VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Ðừng để quá muộn!
(Ngày đăng: 12/10/2012   Lượt xem: 726)

3985291803.jpg

Nghệ nhân Trần Văn Giàng trầm tư bên chiếc bình gốm hoa mai.

Hà Nội có nhiều làng nghề thủ công truyền thống với những sản phẩm độc đáo, mang giá trị văn hóa, mỹ thuật cao. Ðể làm nên giá trị đó là nhờ bàn tay, khối óc của những nghệ nhân, người thợ tay nghề cao, trong đó có không ít nghệ nhân tuổi cao, sức yếu. Làm thế nào để phát huy bàn tay, khối óc đó trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống ở Thủ đô vẫn luôn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Vinh danh rồi... để đấy

Nghệ nhân Trần Văn Giàng lập cập mãi mới rót được chén nước trà mời khách. Ở tuổi 83, qua một lần bị tai biến mạch máu não, sức khỏe của ông rất kém. Nghệ nhân Trần Văn Giàng được coi là một "huyền thoại" về chế tác mầu men gốm Bát Tràng. Nhưng mãi đến năm 2011 vừa rồi, ông mới được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Trong cuộc đời làm gốm, ông đã có hàng mấy chục tác phẩm được giải cao trong các cuộc triển lãm. Ông là "cha đẻ" của nhiều mầu men độc đáo như men tiết dê, men da bí... Ông cũng là thầy dạy của nhiều lớp thợ gốm ở các làng nghề, trong đó có không ít người đã thành danh. Nghệ nhân Trần Văn Giàng chưa một lần phàn nàn về việc ông bị chậm trễ trong việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Nhưng người con trai của nghệ nhân, anh Trần Văn Ðức bảo rằng: "Giá mà cụ được nhận danh hiệu Nghệ nhân sớm hơn, từ khi cụ còn khỏe, thì sức sáng tạo của cụ sẽ lớn hơn, sẽ cống hiến được nhiều hơn...".

Khi được hỏi hiện gia đình ông có sản xuất mặt hàng có mầu men tiết dê hay không, Nghệ nhân Trần Văn Giàng lắc đầu. Gia đình ông không đủ điều kiện khôi phục loại men này. Trong các loại men ở Bát Tràng, người trong nghề phân biệt ra hai loại: men tự nhiên (làm từ các loại đất, đá tự nhiên) và men hóa học (làm từ các loại ô-xít sắt, nhôm...). Ðồ mỹ nghệ chỉ có giá trị cao nếu nó sử dụng men tự nhiên. Hiện giờ ở Bát Tràng có lò gốm làm được men tiết dê, nhưng đó là men hóa học, chất lượng không thể bằng men tự nhiên. Hàng chục nghệ nhân tay nghề cao ở đây đều thừa nhận, kỹ thuật làm men tiết dê tự nhiên duy nhất chỉ Nghệ nhân Trần Văn Giàng nắm được. Nghệ nhân Trần Văn Giàng đã mày mò pha trộn nhiều loại đá ở các vùng khác nhau để tìm ra loại men này. Giờ, nếu khôi phục, ông sẽ phải về những vùng núi có loại đá đó, mang đá về, giã ra, rồi pha trộn. Nhưng sức khỏe không cho phép người nghệ nhân già làm được điều này. Hơn nữa, đầu tư khôi phục một mầu men, cũng phải vài chục triệu đồng, điều kiện kinh tế của gia đình không cho phép. Một mai, nếu Nghệ nhân Trần Văn Giàng ra đi, men tiết dê "độc nhất vô nhị" này cũng như nhiều bí quyết làm men khác của gốm Bát Tràng sẽ cùng ông sang thế giới bên kia.

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề thủ công truyền thống và có nhiều nghệ nhân giỏi. Thế hệ những nghệ nhân cao tuổi thường là những người nắm kỹ thuật tay nghề cao. Nhưng theo nhận định của Nghệ nhân đúc đồng Lê Khang - Phó Chủ tịch Hội nghệ nhân Hà Nội, nghề thủ công truyền thống mới phát triển trở lại hơn chục năm nay, khi đó các nghệ nhân đều đã cao tuổi, một số người kinh tế còn khó khăn, cho nên phần đông họ không có điều kiện phát huy tay nghề, nếu không được hỗ trợ.

Có nên phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân danh dự"?

Nhưng Nghệ nhân Trần Văn Giàng vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Bởi ông đã được nhận bằng chứng nhận nghệ nhân do UBND thành phố Hà Nội trao tặng. Còn rất nhiều nghệ nhân khác chưa một lần được vinh danh.

Kẻ Bưởi là vùng đất giàu truyền thống, nơi đây từng tồn tại nhiều làng nghề... Nghề dệt lĩnh ở Trích Sài - một trong những nghề từng làm nên tiếng tăm của Kẻ Bưởi, xuất hiện từ hơn 500 năm về trước. Người nắm rõ những bí quyết dệt lĩnh ở Trích Sài là cụ Phùng Văn Thiêm, năm nay cụ Thiêm đã 92 tuổi. Mặc dù là người nắm giữ bí quyết của nghề thủ công "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam, nhưng cụ Thiêm không có cơ hội được vinh danh nghệ nhân.

Ðối với lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, ngoài Bộ Công thương, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội cũng tổ chức phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho những người làm thủ công mỹ nghệ có tay nghề cao, có nhiều đóng góp. Nhưng một trong những yêu cầu bắt buộc để được công nhận là Nghệ nhân là người thợ phải có sản phẩm đồng thời đào tạo được học trò để giữ nghề. Trường hợp của cụ Thiêm, làm được những điều này thật khó, vì nghề dệt  lĩnh ở Hà Nội đã ngừng từ năm 1947. Ba mươi năm sau đó, cụ bán nhiều tài sản của gia đình để khôi phục lĩnh Trích Sài. Nhưng khi mới dệt được một ít sản phẩm, thì cụ đã phải ngừng lại do gặp khó khăn về kinh tế. Tuổi già ập đến, cụ không còn cơ hội tạo ra những sản phẩm độc đáo của nghề lĩnh. Nhưng bí quyết dệt lĩnh thì vẫn còn nguyên trong trí óc cụ. Tuy nhiên, cụ vẫn kịp truyền nghề cho một người học trò. Hiện học trò của cụ có mở một hiệu bán lĩnh Bưởi ở chính khu vực làng Trích Sài cổ.

Cách nhà cụ Thiêm không xa là nhà ông Nguyễn Thế Ðoán. Ông Ðoán là người duy nhất nắm giữ bí quyết làm giấy dó lụa. Nhưng do kinh tế khó khăn, ông chưa thể khôi phục nghề. Và dẫu có tự hào là người duy nhất nắm giữ bí quyết này, thì cũng giống cụ Thiêm việc vinh danh Nghệ nhân với ông là điều không thể, do ông thiếu cả hai điều kiện quan trọng nêu trên. Ông Ðoán vẫn đang tìm kiếm người tha thiết với nghề này để truyền dạy những bí quyết, nhưng mãi vẫn chưa tìm được.

Thật tiếc khi thời gian cứ cạn dần với những "di sản sống" ấy. Nếu những người duy nhất nắm giữ bí quyết của những nghề thủ công truyền thống này về thế giới bên kia, thì việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chắc chắn sẽ mai một theo. Nên chăng, với những người không đủ điều kiện để phong tặng danh hiệu Nghệ nhân như cụ Phùng Văn Thiêm, ông Phùng Thế Ðoán, các cấp, các ngành nên dành tặng họ danh hiệu "Nghệ nhân danh dự". Ðó cũng là niềm an ủi, để các cụ thêm động lực phấn đấu truyền nghề trong những năm tháng cuối đời.

Theo báo mới

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.495.675
Tổng truy cập: