Như mọi vùng miền trên cả nước, Tết ở Huế là ngày sum họp, là dịp để con cháu tề tựu đông đủ để cùng “lo lắng”, cùng “quét dọn” và trút hết vất vả sau 1 năm làm việc. Tết ở Huế bắt đầu nhộn nhịp sau ngày Rằm tháng Chạp, với hàng loạt hoạt động chuẩn bị cho Tết, như mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ, tảo mộ, gói bánh chưng… Đối với người phụ nữ Huế, ngày Tết là dịp để họ thể hiện sự tài ba, tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực.
Cô gái Huế thướt tha, duyên dáng trong tà áo dài trong ngày đầu năm mới. Ảnh: Thanh Lương
Ngày Tết, ở Huế thường gặp những tà áo dài của các cô, các chị thướt tha, duyên dáng trên đường đi lễ chùa ngày đầu Xuân, khiến cho bất kì ai cũng xuýt xoa...
Đối với người Huế, việc đón Tết cổ truyền của người dân nơi đây ít nhiều vẫn mang ảnh hưởng phong vị của chốn cung đình. Tết, ngoài việc tề tựu con cháu, gia đình, còn là dịp để “khoe” những món ẩm thực cung đình.
Ông Trần Đạo Quang Vũ, cán bộ UBND TP Huế chia sẻ, theo truyền thống, ngày xưa, trong cung đình, cứ đến ngày Tết, vua quan thường tổ chức lễ dựng nêu, hay còn gọi là Thướng Tiêu. Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp, cúng ông Công, ông Táo.
“Bởi người xưa quan niệm, đây là ngày đưa ông Táo về trời báo cáo thiên đình một năm qua dưới hạ giới. Cây nêu là sự đánh dấu kết thúc một năm. Hiện nay, không chỉ ở Huế, nhiều địa phương khác cũng trồng cây nêu vào những ngày này”, ông Vũ nói.
Cũng theo ông Vũ, đối với người Việt, nhiều địa phương coi trọng lễ Tết hơn là ăn Tết. Trong cung đình Huế xưa, điều này càng được khẳng định. Đó là các nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở các miếu, lăng tẩm hoàng gia.
Triều Nguyễn đặc biệt quan tâm đến việc cúng bái tổ tiên và có quy định rõ ràng về việc dâng phẩm vật, hương đèn cho các miếu thờ. Vào sáng ngày mùng Một, triều đình làm lễ triều hạ, nhà vua lên ngai vàng ở điện Thái Hòa để bá quan văn võ chúc tụng. Sau lễ, nhà vua ban lộc cho mọi người.
Đêm giao thừa tại Huế, các phủ đệ đều đốt pháo với ngụ ý xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều xui xẻo, đưa tiễn những cái cũ để đón những điều mới, may mắn, tốt tươi. Tiếng pháo đêm giao thừa như đánh mốc thời khắc thiêng liêng, thời khắc giao thời giữa năm cũ và mới.
Trò chơi dân gian “Bài Chòi”. Ảnh: Trần Vũ
Cuộc vui chơi, du Xuân kéo dài đến ngày 7 tháng Giêng. Người ta tổ chức lễ hạ nêu tại phủ đệ, bắt đầu một năm làm việc mới. Triều đình và các phủ đệ trở về với không gian và nhịp sống kín đáo, thâm nghiêm như cũ…
Mặc dù thời hội nhập, một số lễ nghi không quan trọng được đơn giản đi, nhưng những nghi lễ truyền thống không bao giờ thay đổi. Đó là nét văn hóa, nét riêng của Huế và con người Huế. “Ngày nay, có thể mâm cỗ có nhiều sự thay đổi, có rượu tây, các món ăn hiện đại. Đó cũng là điều tất yếu của sự phát triển. Nhưng Tết ở Huế vẫn là sự đoàn viên, hướng về tổ tiên, cội nguồn dân tộc. Dù con cháu không có nhiều thời gian thực hiện một số lễ nghi, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn vẫn phải lưu giữ những nghi lễ truyền thống”, ông Vũ chia sẻ.
Về ẩm thực Tết, không ở đâu phong phú hơn ở Huế. Đây là chốn kinh kỳ xưa kia nên các món ăn cũng mang đậm màu sắc triều đình. Xưa kia, Tết là thời gian để những người phụ nữ trong gia đình thể hiện tài nữ công gia chánh. Họ tự tay làm các món ăn, trước là để làm lễ cúng tổ tiên, thần linh thổ địa, sau là để cả nhà sum vầy quây tụ.
Đó là những món bánh chưng, bánh tét, nem công, chả phụng, các món mứt me, mứt cà chua… Ngày nay, mặc dù nhiều gia đình đã tìm mua ngoài chợ, những địa điểm uy tín bán các món này. Tuy nhiên, xưa kia, là phụ nữ Huế, ai cũng đều biết làm các món này. Nó thể hiện cho sự tinh tế trong ẩm thực của mỗi người.
Trong 3 ngày Tết, điều mà người dân Huế không chỉ chờ đón để thăm nhau, để quan tâm và ôn lại những việc đã làm trong năm qua, Tết ở Huế còn thể hiện tính đa dạng qua các trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc.
Tết là ngày đoàn viên, ngày sum họp, nên bữa cơm đêm giao thừa và sáng mùng 1, dù chỉ là khoảnh khắc rất ngắn, vẫn khiến bất kỳ ai khi ăn tết Huế luôn khó quên, luôn đọng lại những tình cảm với Huế.
Theo: thanhtra.com.vn