VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Các bước thăng trầm và thành công của làng nghề Việt Nam
(Ngày đăng: 12/10/2012   Lượt xem: 719)

(Langngnghevietnam.vn) - Hiệp hội làng nghề Việt Nam xin được đăng nguyên văn bài viết của GS Vũ Khiêu về “ Các bước thăng trầm và thành công của làng nghề Việt Nam”

SDC11543 copy.jpg

(Ảnh minh họa)

1. Làng là một tổ chức cộng đồng có ý nghĩa vừa độc đáo, vừa tốt đẹp trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.

Làng Việt Nam là trung tâm nối kết cộng đồng nhỏ là gia đình với cộng đồng lớn là Tổ Quốc, tạo nên một thế vững chắc trong mối quan hệ giữa nhà, làng và nước. Sự thống nhất ấy đã khiến cho cuộc sống gia đình gắn liền với tình làng nghĩa nước, khiến cho Tổ Quốc thông qua làng xã mà gắn bó chặt chẽ với mỗi gia đình.

Khi Tổ Quốc gặp thiên tai thì làng xã là nơi tập hợp sức mạnh của toàn thể thành viên các gia đình trong cùng một lòng, một dạ, chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc. Tổ Quốc trở thành một gia đình lớn để gắn kết mọi người và mỗi thành viên gia đình trở thành công dân của gia đình lớn.

Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa nhân đạo chính là những sản phẩm tinh thần của tính cộng đồng làng xã mang lại cho dân tộc Việt Nam.

Làng Việt Nam luôn củng cố tính cộng đồng đó và hình thành nên những nét đẹp của văn hóa làng xã.

Làng xã xây dựng thuần phong mỹ tục trong quan hệ giữa người và người. Và ghi lại điều ấy trong các bản hương ước.

Làng xã xây dựng nhân cách và đạo đức cho cá nhân, tạo nên chủ nghĩa anh hùng trong đạo đức và chiến đấu. Làng xóm tôn thờ những người có công với nước , với làng. Làng là cái nôi phát triển giáo dục thông qua việc thầy dạy cho con em trong làng.

Có thể nói, làng xã đem lại cho mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng những phẩm chất tốt đẹp nhất để trở thành những con ngoan trong gia đình, trong làng, trong nước.

Nhưng hôm nay ta thử hỏi? Vì sao những phẩm chất tốt đẹp ấy suốt bao nhiêu thế kỉ không đem lại cho làng xã một cuộc sống phồn vinh và đầy đủ?

Vì sao truyền thống làng xã đã nuôi dưỡng được những phẩm chất đẹp nhất về tinh thần lại khiến cho làng xã không vượt qua được những thiếu thốn vật chất?

Trước hết phải nói đến sự hạn chế của nền sản xuất nhỏ của Việt Nam trong một phương thức mang tính sản xuất Châu Á. Đó là một nền sản xuất dựa trên cơ sở sự chiếm hữu công cộng về ruộng đất. Làng xã làm nhiệm vụ quản lí  nhà nước, phân chia ruộng đất cho nông dân canh tác. Nông dân nộp một phần hoa lợi cho nhà nước và cho xã. Với kiểu canh tác và phân phối lạc hậu kéo dài hàng ngàn năm ấy, làng xã cũng như toàn thể đất nước sống trong tình trạng trì trệ về kinh tế. Quyền lợi ích kỉ của nhà nước phong kiến, họ chỉ biết khai thác và bóc lột nhân dân, không cần phải cải tiến kỹ thuật, phát triển công thương nghiệp. Trong hoàn cảnh này, Nho giáo, hệ tư tưởng của xã hội phong kiến Châu Á lại ràng buộc người nông dân trong một xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là xã hội ngàn năm không thay đổi. Đó là miếng đất để duy trì những tư tưởng bảo thủ của Nho giáo về mặt kinh tế.

Trong tình hình nói trên, chính truyền thống làng cũng đã biến tính tích cực của nó về mặt tinh thần thành tính tiêu cực trong đời sống vật chất. Nhân dân vẫn gắn bó và yêu thương lẫn nhau trong hoàn cảnh cam phận nghèo khổ. Họ đói rét có nhau, nhường cơm sẻ áo cho nhau. Các nhà tri thức cũng chia sẻ sự thiếu thốn ấy bằng tư tưởng an bần lạc đạo, tự an ủi mình bằng một cuộc sống thanh cao, lấy nước biếc non xanh là bạn. Trong nhà, trong xóm, trong làng họ lấy việc sum họp trong cộng đồng làm vui. Gặp ngày giỗ, ngày tết, ngày hội, họ tổ chức bữa ăn để chén anh, chén chú thế là vui. Tính cộng đồng đã khiến cho những cuộc hội họp ấy là niềm mong đợi của mọi người: Một miếng giữa làng hơn một sàng xô bếp.

2. Trong hoàn cảnh thiếu thốn và cam phận nói trên, sự xuất hiện làng nghề như những điểm đột phá, mở ra một chân trời mới cho làng xã Việt Nam. Trước hết làng nghề đã chọc thủng bức thành trì của cuộc sống tự cung tự cấp trong gia đình và làng xã Việt Nam, như những bông hoa xuyên tuyết chọc thủng tuyết để vươn lên…

Tự túc tự cấp được thực hiện ngay trong mọi gia đình. Gia đình tự cấy lúa ngoài đồng, nuôi gà, vịt ở trong sân, thả cá dưới ao, trồng các loại rau trong vườn, mỗi thứ một chút ít. Tự túc tự cấp trong làng xã thể hiện ở chỗ có thể tự cấp cho nhau những sản phẩm của nghề rèn, nghề mộc, đan lát hoặc làm bánh, làm bún, bán cá, bán rau cho nhau mà không cần mua sản phẩm của làng khác cũng như không cần phải bán sản phẩm của mình ra khỏi làng.

Làng nghề đã vượt lên trên những làng khác bằng những sản phẩm của mình với giá thành hạ và chất lượng sản phẩm cao, hấp dẫn những khách hàng không chỉ ở trong làng mà còn ở trong huyện trong tỉnh và cả trong toàn quốc.

Nguyễn Trãi trong Dư địa chí đã giới thiệu cho nhà vua trẻ tuổi những hiểu biết về đất nước mà nhà vua cai trị, trong đó có làng nghề Lê Qúy Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục, Phan Huy Chú trong Lịch Triều Hiến Chương loại chí cũng đều giới thiệu những làng nghề nổi tiếng trong Nam và ngoài Bắc.

Có thể nói, sự xuất hiện của làng nghề mà mầm mống là nền kinh tế thị trường, là triển vọng trên con đường phồn vinh và giàu mạnh của đất nước. Tiếc rằng, rất nhiều rào cản đã dựng lên qua các chặng đường của lịch sử trong sự phát triển của Việt Nam.

Tôi xin nói qua về những rào cản ấy.

Chúng ta đều biết, dưới thời Bắc thuộc cũng như dưới thời phong kiến bảo thủ, không những sản xuất và buôn bán không thể thực hiện trong nhân dân mà những thợ giỏi luôn luôn bị triều đình phong kiến trưng dụng để xây dựng cung điện cho nhà vua hoặc bị giặc ngoại xâm bắt để đưa về nước họ. Tuy nhiên, trên con đường phát triển của đất nước đã có những thời kì mà những làng nghề có chiều hướng phát triển. Có thể nêu lên rất nhiều trường hợp bừng lên rồi lại vụt tắt của các làng nghề ở thời Trần, thời Lê, thời Quang Trung. Cũng phải kể đến sự dập tắt của Hồ Qúy Ly của những triều đại thời Lê, Trịnh, Nguyễn.

3. Triển vọng chưa từng có của làng nghề Việt Nam hôm nay.

Các làng nghề Việt Nam đang đi vào thời đại của chính mình, thời đại thành công rực rỡ của họ, với những tài năng vô tận của họ. Sự phát triển kì lạ của trí tuệ con người cùng những phát minh ngày một nhanh chóng và phong phú của công nghệ đang vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với họ. Thuận lợi là ở chỗ họ khai thác được những thành tựu của thời đại để rút ngắn được những quá trình vất vả của họ. Họ phải làm bằng tay những công việc rất đơn giản mà máy móc có thể thay thế. Mặt khác, nếu các bạn chỉ đơn thuần dựa vào máy móc hiện đại thì những máy móc này sẽ thay thế các bạn và tiêu diệt các bạn. Vì thế,  sự tồn tại và  phát triển của làng nghề trông chờ ở chỗ nghệ nhân của làng nghề phải thự hiện được những việc mà máy móc dù hiện đại mấy cũng không thể thay thế được các bạn. Đó là tài năng của các bạn, là tâm hồn của các bạn, những phẩm chất tinh thần làng xã Việt Nam từ xa xưa đã truyền từ đời này sang đời khác và dành riêng cho các bạn. Đó là một công việc rất nghiêm túc đòi hỏi sự tìm tòi và sáng tạo vô tận ở các bạn. Chỉ với điều kiện ấy, sản phẩm của các bạn không chỉ mang tính thực dụng có chất lượng cao mà còn phải mang tính thẩm mĩ cao mang bản sắc Việt Nam và dấu ấn tâm hồn nghệ sĩ của bản thân các bạn.

Tôi nghĩ rằng các bạn đang chứng kiến một sự kiện đang diễn ra trước mắt các bạn: khối lượng khủng khiếp của những sản phẩm công nghệ đang tiêu diệt hàng loạt những sản phẩm thủ công mĩ nghệ trên thế giới nhưng lại khuất phục và nhường chỗ cho sự lên ngôi của những sản phẩm mang tính chất lượng cao về mặt thẩm mĩ của những nghệ sĩ có tài năng và tâm huyết trong làng nghề. Chính những sản phẩm vô giá này của các bạn đang trở thành một nhu cầu ngày một khẩn thiết của xã hội văn minh ngày nay.

Với tinh thần nói trên, tôi đầy niềm tin tưởng vào tương lai của làng nghề Việt Nam.

Với tin tưởng rằng với định hướng nói trên, nhất định các bạn sẽ tranh thủ được sự quan tâm đặc biệt của nhà nước ta và đáp ứng sự mong đợi của nhân dân ta đối với những làng nghề đang đạt được những thành công ngày một nổi bật vừa đem lại sự lớn mạnh của làng nghề vừa góp phần vào sự phồn vinh của đất nước và niềm tự hào chung của dân tộc.

GS. Vũ Khiêu

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.496.140
Tổng truy cập: