VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Bảo tồn, xây dựng điểm đến du lịch làng gốm Bàu Trúc
(Ngày đăng: 12/10/2012   Lượt xem: 1032)

Văn hoá Chăm luôn hấp dẫn các nhà nghiên cứu văn hoá. Những ai nghiên cứu về văn hoá Chăm mà chưa đến làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc coi như chưa hiểu về văn hoá Chăm. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch của tỉnh Ninh Thuận, thôn Bàu Trúc đang được đầu tư xây dựng điểm đến trong các tour du lịch.

Làng nghề cổ truyền và sản phẩm tiêu dùng

Theo các cụ già kể lại, “Palei Hamu Trok” trước kia ở tại một cánh đồng ruộng trũng gần làng Bàu Trúc bây giờ. Nhưng vào năm 1964 (năm Giáp Thìn) một trận lũ lụt lớn xảy ra ở Phan Rang cuốn trôi tất cả nhà cửa, trâu bò… Người dân Bàu Trúc lại dời làng “Palei Hamu Trok” đến định cư tại một gò đất cao, cạnh một bàu nước gọi là Bàu Trúc ngày nay. Đã từ rất lâu, người ta vẫn gọi theo cách gọi dân gian để chỉ làng gốm cồ truyền của người Chăm là thôn Bàu Trúc. Trong thực tế địa danh Bàu Trúc chưa từng được dùng để ghi vào giấy tờ hành chính nhà nước. Tên hành chính của làng Bàu Trúc này chính thức là thôn Vĩnh Thuận có từ thời Minh Mạng. Từ thời Minh Mạng cho đến năm 1954, thôn Vĩnh Thuận có lúc thuộc phủ Bình Thuận, Phủ Ninh Thuận, đạo Phan Rang… Từ 1954 – 1975, thời Mỹ - Ngụy nền hành chính có sự thay đổi thì thôn Vĩnh Thuận lại thuộc xã Phước Hậu (Phước Hữu), quận An Phước, tỉnh Ninh Thuận. Từ năm 2000 đến nay, làng Bàu Trúc được quy hoạch thành các khu phố thuộc thị trấn Phước Dân. Nhưng người dân ở Ninh Thuận vẫn gọi là thôn (hay làng Bàu Trúc), người Chăm thì vẫn gọi là Palei Hamu Trok hoặc Palei ngak gok (làng làm gốm) và người Bàu Trúc vẫn bảo lưu nguyên vẹn nghề gốm cổ truyền từ ngàn xưa – được các nhà nghiên cứu cho là làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á.

Sản phẩm gốm Bàu Trúc đã mở rộng sang gốm trang trí
Sản phẩm gốm Bàu Trúc đã mở rộng sang gốm trang trí.

Làng gốm Bàu Trúc nằm trong vùng lòng chảo được bao quanh bởi những dãy núi nên mùa mưa thường gây ra lũ lụt và phù sa bồi tụ lâu năm tạo thành các lớp đất sâu ở triền sông Quao. Chính nơi đây đã hình thành các mỏ đất sét mịn màng, có độ dẻo cao. Bên dưới lòng sông Quao lại có những dải cát trắng hạt nhỏ - những nguyên liệu cần thiết để tạo thành gốm Bàu Trúc mà không nơi nào có được. Loại đất sét này khi nung rất dẻo và bền.

Các hoa văn trên sản phẩm gốm được các nghệ nhân sử dụng đa phần là các loại que, cây, răng lược, quả dại, hoa dại, vỏ sò, vỏ ốc có các hình đều nhau tạo nên. Do không có bàn xoay nên độ tròn đều và tính mỹ thuật hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng, tâm hồn của nghệ nhân khi nặn gốm. Để làm tăng độ láng, người Chăm không sử dụng men mà dùng vải nhúng nước để chà láng. Vì nung lộ thiên bằng rơm, bằng củi trên một bãi trống, phụ thuộc vào độ nóng, độ gió và chiều gió nên sản phẩm khi nung xong có độ chín không đều, chỗ đen đậm, chỗ vàng. Tất cả tính nghệ thuật thủ công ấy đã tạo nên những sản phẩm gốm có tính độc bản cao, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Bằng kỹ thuật thủ công hoàn toàn, gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm “ấm bàn tay con người nhất’’. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất để nghề làm gốm của người Chăm nổi tiếng và là cái đáng bảo tồn nhất.

Biết bao năm tồn tại, sản phẩm làng gốm của người Chăm Bàu Trúc chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng. Các loại gốm gia dụng như lu, thạp, nồi, niêu, siêu nấu thuốc nam, bếp lò, chậu, khuôn đúc bánh căn, bánh xèo… cung cấp cho cộng đồng các dân tộc quanh vùng, kể các một số tỉnh Tây Nguyên. Với sản phẩm thủ công, độ nung thấp nên độ cứng bền của sản phẩm không cao. Hàng tiêu dùng nhôm, nhựa ngày càng nhiều chủng loại nên đồ gốm tiêu dùng ngày càng khó tiêu thụ. Đa số các hộ làm gốm đều nghèo. Nghề gốm dần trở thành nghề phụ. Người dân Bàu Trúc phải đi sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, chăn nuôi gia súc.

Du khách trải nghiệm làm gốm Bàu Trúc
Du khách trải nghiệm làm gốm Bàu Trúc.

Bước phát triển làng nghề gốm mỹ nghệ

Hoạ sĩ Đàng Năng Thọ là người con Chăm của thôn Bàu Trúc, là một trong những người đầu tiên sử dụng chất liệu đất nung gốm để làm các tác phẩm mỹ thuật như tháp Chàm, các loại tượng Chăm. Các tác phẩm tranh và tượng màu đất nung của anh đã đạt nhiều giải thưởng mỹ thuật quốc gia và quốc tế. Năm 2001, họa sĩ Sỹ Hoàng đã mở cuộc triển lãm hơn 800 sản phẩm gốm Chăm có tên “Điểm của một thời” tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc triển lãm tạo được tiếng vang lớn, sản phẩm gốm mỹ nghệ, gốm trang trí của Bàu Trúc đã ra đời từ đó và ngày càng phát triển. Làng nghề gốm Bàu Trúc từ đây đã thêm một nghề mới - nghề thủ công mỹ nghệ gốm. Các loại tượng Chăm, bình hoa, bình phong thuỷ, đèn trang trí ngoài trời… được sáng tác ngày càng nhiều. Một số doanh nghiệp sản xuất gốm mỹ nghệ ra đời và đã có những chuyến hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Hợp tác xã gốm Bàu Trúc được thành lập. Thương hiệu “Gốm Bàu Trúc” được xây dựng. Nhà nước đầu tư xây dựng nhà trưng bày và tạo nhiều cơ chế chính sách để phát triển nghề làm gốm. Hàng năm Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ termar, hội chợ du lịch. Sản phẩm gốm mỹ nghệ ngày càng được ưa chuộng và sức tiêu thụ ngày càng tăng. Tuy nhiên, với một mặt hàng dễ vỡ, đòi hỏi rất công phu khi vận chuyển, mặc dù mẫu mã ngày càng được cải tiến, một số sản phẩm được thu nhỏ, được làm chắc chắn hơn, bền đẹp hơn nhưng việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.

Những quan điểm về bảo tồn và phát triển.

Về lĩnh vực kinh tế, với mong muốn tạo điều kiện để bà con phát triển có thu nhập ngày càng cao bằng nghề làm gốm, các nhà quản lý ở Ninh Thuận đã đưa ra nhiều phương án, đề án như đưa công cụ máy móc hiện đại vào các công đoạn sản xuất gốm. Lò nung gốm đã được xây dựng, thậm chí đã trình đề án xây dựng xưởng sản xuất gốm bằng công nghệ mới. Tuy nhiên, về lĩnh vực văn hoá, với trách nhiệm bảo tồn nghề truyền thống, quan điểm hiện đại hoá nghề làm gốm cổ truyền Bàu Trúc không được đồng tình. Bởi lẽ, nghề gốm Bàu Trúc nổi tiếng bởi phương pháp thủ công, thô sơ, bởi tính độc bản của sản phẩm gốm và gần đây là những sản phẩm gốm mỹ nghệ. Sản phẩm gốm tiêu dùng ngày càng ít người sử dụng và rất khó tiêu thụ, khó có thể cạnh tranh với các mặt hàng gốm sứ công nghiệp. Nên chăng là bảo tồn phương pháp thủ công từ hàng nghìn năm trước mà cho đến nay, người dân Chăm Bàu Trúc vẫn còn lưu giữ được. Sản phẩm gốm hiện nay tiêu thụ được chủ yếu là các tác phẩm mỹ thuật với chất liệu là đất nung. Còn nếu đưa công nghệ hiện đại vào thay thế phương pháp thủ công hay xây dựng nhà máy gốm sứ công nghiệp ở một nơi khác bên ngoài làng nghề Bàu Trúc.

Nung gốm bằng rơm là nét riêng chỉ có ở gốm Bàu Trúc
Nung gốm bằng rơm là nét riêng chỉ có ở gốm Bàu Trúc.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn làng cổ. Ngành văn hoá Ninh Thuận đã đưa làng nghề gốm Bàu Trúc vào danh mục làng cổ để bảo tồn. Năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa “Nghệ thuật làm gốm của làng Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận” vào 1 trong 12 di sản cần lập hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận là di sản cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Thấy được giá trị của làng nghề làm gốm cổ truyền của người Chăm thôn Bàu Trúc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã đưa thôn Bàu Trúc vào đề án xây dựng điểm đến du lịch, xây dựng mô hình du lịch homestay ở đây. Nhà trưng bày, trình diễn làm gốm được xây dựng. Hợp tác xã gốm Bàu Trúc được hình thành, thương hiệu gốm Bàu Trúc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Năm 2012, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư xây dựng đội văn nghệ dân gian Chăm thôn Bàu Trúc với sự tham gia của các nghệ nhân Chăm trong thôn để phục vụ du khách. Khách du lịch đến thôn Bàu Trúc ngày càng nhiều.

Kế hoạch Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận 2012

 (từ ngày 14 - 16/10/2012)

Ước tính có khoảng gần 800 nghệ nhân, diễn viên, tuyên truyền viên, huấn luyện viên và vận động viên là người dân tộc Chăm của 06 tỉnh, thành phố tham gia các hoạt động tại Ngày hội: Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tham gia hội thảo, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa Chăm.

Các hoạt động trước Lễ khai mạc (từ ngày 12/10/2012): Hội chợ Thương mại gắn với Lễ hội Ka Tê 2012; Liên hoan tuyên truyền, trưng bày, giới thiệu sách; Chiếu phim tư liệu về văn hóa Chăm; Giới thiệu văn hóa ẩm thực; Triển lãm - Giới thiệu “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Triển lãm văn hóa Chăm của các tỉnh, thành phố; Triển lãm ảnh “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam”; Trưng bày Mỹ thuật Chăm; Hội thảo “Bảo tồn và phát triển văn hóa Chăm”; Thi đấu Thể thao.

Lễ khai mạc Ngày hội: Có kịch bản riêng - Truyền hình trực tiếp trên VTV và NTV) vào lúc 20g00 ngày 14/10/2012 tại Khu Di tích Tháp Po Klongirai;

Lễ hội Ka Tê từ 06h30 - 11h00 ngày 15/10/2012 tại Khu Di tích Tháp Po Klongirai;

Liên hoan nghệ thuật và trình diễn trang phục dân tộc Chăm: Từ ngày 15 - 16/10/2012 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh - đường 16 tháng 4.

Triển lãm - Giới thiệu “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam”, Triển lãm văn hóa Chăm của các tỉnh, thành phố, Triển lãm ảnh: “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” từ ngày 14 - 16/10/2012.

Hội thảo “Bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm” vào 8h00 ngày 16/10/2012;

Lễ bế mạc Ngày hội: Từ 20g00 – 22g00 ngày 16/10/2012 tại Khu di tích Tháp Po Klongirai; Liên hoan giã bạn ngay sau khi kết thúc lễ bế mạc tại Sân khấu lễ bế mạc, tháp Chàm Po Klongirai.

Theo langvietonline

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.496.187
Tổng truy cập: