VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(99)- Ngày xuân lại nhớ về người nghệ nhân phục hồi tranh Đông Hồ
(Ngày đăng: 10/01/2020   Lượt xem: 447)
 
Cứ mỗi dịp Xuân về, khi nhà nhà người người tìm mua những bức tranh để trang hoàng thêm cho nhà cửa là lúc những bức tranh dân gian Đông Hồ lại được nhắc tới như một dòng tranh quen thuộc. Nhưng để có được điều đó là công sức gìn giữ của những người đã gắn cả cuộc đời với dòng tranh dân gian này, trong đó có nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh lâu đời ở làng Đông Hồ (theo gia phả dòng họ Nguyễn Đăng, ông là thế hệ thứ 20). Ngay từ nhỏ, ông đã yêu thích nghề làm tranh của tổ tiên. Chưa đầy 10 tuổi, cậu Chế đã được ông nội và cha truyền lại cho nghề làm tranh. Vào mùa tranh, suốt ngày cậu bé Chế lon ton phụ giúp cha sơn hồ, quết điệp trên giấy dó và chập chững học cách in tranh theo cha sao cho đúng màu sắc. Sau đó, một mình cậu gánh tranh ra chợ bán.

Mỗi năm, chợ tranh làng Hồ chỉ nhộn nhịp và tấp nập nhất vào tháng Chạp, họp 5 phiên vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26, bà con, khách thập phương đổ về mua tranh đông nghịt. Hàng nghìn, hàng triệu bức tranh các loại được mang ra xếp gọn lại bán cho những lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về treo Tết để mang phú quý, vinh hoa cho nhà mình. Đến chợ tranh làng Đông Hồ không chỉ có khách buôn và mua tranh mà có cả giới nghiên cứu và những người đam mê nghệ thuật tranh dân gian tấp nập kéo đến như đi trảy hội mùa xuân. Chính vì sự nhộn nhịp ấy được mọi người ca ngợi: Dù ai buôn bán trăm nghề/Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh. Sau phiên chợ tranh cuối cùng (26-12 âm lịch) những gia đình nào còn lại đều bọc kín đem cất đi chờ đến mùa tranh năm sau lại mang ra chợ bán.

ngay xuan lai nho ve nguoi nghe nhan phuc hoi tranh dong ho
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đang vẽ hoàn thiện bức tranh "Cá chép trông trăng". Ảnh: Thủy Liên

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhớ lại: “Trong những năm kháng chiến chống Pháp và nhất là năm 1945, giữa nạn đói khủng khiếp hoành hành khắp Bắc kỳ, làng tranh Đông Hồ cũng rơi vào cảnh cơ hàn, bom đạn lay lắt, bị giặc đốt phá tan hoang; người dân trong làng lo chạy loạn khắp nơi, các bản khắc tranh cũng bị thiêu cháy rụi. Chợ họp mà chẳng còn ai thèm ỏ ê gì đến tranh nữa. Đôi bồ tranh tôi gánh đi lại gánh về nặng trĩu do ế ẩm. Tất cả người dân khi đó chỉ lo kiếm mếng ăn qua ngày. Sau chiến tranh, làng tranh được khôi phục, nhiều tổ hợp tác sản xuất tranh Đông Hồ được thành lập và phát triển hơn nhưng chưa năm nào làng Hồ tổ chức được phiên chợ tranh vào dịp Tết như xưa. Phiên chợ tranh Tết năm Ất Dậu đói kém lại là phiên chợ tranh cuối cùng của đời tôi”.

Tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và sự cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài cũng bởi những đề tài trên tranh phản ánh cuộc sống mộc mạc, giản dị, gắn liền với văn hóa người Việt. Nó phản ánh hầu như tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày cũng như những mối quan hệ xã hội ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Từ những gì dân dã nhất như: hái dừa, đánh ghen, gà trống… cho tới những bức tranh thờ: Phú quý, Nhân nghĩa… được người dân đón nhận và đi vào đời sống văn hóa của họ. Mỗi khi Tết đến, dường như trong khắp các gia đình nông thôn miền Bắc đều có treo một vài tờ tranh Đông Hồ. Đó là thói quen, là tâm linh, tín ngưỡng gắn kết trong tư duy của mọi người dân Việt Nam. Cùng với thời gian, với sức mạnh mang trong mình, tranh Đông Hồ ngày càng lan tỏa ra các vùng xung quanh, để rồi nó trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã giải thích cho chúng tôi hiểu thêm về ý nghĩa của việc dùng màu sắc sao cho phù hợp với mỗi đề tài khác nhau: nền màu đỏ cho tranh đánh ghen để lột tả được cái nóng giận bực bội, ngột ngạt của không khí lúc đó; nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày Tết, nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê thanh bình, yên ả… Đôi khi những bức tranh Đông Hồ còn được nghệ nhân trang trí kèm theo những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn, ví dụ trên bức tranh Hứng Dừa “Trong như ngọc, tráng như ngà/Đây trèo đấy hứng cho vừa lòng nhau”; trên tranh đánh ghen là “Thôi thôi nuốt giận làm lành/Chi điều sinh sự thiệt mình thiệt ta”… Cứ bóc tách từng lớp nang văn hóa hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn liếng văn hóa Việt thuần khiết và trong sáng, độc đáo đến nhường nào, ông Chế nhấn mạnh.

Với mong muốn làm sống lại nghề cũ của tổ tiên. Cuối năm 1992, Nguyễn Đăng Chế xin về nghỉ hưu sớm để dành toàn bộ thời gian, công sức cho việc sưu tầm, phục chế, sáng tác tranh phục vụ du khách trong và ngoài nước. Việc làm đầu tiên, ông mua lại bộ tranh Chủ gồm ván khắc với số tiền thời đó đủ mua một ngôi nhà ngói năm gian khang trang! Liên tục 15 năm trời, tốn bao công sức, tiền của, ông đã mua lại những bản khắc tranh cổ đang bỏ xó trong các gia đình. Bộ nào thiếu, ông căn cứ vào sách báo, tư liệu, để khắc bổ sung. Đến nay ông đã làm chủ gần 400 ván in với 180 loại tranh, 1 tuyển tập tranh dân gian Đông Hồ gồm 100 đề tài khác nhau, 17 loại tranh Tứ quý, Tứ bình và mảng tranh thờ cúng. Đặc biệt, ông đang sở hữu những bộ in, bản khắc gỗ hơn 200 năm tuổi và được coi là bộ khắc độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Không chỉ tìm kiếm bản khắc cũ, Nguyễn Đăng Chế còn trực tiếp sản xuất, khắc thẳng tranh vào gỗ (dương bản), phóng to tranh với các kích cỡ khác nhau tùy theo nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, ông còn làm thêm cả việc quảng cáo tiếp thị tranh Đông Hồ với du khách trong và ngoài nước khi có dịp về tham quan, tìm hiểu về làng tranh.

Ông kể: “Có lần đi dự hội nghị văn hóa dân gian Việt Nam, ông đã mang tranh đi tiếp thị bằng cách bán với giá rẻ bất ngờ, hy vọng qua các đại biểu mua về làm quà, tranh của ông sẽ đến được với các gia đình như xưa. Mặt khác, ông ký kết hợp đồng bán tranh với Cty phát hành báo chí Trung ương, với các tỉnh, TP trong cả nước. Ngoài ra, ông cũng tham gia hợp đồng xuất khẩu tranh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Pháp và một số nước châu Phi… góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam với các nước bạn. Một mặt, ông hướng nghề cho con, cháu, con râu, con rể rất tỉ mỉ từng công đoạn làm tranh, cách pha màu, in, vẽ…. Được ông tận tâm chỉ bảo, các con cháu đều thành thạo, ai cũng yêu quý gắn bó với nghề.
                                                                           Theo: phapluatxahoi.vn
Xem thêm:
>>Nghệ nhân tranh Đông Hồ - Nguyễn Hữu Quả với: “GÓC NGHỆ THUẬT CHIỀU THỨ TƯ”

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

71
Đang xem:
77.054.636
Tổng truy cập: