VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Lưu giữ tâm hồn Việt
(Ngày đăng: 12/10/2012   Lượt xem: 763)

Nói về làng nghề truyền thống ở huyện Ứng Hòa - Hà Nội không thể không nhắc đến làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá, xã Hòa Lâm. Hằng ngày, hằng giờ, những người nông dân làng Trạch Xá cần mẫn làm nên những bộ áo dài truyền thống, góp phần tô điểm nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Nghề cha truyền con nối

Hòa Lâm hôm nay không còn cảnh đường đá cấp phối xóc nảy người, nhiều mô hình chuyển đổi lúa - cá - vịt đa canh, trồng nấm được bung ra mang đến một sức sống mới cho mảnh đất này. Nhưng có lẽ nghề may áo dài truyền thống vẫn là nghề làm cho mảnh đất này nổi tiếng. Những chiếc áo dài được may theo lối truyền thống và cách tân được trưng bày trang trọng trong những chiếc tủ kính đơn sơ. Những tấm huy chương, bằng khen qua các kỳ hội chợ thương mại, du lịch được treo ngay ngắn trên tường. Phòng trưng bày còn nghèo nàn này cũng là trụ sở của Hợp tác xã nông nghiệp thôn Trạch Xá. Thôn có 300 hộ, 1.800 khẩu đã có khoảng 600 lao động làm thợ may tại các cửa hiệu trên các phố lớn của Hà Nội chưa kể số lao động làm nghề tại làng.

may.jpg
Những bộ áo dài Trạch Xá đã góp phần làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Trung Kiên

Chuyện kể rằng, xưa vua Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp loạn 12 sứ quân đã đi khắp đất nước tìm kiếm nhân tài đưa về xây dựng kinh đô Hoa Lư. Khi qua đất Sơn Tây, nhà vua gặp người con gái tên là Nguyễn Thị Sen, vừa xinh đẹp, vừa tài hoa, lại thạo nghề may vá, nên đã đón về Hoa Lư, lập làm thứ phi, giao cho nàng trông coi việc dạy cung nữ chăn tằm, dệt vải, may áo quần triều phục cho hoàng cung. Khi vua Đinh bị sát hại, nàng Sen phải dẫn con rời khỏi cung điện. Chạy đến đất Trạch Xá, nàng được dân làng che chở, cưu mang. Nàng tình nguyện xin ở lại, đem nghề tằm tang dạy cho nhân dân, lại dạy cả nghề se tơ, dệt vải, may áo, quần vừa đẹp, vừa sang. Đời sau, vua Lý Công Uẩn cưỡi thuyền rồng đi qua vùng đất ấy, thấy lụa tơ phơi ven sông, ghé lại xem rất lấy làm thích thú. Sau này, vua cho người về đón những người thợ giỏi giang nhất vùng Kinh đô chăm lo việc dệt vải, may triều phục cho hoàng tộc, cung tần mỹ nữ. Dân làng đã tôn bà Nguyễn Thị Sen là Thánh Sư, lập đền thờ, bốn mùa khói hương, vào ngày kỵ của bà 12 tháng Chạp, dân làng tổ chức lễ hội, thi may áo khéo, thi dệt lụa…

Làng nghề may áo dài Trạch Xá cha truyền con nối, cách học và truyền nghề này càng giúp cho người Trạch Xá yêu và gắn bó hơn với nghề. Trước năm 1980, nghề may áo dài Trạch Xá phát triển mạnh mẽ, những tà áo dài mềm mại treo khắp trong nhà, ngoài phố. Trẻ con 8 tuổi đã bắt đầu làm quen với việc đơm cúc, thêu áo... Những đứa trẻ sáng dạ thì 15 tuổi đã có thể tự hào vì mình may được một chiếc áo dài đẹp. Nhiều gia đình đã gắn bó với nghề may áo dài. Mỗi nhà một bí quyết, người cao tuổi truyền lại cho giới trẻ bởi vậy mà tinh hoa ngàn đời được tích tụ, được nhân rộng với sự sáng tạo để mang đến những tà áo dài đẹp, khoe nét duyên dáng tuyệt vời cho người phụ nữ Việt Nam.

Bỏ phố về quê

Năm 1993, sau khi xuất ngũ, anh Nghiêm Văn Đạt đã không về làng mà ngược ra Hà Nội xin làm thuê cho một hiệu may áo dài của người đồng hương Trạch Xá. Sau mấy năm lăn lộn mưu sinh ở nơi phố phường đắt đỏ, giá thuê nhà tăng vùn vụt từng ngày. Anh Đạt đã nghĩ đến việc đưa áo dài về quê, tận dụng nguồn lao động lành nghề trước đây để may áo gia công cho các hiệu lớn. Các chủ hiệu đồng ý để anh mang hàng về quê may, đến hẹn mang lên để họ trả cho khách. Lượng hàng ngày một tăng, anh phải gọi cả những bạn thợ khác cùng về làm mới kịp. Thế là tạo nên một "phong trào" bỏ phố về quê của những thợ lành nghề. Từ khi lập nghề, dân Trạch Xá có một điều nguyện: chỉ truyền nghề cho con trai. Người thợ may với cái đẫy, chiếc kéo, chiếc vạch, cái thước đi khắp tỉnh nọ, huyện kia, từ Đông sang Đoài, từ Nam chí Bắc cắt may thuê. Cha đi với con, thầy đi với trò. Phụ nữ không theo được vì đường xa dặm thẳm, thân gái dặm trường.

Từ việc may thuê, anh Đạt và các đồng nghiệp còn tự mình thiết kế ra những mẫu áo dài mới lạ đón trước xu hướng thời trang của năm, của mùa để chào hàng, tư vấn cho một số hiệu may thay đổi mẫu mã nhằm tăng sức cạnh tranh và sức hút của chiếc áo dài. Anh Đạt cho biết, sản phẩm may Trạch Xá luôn có một sức hút đặc biệt đối với khách hàng, đặc biệt là khách nước ngoài. Các cửa hàng ngoài phố lớn lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào tham quan, mua vải, đặt may quần áo. Anh Đạt cho biết, nhiều người đến cửa hàng, nghe giới thiệu về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm đã đòi về tận làng tham quan. Du khách khẳng định, Trạch Xá là nơi duy nhất trên dải đất hình chữ S có nhiều đàn ông cầm kim may áo.


Theo HNM

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.500.625
Tổng truy cập: