VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Giữ lửa lò đúc đồng Ngũ Xã
(Ngày đăng: 13/10/2012   Lượt xem: 626)

3553414595.jpg

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (bên phải) hoàn thiện sản phẩm lư đồng tại xưởng sản xuất.Ảnh: THANH CHƯƠNG

Ðến thăm Ngũ Xã (Ba Ðình, Hà Nội) vào một ngày thu, nắng đã không còn gay gắt, chói chang như giữa tháng bảy. Hòa trong gió chiều xào xạc làm đung đưa những rặng liễu rủ ven hồ, tiếng chuông chùa Thần Quang vang lên từng hồi gióng giả, như gợi nhớ về một thời vang bóng của làng đúc đồng nức tiếng năm xưa.

Trên con đường rải bê-tông nhẵn thín, những chiếc xe máy, ô-tô láng bóng tấp nập nối đuôi nhau qua lại. Những ngôi nhà cao tầng, những hàng ăn, quán xá đua nhau mọc lên san sát. Trong nhịp sống sôi động của "làng lên phố", nhìn Ngũ Xã bây giờ, có lẽ chẳng mấy ai có thể hình dung nơi này trước đây từng là trường đúc lớn nhất kinh thành, nơi lưu giữ tinh hoa của một trong bốn nghề truyền thống đã được cha ông ta vinh danh trên đất Kẻ Chợ xưa: "Ðồ gốm Bát Tràng, lĩnh hoa Yên Thái, thợ vàng Ðịnh Công, thợ đồng Ngũ Xã". Sử sách ghi chép lại, vào thời Hậu Lê, nhà vua cho mời những nghệ nhân lão luyện nhất năm làng: Ðông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Ðào Viên, Ðiện Tiến ở vùng Kinh Bắc tập trung về kinh đô lập trường đúc tiền và đồ thờ. Ðầu tiên, họ về phố Lò Ðúc, sau chuyển sang phố Tràng Tiền, cuối cùng mới chọn bán đảo Hồ Tây, nơi có sông nước bao quanh để sinh cơ lập nghiệp, thành lập phường nghề riêng, gọi là Ngũ Xã Tràng để ghi nhớ năm làng quê gốc. Trải qua hơn 400 năm thăng trầm cùng lịch sử, cái tên Ngũ Xã vẫn còn đó, các công trình nghệ thuật in đậm dấu ấn tài hoa của những người thợ đúc đồng bậc thầy làng Ngũ Xã vẫn còn đó, ấy là pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ cao gần bốn mét, nặng gần bốn tấn đặt tại đền Quán Thánh, là tượng Phật A Di Ðà nặng hơn mười tấn tọa trên tòa sen 96 cánh ở chùa Thần Quang..., nhưng sự hưng thịnh của làng nghề đúc đồng ngày nào giờ đã trở thành quá khứ.

  Thật bất ngờ khi biết những tuyệt tác bằng đồng đó được nhào nặn, thổi hồn bằng chính bàn tay tài hoa của một người đàn ông vóc người nhỏ bé đã ở vào cái tuổi mà các cụ vẫn hay gọi là "thất thập cổ lai hy". Tiếp chúng tôi bên chén trà nóng thoang thoảng hương sen Tây Hồ, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng hào hứng kể về Ngũ Xã những ngày phồn thịnh: "Ngày tôi còn nhỏ, cả làng có gần 200 hộ, hộ nào cũng coi đúc đồng là nghề kiếm kế sinh nhai. Già trẻ, lớn bé, gái trai, ai cũng gắn bó và hào hứng với nghề. Từ sáng đến tối, khắp đầu làng cuối xã, đâu đâu những lò than cũng rực lửa. Ðúc đồng trở thành niềm tự hào của người dân ven hồ. Ấy vậy mà bây giờ, cả làng này chỉ còn gia đình tôi và nhà chị dâu - bà Ngô Thị Ðan còn bám trụ, sống chết với nghề". Nói tới đây, đôi mắt người nghệ nhân già đượm nỗi buồn xa vắng...

  Ông Ứng kể, nước ta có nhiều làng nghề đúc đồng truyền thống, như làng Kẻ Chè (Thanh Hóa), làng Bằng Châu (Bình Ðịnh), làng Dương Xuân (Thừa Thiên - Huế)... nhưng đúc đồng Ngũ Xã vẫn tạo được dấu ấn gần xa bởi sở hữu bí quyết đúc đồ thờ vào loại bậc thầy, trong đó đáng nể nhất là kỹ thuật đúc chuông, tượng. Nếu đúc tượng đòi hỏi sự chính xác cao trong bố cục chỉnh thể, sự tinh tế, khéo léo trong thể hiện thần thái thì đúc chuông lại đòi hỏi sự điêu luyện của bề dày kinh nghiệm. Hồn của chuông là âm thanh, nên khi đúc chuông, quan trọng nhất là phải biết xử lý độ dày mỏng khác nhau giữa các phần chuông, sao cho khi thỉnh, tiếng chuông phải vừa trong, vừa ngân vang. Ðó là lý do tại sao những quả chuông được hoàn thiện bởi những nghệ nhân đúc đồng, nơi đây như chuông chùa Một Cột, chuông chùa Ngũ Xã, hay tháp chuông ở di tích Ngã ba Ðồng Lộc luôn tạo được thanh âm đặc biệt đến thế...

  Dấu ấn cuối cùng về sự nhộn nhịp của làng nghề Ngũ Xã còn đọng lại trong trí nhớ nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng là khi tất cả thợ giỏi trong làng cùng chung sức đúc pho tượng Phật A Di Ðà cho chùa Ngũ Xã năm 1952. Sau Giải phóng Thủ đô năm 1954, làng đúc đồng mới dần mai một do nguồn tiêu thụ thông qua xuất khẩu sang Pháp và các nước khác bị đình trệ, hơn nữa nguồn nguyên liệu đồng được Nhà nước quản lý chặt để phục vụ quốc phòng. Những thợ đúc trong làng chuyển sang đúc các sản phẩm nhôm như nồi quân dụng, ấm đun nước... phục vụ quốc phòng, dân sinh. Tiếp đó, chiến tranh nổ ra, nhiều thanh niên, trai tráng trong làng xung phong ra trận. Nghề truyền thống đúc đồng dần mất khi các hộ trong làng lần lượt quay sang nghề khác mưu sinh. Chỉ riêng anh bộ đội binh chủng phòng không Nguyễn Văn Ứng vẫn quyết không bỏ nghề cha ông. "Từ nhỏ, tôi đã thấy say, thấy mê ánh lửa đúc đồng của lò hỏa. Một sản phẩm làm ra chất chứa biết bao tâm huyết, kỳ công của cha ông. Kỹ thuật đúc đồng có được như ngày hôm nay là sự chắt lọc tinh hoa, nghệ thuật của biết bao thế hệ. Vậy mà nỡ để mất nghề quý này thì phí quá. Hơn nữa, sống trong hòa bình, những gì gắn bó với văn hóa cha ông nhất định sẽ được tôn trọng. Vì thế, tôi tin những sản phẩm đúc đồng sẽ tìm được chỗ đứng". Chính sự trân quý tận tâm ấy đã làm nên động lực để người nghệ nhân có đủ sức mạnh và nghị lực vực dậy tinh hoa nghề đúc đồng truyền thống. Trở về sau Chiến dịch Mậu Thân năm 68 với chứng nhận bệnh binh nặng, bị hoành hành bởi những cơn sốt rét, teo cơ ngoài chiến trận, song chất lính bền bỉ, can trường không cho phép người nghệ nhân dừng lại. Bất chấp bao khó khăn, ông xin vào làm ở Tổng cục Kỹ thuật, dành dụm từng đồng lương từ việc chế tạo bầu quạt để theo học đúc đồng, cho tới khi mọi kỹ thuật chế tác dù tinh vi nhất đều được người nghệ nhân tự tin vận dụng để sáng tạo nên những tác phẩm của riêng mình. Không chỉ nức tiếng gần xa với kỹ thuật chế tác đồ thờ điêu luyện, ông còn được biết đến như một tay đúc bậc thầy về tượng danh nhân. Từ tượng Bác Hồ đặt tại Văn phòng Chủ tịch nước, tại Bảo tàng Quân đội... cho tới tượng nữ Anh hùng Võ Thị Sáu đặt tại Bảo tàng Phụ nữ, tất cả đều là những công trình nghệ thuật được tạo nên từ tài hoa và tấm lòng tri ân sâu sắc đối với thế hệ đi trước của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng. Ông nói: "Tôi đúc nhiều nhất và cũng tâm đắc nhất với những tác phẩm tượng Bác Hồ. Người là hình tượng tiêu biểu về một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vẫn gần gụi, thân quen. Vì thế đúc tượng Bác thế nào để vừa toát lên sự trang nghiêm, tôn kính mà vẫn không xa lạ, vẫn luôn là thử thách. Tôi luôn dụng công nhất khi tạo hình đôi mắt của Người, vừa trí tuệ, tinh anh, vừa nhân từ, hiền hậu. Ðôi mắt ấy cũng là điểm nhấn quan trọng nhất toát lên thần thái, hồn vía của bức tượng".

  Tự hào là hậu duệ đời thứ 16 tiếp nối nghề đúc đồng truyền thống của dòng tộc, ông vui mừng "khoe" cả hai con trai mình đều đang theo nghiệp cha và đã trở thành những người thợ chắc tay. Luật xưa quy định, những bí quyết đúc đồng chỉ được truyền lại cho con cháu trong làng. Nhưng với khao khát được tiếp thêm sức sống lâu bền cho nghề truyền thống cha ông, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng vẫn sẵn sàng trao truyền tinh hoa đúc đồng cho những người có nhu cầu theo học. Tuy nhiên, khi nhiều sinh viên nước ngoài tìm đến ông bái thầy, ông thẳng thắn từ chối ngay, bởi chỉ muốn nghề đúc đồng truyền thống cha ông mãi là vốn quý, là tài sản riêng của người dân đất Việt. Xưởng đúc đồng Hoa Mai do ông làm chủ giờ đã có tới 30 người, ngoài những thành viên trong gia đình, họ hàng, còn có nhiều bạn trẻ đến từ Thái Bình, Tuyên Quang... những mong có thể học hỏi, mang tinh hoa đúc đồng của đất kinh kỳ xưa về làm giàu, làm đẹp thêm cho mảnh đất quê hương. Vừa đưa chúng tôi đi thăm xưởng để tận mắt chứng kiến quy trình làm nên một sản phẩm đúc đồng, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng vừa tận tình căn dặn học trò: "Ðây là một nghề chứa đựng những yếu tố nghệ thuật tổng hợp, hội tụ trong đó cả mỹ thuật, điêu khắc, giá trị văn hóa và thậm chí cả tâm linh. Vì thế, mỗi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, cẩn thận và cái "tâm" của người đúc, sao cho khi thành phẩm bán đi, chính mình cũng phải thấy tiếc, như thế thì mới đạt". Khâm phục tài nghệ của nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Ứng, biết bao đơn đặt hàng số lượng lớn từ khắp trong, ngoài nước tới tấp gửi về, nhưng không phải lúc nào ông cũng đáp ứng. Kỳ lạ là sau khi nghe ông giải thích, ai nấy đều không giận mà càng thêm khâm phục cái tâm, cái tài của người nghệ nhân hơn: Nghề đúc đồng không phải nghề sản xuất hàng loạt, mỗi tác phẩm là thành quả của một quá trình làm thủ công với sự tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố: nguyên liệu, thời tiết, kỹ thuật và cả cảm hứng của người đúc. Vì thế, cùng thực hiện một loại sản phẩm nhưng không thể có chuyện cái này giống hệt cái kia. Do vậy, những tác phẩm đúc đồng nghệ thuật không thể hợp với những đơn đặt hàng mang tính công nghiệp.

  Dẫu vẫn biết trong nhịp sống sôi động hiện đại, phần lớn giới trẻ ngày nay đã không còn nhiều đam mê, nhẫn nại và quyết tâm với nghề truyền thống, nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng vẫn đang ấp ủ ý tưởng sẽ thành lập một trường đào tạo đúc đồng. Còn sức khỏe, ông sẽ còn nhen nhóm tình yêu đúc đồng cho thế hệ trẻ. Bởi ông tin: Chừng nào những sản phẩm đúc đồng còn phát huy giá trị trong cuộc sống, chừng đó còn có những trái tim nhiệt huyết muốn cháy bập bùng cùng ánh lửa đúc đồng Ngũ Xã.

Theo báo mới

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.518.856
Tổng truy cập: