi diễn ra các cuộc thi, mỗi ngày tại những điểm tập có hàng trăm vận động viên, diễn viên hăng hái tập luyện các môn thể thao, những điệu múa Chăm đặc sắc với tiếng kèn sa-ra-nai; tiếng trống ghi-năng, thu hút hàng trăm người dân đến cổ vũ, tán thưởng. Ban quản lý thôn vận động mỗi gia đình dành một phòng để đón tiếp du khách tham quan trong các ngày diễn ra lễ hội có nhu cầu lưu trú ngay tại làng, nhằm phát huy tinh thần mến khách, thân thiện; đồng thời quảng bá thương hiệu làng nghề đến với khách hàng trong và ngoài nước. Những nghệ nhân của Hợp tác xã gốm Bàu Trúc đã làm xong 500 mẫu sản phẩm gốm mỹ nghệ đặc sắc để triển lãm và phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.

Trưởng Ban quản lý khu phố Bàu Trúc Ðàng Quyết đang tất bật chuẩn bị cho các hoạt động mừng lễ hội, cho biết: "Sân vận động đã được tu sửa hoàn chỉnh; sân khấu được trang trí đẹp; nhiều sản phẩm thổ cẩm, gốm độc đáo được bài trí ngăn nắp tại khu nhà trưng bày; đường làng sạch đẹp, sẵn sàng đón khách chu đáo và bảo đảm an toàn cho các hoạt động biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao".

Ban tổ chức Ngày hội cho biết, 17 đoàn tham gia Ngày hội đã chuẩn bị chu đáo những điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian diễn ra lễ hội. Khoảng 800 nghệ nhân, diễn viên, tuyên truyền viên, huấn luyện viên và vận động viên là người dân tộc Chăm của các tỉnh, thành phố và hàng nghìn khách mời, du khách sẽ tham gia các buổi hội thảo "Giới thiệu di sản văn hóa Chăm", "Bảo tồn và phát triển văn hóa Chăm"; tham quan Hội chợ Thương mại gắn với lễ hội Ka-tê; tham gia liên hoan tuyên truyền, trưng bày, giới thiệu sách; xem chiếu phim tư liệu về văn hóa Chăm; thưởng lãm văn hóa ẩm thực; xem triển lãm - giới thiệu "Ðặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; triển lãm văn hóa Chăm của các tỉnh, thành phố; triển lãm ảnh "Cộng đồng các dân tộc Việt Nam"; mỹ thuật Chăm; tham quan các điểm du lịch.

Cả sư Trượng Ðịnh, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bà-la-môn tỉnh Ninh Thuận phấn khởi, nói: "Những năm qua, nhờ sự quan tâm chăm lo của Ðảng và Nhà nước mà đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm ngày càng tốt hơn. Hiện tại, số nhà xây kiên cố, to đẹp tại các làng Chăm ngày càng nhiều; thế hệ trẻ người Chăm được học hành thành đạt, nhiều người là bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo viên... đang làm việc trên mọi miền đất nước, góp phần phục vụ tốt cho xã hội. Ðồng bào Chăm luôn nhớ ơn Ðảng, Bác Hồ đã mang lại cho đồng bào đời sống ấm no".

Theo báo nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.518.641
Tổng truy cập: