VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
"Chợ chạy"
(Ngày đăng: 09/10/2012   Lượt xem: 471)

Chợ không có tên, dịch chuyển từ chỗ này đến chỗ khác. Từ tờ mờ sáng đến khi bán hết hàng, người bán phải chạy sất bất sang bang khi đội trật tự đô thị “đuổi”. Cái tên “chợ chạy” chất chứa tất cả sự vất vả, mệt nhọc, sấp ngửa của cuộc sống của mỗi phận người trong cái chợ ấy…

ImageHandler.ashx.jpg

Một nhóm chợ chạy ở huyện Cái Nước.

Chợ người nghèo

Trên khắp các nẻo đường Cà Mau đều có những cái chợ như thế. Chợ ban đầu chỉ là một vài người đi bán rong rau, cá, sau đó có thêm những người khác cùng kéo theo đông dần, cùng dịch chuyển từng đoạn những nơi có dân cư để bán những loại thực phẩm đơn giản “cây nhà lá vườn” cho bữa ăn hằng ngày như: các loại rau xanh, vài con cá rô, cá lóc, mớ tép đồng tươi đựng trong chiếc thau, xô nhựa, mớ cua đồng, ba khía hay đôi ba con vịt, con gà…

“Chợ chạy” ở Cà Mau có chung đặc điểm là các thức hàng được bày bán trên chiếc xe đẩy tự chế, hoặc trên chiếc xuồng máy chạy trên các con kinh, rạch len lỏi đến các thôn ấp xa. Chủ nhân của những cái "chợ chạy" ấy hầu hết là phụ nữ. Họ đẩy xe hoặc chạy xuồng đi và dừng lại những nơi đông dân cư, đến khi vãng khách lại tiếp tục đi đến những nơi khác.

“Chợ chạy” còn gọi là chợ người nghèo, nghèo cả người bán lẫn người mua. Vốn liếng ít ỏi nên hàng hóa thưa thớt, chợ họp tự phát, khách hàng phần lớn là dân địa phương. Một điều rất thú vị ở “chợ chạy” là chỉ bán mua vài món từ ngày này sang ngày khác, giá cả ít thay đổi, giữa người mua và người bán không có chuyện nói thách, mặc cả, đôi co, tất cả đều thuận mua vừa bán trong sự ôn hòa.

Một vài năm trở lại đây, “chợ chạy” xuất hiện làm khá nhọc công đội ngũ trật tự đô thị. Chợ lấn lòng lề đường làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Khi thì dừng lại chỗ này, khi nhóm họp chỗ nọ, kẻ bán người mua gây ảnh hưởng trật tự và giao thông.

Thế nhưng, chính từ những nhóm “chợ chạy” ấy đã đem lại nguồn sống cho không ít người. Chị Nguyễn Thị Chín, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, cho biết: “Đất vuông đều ít, cuộc sống khó khăn nên chúng tôi rủ nhau đi bán. Hàng hóa đều là đồ nuôi trồng trong gia đình, rất sạch nên người tiêu dùng rất chuộng. Mỗi ngày nếu chịu khó “chạy cũng kiếm lời cả trăm ngàn, đủ cho sắp nhỏ đi học”.

Nỗi niềm kẻ bán người mua

Nghe đến chợ, hẳn nhiên người ta nghĩ đến một nơi xô bồ, thậm chí phức tạp. “Chợ chạy” cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, chỉ vài lời thêm, bớt giá cho một món hàng thì xem như việc mua bán đã hoàn tất.

Người mua thích những nhóm “chợ chạy” vì thực phẩm chủ yếu do người dân tự nuôi trồng được, không khí mua bán dễ chịu, tiện ích nhiều bề, nhất là đối với công chức không có nhiều thời gian, giá cả hợp túi tiền vốn dĩ đã hạn hẹp của người nghèo. Người bán vừa đẩy xe, chạy xuồng, vừa rao, các món thực phẩm được giao tận cửa nhà.

“Cực lắm. Ngày nắng còn đỡ chớ ngày mưa thì tụi tôi cũng phải đội mưa mà đi bán. Nhiều khi phải chịu bán lỗ để vớt vốn. Cũng biết đôi khi lấn lòng lề đường là vi phạm Luật Giao thông, nhưng nghèo quá biết làm sao…?”, chị Hai Hồng, phường 8, TP Cà Mau, than thở.

Bà Mười Hồng, ở huyện Năm Căn, chủ nhân của một "chợ chạy" mi-ni trên chiếc xe đẩy, tâm sự: "Tôi lớn tuổi, không còn sức làm ruộng rẫy nên mới kiếm cái xe đẩy buôn bán đồ tươi cho bà con trong xóm. Công việc cũng chẳng có gì nặng nhọc, chịu khó thức sớm vô ruộng mua rau, cá rồi đem đi bán dạo. Nhín nhút chút đỉnh cũng lời cỡ 60.000 đồng mỗi ngày, đỡ gánh nặng cho con cái”.

Có rất nhiều xóm, ấp vùng sâu không có chợ, kinh rạch chằng chịt, ít người qua lại như ở Lô 2, Cơi 5, Tân Hải, Rạch Chèo, huyện Phú Tân, mỗi ngày người dân nơi đây đều mong “chợ chạy” qua nhà mình để mua thực phẩm dự trữ.

Anh Đỗ Thành Đô, Lô 2, Phú Tân, thổ lộ: “Ở đây không có chợ. Muốn đi chợ thì phải mất nửa ngày lên huyện nên tụi tôi đều chờ “chợ chạy” qua để mua đồ tươi, thuốc uống, xăng dầu. Biết là đồ mua có mắc hơn chút ít so với chợ huyện nhưng ai cũng phải chấp nhận vì biết mua ở đâu? Với lại xăng dầu lên giá, chủ hàng chắc không lời bao nhiêu”.

Vợ chồng anh Hai Lành, quê tận Vĩnh Long, xuôi xuồng xuống miệt Cà Mau bán đồ khô, đồ tươi, chia sẻ: “Chủ yếu lấy công làm lời. Có ngày bán hết xuồng đồ cũng lời được chừng hơn 100.000 đồng. Nhưng cũng không ít ngày chạy muốn cạn bình xăng mà không bán được món đồ nào vì lạc vào một con kinh lạ. Tội nhất là sắp nhỏ đội mưa nắng với cha mẹ trên xuồng từ ngày này sang ngày khác, mọi ăn uống sinh hoạt đều trên cái xuồng nhỏ này…”.

“Chợ chạy” đôi khi là một sự phiền phức nơi phố thị bởi đã gây ùn tắc giao thông ở một số điểm, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, là “khắc tinh” của những khu chợ được xây cất, phân lô đàng hoàng bởi phải chia sẻ khách hàng một cách bất đắc dĩ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận tiện ích mà “chợ chạy” mang lại cho người tiêu dùng, nhất là những lao động nghèo, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho một số lao động nữ nông thôn./.

Theo  Báo Cà Mau

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

30
Đang xem:
72.499.255
Tổng truy cập: